Theo ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Bắc Hà: Huyện đã tính toán địa điểm xây dựng vùng hoa tam giác mạch tại các thôn Pờ Chồ 2, 3 và Dín Tủng xã Lầu Thí Ngài dọc theo trục đường chính tỉnh lộ 153 từ Bắc Hà vào huyện Si Ma Cai để du khách có thể vừa đi đường vừa ngắm hoa và tham quan.
Hiện hai huyện Bắc Hà và Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai có trên 10ha cây tam giác mạch (thường gọi là cây xèo).
Đồng bào vùng cao trồng tam giác mạch lấy hạt làm lương thực. Mỗi năm, loại cây này ra hoa theo hai vụ vào tháng Tư, tháng Năm và tháng Mười, tháng Mười Một. Mỗi khi vào mùa hoa, khắp khu đồi nương rực một thảm hoa rực rỡ.
Như vậy, cùng với giải đua ngựa hàng năm vào cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu, tại huyện Bắc Hà và Si Ma Cai còn có thêm hoa mận tam hoa vào đầu Xuân và hai mùa hoa tam giác mạch mỗi năm. Đây chính là những điểm nhấn hấp dẫn du khách.
Ông Lê Văn Khiêm, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Bắc Hà, cho biết với nông dân vùng cao, cây tam giác mạch vốn là cây lương thực thứ yếu sau lúa và ngô. Trước đây, người dân Bắc Hà và Si Ma Cai trồng loại cây này để lấy hạt bổ sung nguồn lương thực hằng năm vào mùa giáp hạt.
Loại cây này sở dĩ được gọi là cây tam giác mạch bởi nó có những chiếc lá và cánh hoa khi nở đều có hình tam giác. Khi hoa tàn sẽ cho quả, trong mỗi quả có những hạt mạch nhỏ li ti bằng hạt cải, nhưng rất quý bởi nó có chất bột giàu dinh dưỡng nên người dân gọi loại cây này là cây "tam giác mạch."
Theo những người nông dân vùng cao, trồng cây tam giác mạch rất đơn giản, chỉ cần làm đất gieo hạt rồi đợi đến ngày ra hoa kết quả là thu hoạch, rất ít công chăm sóc.
Ngoài dùng hạt để chế biến tinh bột làm thức ăn, cây tam giác mạch còn có thể nấu canh ăn cũng rất tốt.
Cách chế biến hạt tam giác mạch cũng đơn giản. Sau khi thu hoạch, hạt mạch được phơi khô, đưa vào cối đá xay vỡ vỏ trấu, rồi sàng lấy phần hạt giã thành tinh bột để chế biến thành những chiếc bánh ăn thay cơm hoặc ăn kèm trong bữa cơm.
Sau này, khi thóc lúa đã dư dật, nhiều gia đình dùng hạt tam giác mạch để chăn nuôi gia súc hoặc trộn với ngô để nấu rượu, tạo ra một thứ rượu có mùi thơm khá đặc biệt .
Theo ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Phòng Văn hóa, Du lịch và Thể thao huyện Bắc Hà, hiện nay, đối với người vùng cao, tam giác mạch không chỉ được trồng để ăn mà còn để làm đẹp, tạo không gian lãng mạn, thu hút khách du lịch.
Mùa hoa tam giác mạch tháng Mười vừa qua, riêng xã Lử Thẩn đã có khoảng hơn 2.000 lượt người đến tham quan, ngắm hoa.
Với những du khách đến từ các tỉnh đồng bằng và phía Nam, nhất là giới văn nghệ sỹ, hình ảnh những thửa ruộng tam giác mạch nở hoa lộng lẫy giữa khung cảnh núi non hùng vĩ luôn là điểm nhấn ấn tượng trong hành trình du lịch của mình.
Hoa tam giác mạch có vòng đời kéo dài khoảng một tháng. Một điều kỳ diệu là hoa tam giác mạch có cảm ứng biến đổi màu theo ánh nắng Mặt Trời, buổi sáng hoa có màu trắng, buổi trưa hoa chuyển màu phớt hồng, chiều hoa lại ngả sang màu tím.
Hằng năm, cứ vào độ tháng Tư đến tháng Năm và từ đầu tháng Mười đến giữa tháng Mười Một, cây tam giác mạch lại nở rộ hoa, khiến khung cảnh vùng Si Ma Cai, Bắc Hà càng trở nên thơ mộng.
Ông Nguyễn Hà Thanh, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết ông đã đến nhiều vùng du lịch trong nước và thế giới, nhưng khi lên miền núi phía Bắc, nhất là đến với Bắc Hà và Si Ma Cai vào mùa hoa tam giác mạch nở, hình ảnh những thửa ruộng tam giác mạch như một thảm hoa lộng lẫy giữa khung cảnh núi non hùng vĩ khiến ông rất ấn tượng.
Những sắc hoa này chính là một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất trong hành trình du lịch của ông.
Dễ trồng, năng suất cao lại dễ chế biến nên từ lâu, hạt tam giác mạch đã trở thành nguồn thực phẩm không thể thiếu của đồng bào H'Mông ở những vùng khó khăn.
Nhiều năm trở lại đây, với sự phát triển kinh tế-xã hội, đồng bào Mông đã từng bước thoát nghèo và không còn trồng nhiều loại cây này nữa.
Tuy vậy, sự hấp dẫn của loài hoa tam giác mạch đối với nhiều du khách đã và đang là gợi mở cho ngành du lịch, chính quyền địa phương để phát triển diện tích trồng loại cây này thành một trong những cây cảnh quan, thu hút ngày nhiều khách du lịch đến địa phương.