Loạn phạt tiền!
Thứ bảy, 22/03/2014 08:14

Loạn phạt tiền là tình trạng diễn ra ngày càng phổ biến. Rất nhiều người bị “móc túi” trắng trợn bởi những đối tượng “tự phong” cho mình thẩm quyền phạt tiền người khác.

Trường hợp nào thì phạt tiền là đúng luật, thẩm quyền phạt tiền ra sao?

Trường hợp nào thì phạt tiền là đúng luật, thẩm quyền phạt tiền ra sao?

Mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn Thạc sỹ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam).

Thưa ông, luật hiện hành quy định trường hợp nào bị phạt tiền?

- Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền trong các trường hợp sau:

Có hành vi vi phạm hành chính và phạt tiền được coi là một hình thức xử phạt;

Có hành vi vi phạm pháp luật hình sự và phạt tiền được coi là một hình phạt được áp dụng cho tội danh cụ thể quy định tại Bộ luật Hình sự;

Có hành vi vi phạm hợp đồng dân sự và phạt tiền là một hình thức phạt vi phạm hợp đồng nếu các bên có thỏa thuận.

Lĩnh vực vi phạm hành chính rất rộng, chiếm tỷ lệ lớn nhất về hình thức xử phạt tiền. Ông có thể giúp bạn đọc nhận biết được khi nào bị xử phạt tiền vi phạm hành chính?

Trước tiên, phải hiểu thế nào là vi phạm hành chính. Khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) định nghĩa: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Thứ hai, chỉ Chính phủ mới có quyền quy định các lỗi vi phạm hành chính và mức phạt tiền thông qua Nghị định. Ngoài ra, tất cả các văn bản khác quy định mức phạt tiền áp dụng cho các hành vi vi phạm hành chính đều bị coi là trái luật và không có giá trị thi hành.

Thứ ba, người xử phạt tiền do lỗi vi phạm hành chính phải có thẩm quyền được quy định cụ thể tại Luật XLVPHC và các Nghị định trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể.

Những người có thẩm quyền áp dụng hình thức phạt tiền khi xử lý vi phạm hành chính?

- Theo quy định từ Điều 38 đến Điều 51 Luật XLVPHC, những người có thẩm quyền phạt tiền khi xử lý vi phạm hành chính bao gồm:

Chủ tịch UBND các cấp;

Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ; Trạm trưởng, Đội trưởng; Trưởng Công an cấp xã, cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ trong các đơn vị công an; Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy;

Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ; Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng;

Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ; Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển; Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển; Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển; Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển; Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng Cục Cảnh sát biển;

Hải quan, gồm: Công chức Hải quan đang thi hành công vụ; Đội trưởng; Chi cục trưởng; Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục trưởng;

Kiểm lâm, gồm: Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ; Trạm trưởng; Hạt trưởng; Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng; Chi cục trưởng; Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm; Cục trưởng;

Cán bộ cơ quan Thuế, gồm: Công chức Thuế đang thi hành công vụ; Đội trưởng; Chi cục trưởng; Cục trưởng; Tổng cục trưởng;

Quản lý thị trường: Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ; Đội trưởng; Chi Cục trưởng; Cục trưởng;

Thanh tra, gồm: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ; Chánh Thanh tra sở, Chánh Thanh tra Cục Hàng không, Chánh Thanh tra Cục Hàng hải, Chánh thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Chánh thanh tra Ủy ban chứng khoán Nhà nước; Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục về bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thủy lợi, đê điều, lâm nghiệp, phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Trung tâm Tần số khu vực và các chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Cục trưởng Cục Thống kê, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, Tổng cục trưởng; Cục trưởng;

Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thuỷ nội địa: Trưởng đại diện; Giám đốc Cảng vụ;

Toà án nhân dân: Thẩm phán chủ tọa phiên toà; Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản; Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao;

Cơ quan thi hành án dân sự: Chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ; Chi Cục trưởng; Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ việc phá sản; Cục trưởng; Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu; Tổng cục trưởng;

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước;

Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Biện pháp phạt tiền khi vi phạm hợp đồng dân sự được thực hiện trong trường hợp nào?

- Phạt vi phạm được Điều 300 Luật thương mại định nghĩa như sau: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận”.

Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp quy định tại Điều 294 Luật thương mại như sau:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Người làm mất vé gửi xe có thuộc trường hợp áp dụng phạt vi phạm hợp đồng?

- Việc gửi xe làm phát sinh hợp đồng trông giữ tài sản. Tuy nhiên, việc phạt tiền do làm mất vé xe không được áp dụng; trừ trường hợp người gửi xe được thông báo trước về mức phạt làm mất vé và đồng ý với thỏa thuận này.

Còn trường hợp người lao động bị công ty phạt tiền nếu vi phạm quy định của công ty?

- Cần khẳng định trong mọi trường hợp Công ty phạt tiền người lao động là hoàn toàn trái luật. Khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động cấm: “Cấm dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động”.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hưng Hà (Xa lộ pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Nộp phạt , Mức phạt tiền , Vi phạm giao thông , Kho bạc , Quy định phạt tiền , Nghị định , Lạm quyền