Sáng 18-2, chị Lê Thị T, ở thôn Đọ Bến, xã Cương Sơn (Lục Nam- Bắc Giang) bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ số máy 01693.511.372 thông báo chị trúng thưởng. Người gọi điện thoại nói giọng miền Trung, tự xưng là Nguyễn Việt Cường, nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh tại TP Đà Nẵng. Theo thông tin nhận được thì chị T. may mắn trúng thưởng trong đợt "quay số trúng thưởng" đầu năm. Phần thưởng dành cho chị là 100 triệu đồng tiền mặt cùng chiếc xe Air Blade trị giá 48 triệu đồng. Mặc dù không gửi tiền tiết kiệm hay thực hiện các giao dịch khác tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam nhưng chị T. vẫn cung cấp cho đối tượng thông tin cá nhân. Cuối giờ chiều cùng ngày, chị tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại trên "hướng dẫn" cách thức nhận giải. Theo đó, chị phải nạp thẻ cào điện thoại của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) trị giá 1,2 triệu đồng cho số máy trên để chi phí nhận giải thưởng. Quá tin, chị cùng chồng đi vay tiền rồi đến một số cửa hàng điện thoại di động ở thị trấn Lục Nam mua 12 thẻ cào Viettel, loại 100 nghìn. Đối tượng cũng yêu cầu chị không cho ai biết và phải mua thẻ cào tại các cửa hàng khác nhau nên vợ chồng chị đều nói với họ là gửi thẻ điện thoại cho em ở nước ngoài.
Ảnh minh họa
Không dừng lại ở đó, khoảng 18 giờ cùng ngày, đối tượng yêu cầu chị T. nạp thêm ba triệu đồng để thanh toán công vận chuyển giải thưởng và hai triệu đồng giúp đăng ký biển số đẹp cho chiếc xe Air Blade. Tin tưởng vào chương trình trúng thưởng, hai vợ chồng chị bỏ dở bữa cơm, sang nhà người em mượn 5 triệu đồng tiếp tục mua thẻ cào. Cả tối đó, hai vợ chồng chị đi mua thẻ tại các cửa hàng điện thoại ở thị trấn Lục Nam, sang cả thị trấn Đồi Ngô rồi hì hục cào và thông báo mã số thẻ cho "nhân viên" Ngân hàng. Sau khi nhận đủ số thẻ cào trị giá 5 triệu đồng, đối tượng căn dặn gia đình chị T. hôm sau ở nhà chuẩn bị đón đoàn về trao thưởng. 8 giờ sáng 19-2, đối tượng gọi điện thông báo đã đến Thanh Hóa và yêu cầu chị T. mua thêm 5,7 triệu đồng tiền thẻ cào thuê phóng viên truyền hình về quay phim để hoàn tất hồ sơ và làm quà cho đoàn về trao giải. "Đâm lao phải theo lao", chị T. lại đi vay mượn mua thẻ cào. Trong quá trình đi mua thẻ cào, đối tượng liên tục dặn chị tuyệt đối giữ bí mật, không cho ai biết, chỉ được thông báo khi đã nhận thưởng. Thấy khách mua số lượng lớn thẻ cào Viettel, nhiều chủ cửa hàng đã khuyến cáo có thể chị bị lừa, song chị T. vẫn thực hiện. Đến 13 giờ chiều, đối tượng gọi điện thông báo khoảng hai tiếng nữa sẽ đến, bảo chị mua một con gà để làm lễ. Gần giờ hẹn, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị T. nạp thêm 500 nghìn thẻ cào để làm từ thiện và tuyên bố nếu không nạp sẽ đưa phần thưởng quay lại Đà Nẵng. Lúc này, mấy người cháu của gia đình chị T. đến chơi biết là bị lừa mới hỏi địa điểm để người nhà mang tiền đến tận nơi song đối tượng liền tắt máy. Cả buổi chiều đó, chị T. cố gắng gọi điện nhưng không liên lạc được. "Chúng tôi không hy vọng lấy lại số tiền đã mất nhưng mong rằng đây là bài học để không ai bị mắc lừa như thế nữa", chị T. chia sẻ.
Có thể nói, thủ đoạn lừa đảo bằng thông báo trúng thưởng không phải mới, nhưng do nạn nhân xấu hổ nên không tố giác với cơ quan công an. Hầu hết đối tượng mà bọn lừa đảo hướng tới là những người thật thà, chất phác, ở các vùng nông thôn, miền núi. Thủ đoạn của chúng giống nhau là gọi điện hoặc nhắn tin thông báo trúng thưởng với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Để xác nhận trúng thưởng và làm thủ tục nhận giải, chủ thuê bao trúng thưởng phải nạp thẻ cào cho chúng. Sau khi hoàn thành quá trình lừa đảo, những thuê bao này lập tức tắt máy hoặc chặn cuộc gọi đến. Qua tìm hiểu được biết, tất cả các ngân hàng và các mạng viễn thông đều không có chương trình trúng thưởng theo kiểu nạp thẻ cào để xác nhận. Do vậy, khi nhận được những cuộc gọi hay những tin nhắn thông báo trúng thưởng, người dân cần nâng cao cảnh giác, liên hệ với các ngân hàng hay các mạng viễn thông để xác minh thông tin, tránh bị mất tiền oan.