Các nhà khoa học Australia đã thành công trong việc làm sống lại bộ gen của một loài cóc đã tuyệt chủng. Dự án này có tên “dự án Lazaus". Những thành viên trong dự án đã cấy một tế bào nucleic thu được từ mô những năm 70 của thế kỷ trước và giữ chúng trong điều kiện đông lạnh sâu trong trứng của một loài họ hàng trong vòng 40 năm. Một vài quả trứng đã bắt đầu phân chia và phát triển tới giai đoạn bào thai. Các cuộc thử nghiệm đã chứng minh rằng những tế bào đang phân chia đó có chứa gen của loài cóc đã tuyệt chủng này.
Loài cóc này có tên khoa học là Rheobatrachus silus, một trong 2 loài cóc sinh sản bằng miệng, sống chủ yếu ở vùng Queensland, Australia. Cả 2 loài cóc này đã tuyệt chủng từ những năm 1980 và là những loài cóc có cách sinh sản độc đáo nhất trên thế giới.
Sau khi trứng được con đực thụ tinh, con cái sẽ nuốt chúng vào cho đến khi nó nở ra thành con nòng nọc con. Con nòng nọc này sau đó sẽ phát triển trong dạ dày của con cái trong khoảng 6 tuần trước khi chúng được con mẹ “nôn” ra. Trong thời gian này, con mẹ không được ăn gì.
Đáng tiếc là không một chú cóc con nào sống được quá vài ngày, nhưng đây được coi là một thành công đáng khích lệ, tạo tiền đề cho việc làm hồi sinh những loài động vật hiện đã bị tuyệt chủng, như loài ma mút, vẹt đuôi dài lông đỏ Cuba và loài chim không biết bay khổng lồ của New Zealand.
“Chúng tôi tự tin rằng những khó khăn trước mắt chỉ là về mặt công nghệ, chứ không phải mặt sinh học và chúng tôi sẽ thành công. Công nghệ này có thể được coi là một công cụ bảo tồn khả quan, khi mà số lượng nhiều loài lưỡng cư trên thế giới đang có xu thế giảm”- giáo sư Mike Archer, đại học New South Wales, Sydney, người đứng đầu dự án này cho biết.