Làng Vân “chìm” trong ô nhiễm

Năm 2003, làng nấu rượu truyền thống Vân Hương (thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được đưa vào danh sách làng nghề ô nhiễm nặng nề cần xử lý. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc xử lý môi trường vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo thống kê của UBND xã Vân Hà, làng nghề nấu rượu truyền thống làng Vân (thuộc thôn Yên Viên) có hơn 600 hộ nấu rượu. Song hành cùng nghề nấu rượu truyền thống, người dân xã Vân Hà còn phát triển chăn nuôi nhằm tận dụng bã rượu làm thức ăn cho đàn lợn. Sự kết hợp này đã mang lại cho bà con cuộc sống khá giả hơn.

Tuy nhiên, quy trình nấu rượu hiện nay của làng Vân vẫn dựa vào công nghệ thô sơ lạc hậu, sản xuất mang tính chất hộ gia đình đơn lẻ, vốn ít, lao động thủ công. Bên cạnh đó, nghề chăn nuôi ở đây lại phát triển một cách ồ ạt, thiếu định hướng. Hiện nay, chỉ tính riêng thôn Yên Viên có trên 30.000 con lợn. Chính điều này khiến môi trường làng nghề vốn đã ô nhiễm càng trở nên trầm trọng. Thống kê, mỗi ngày chất thải từ các hoạt động nấu rượu và chăn nuôi xả vào môi trường hàng ngày từ 500m3 - 1.000 m3/ngày.

Công nghệ nấu rượu của người dân ở thôn Yên Viên vẫn thủ công là chính

Kết quả quan trắc môi trường năm 2010 cho thấy, nước thải tại thôn Yên Viên, xã Vân Hà hàm lượng BOD5 cao hơn tiêu chuẩn cho phép (TCCP) 2,2 lần, hàm lượng COD cao hơn TCCP 1,75 lần, hàm lượng Sunfua cao hơn TCCP 2,87 lần, hàm lượng Coliform cao hơn TCCP 1,05 lần. Các giếng nước và ao làng đều bị ô nhiễm nặng. Ngay cả đoạn sông Cầu chạy qua địa bàn cũng bị nhiễm bẩn.

Chị Nguyễn Thị Mai – người dân thôn Yên Viên cho biết, những ngày trời nắng cống rãnh bốc mùi khó chịu, còn ngày mưa, nước thải nhầy nhụa tràn ra lênh láng khắp nơi. Ô nhiễm là vậy nhưng với đa số người dân ở đây, họ đều cảm thấy an phận. Còn đối với ô nhiễm môi trường, đa số người dân xã Vân Hà cũng như chị Mai khi được hỏi đều chặc lưỡi: “Ở lâu quen rồi”.

Kênh rạch tại thôn Yên Viên tràn rác do sự thiếu ý thức của người dân

Đấy là với những người bản xứ, còn với khách phương xa khi đến xã Vân Hà, họ khó có thể chịu được mùi ngai ngái của chất thải gia súc, mùa chua nồng của chất thải nghề nấu rượu. “Dạo trước có mấy người bạn đến chơi, vào đến làng mùi hôi thối không chịu nổi. Hỏi han qua loa mấy câu chuyện họ đã vội vã đi ngay. Có lẽ với người lạ khi đến làng thì mới cảm nhận được sự ô nhiễm nghiêm trọng của làng nghề”, giọng ông Bùi Tiến Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà ái ngại.

Bế tắc giải pháp

Thực tế câu chuyện ô nhiễm làng nghề nấu rượu thôn Yên Viên - xã Vân Hà  không còn mới. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg công bố và đưa vào danh sách các cơ sở, làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng cần được xử lý triệt để.

Đối với Bắc Giang có 11 cơ sở được đưa vào danh sách này, trong đó có hai làng nghề là: Làng nghề nấu rượu xã Vân Hà và làng nghề giết mổ trâu bò thuộc xã Hoàng Ninh (cả hai đều thuộc huyện Việt Yên).

Anh Quân - một cán bộ xã Vân Hà cho biết, đa số người dân ở thôn Yên Viên nấu rượu chủ yếu là để phục vụ chăn nuôi theo hộ gia đình

Với thực tế đó, nhiều giải pháp chính sách được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm tại xã Vân Hà. Năm 2008, Hội Nước sạch và Môi trường Bắc Giang triển khai đề án “Xây dựng mô hình trình diễn cộng đồng tham gia nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề nấu rượu làng Vân”.

Mục tiêu của dự án là tổ chức thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Dự án cũng chuyển giao kỹ thuật xây dựng và vận hành biogas, xử lý chất thải thông qua việc đào tạo đội ngũ kỹ thuật xây dựng, vận hành biogas cho người dân.

Tuy nhiên qua gần 4 năm thực hiện dự án, hiệu quả mang lại vẫn chưa đạt được bao nhiêu, khi thực tế hiện nay vẫn còn quá ít người dân sử dụng và vận hành hầm biogas. Bên cạnh đó, sự phát việc sinh thêm chất thải sinh hoạt làm cho môi trường của xã càng thêm ô nhiễm.

Bên cạnh đó, chính quyền xã Vân Hà cũng tạo điều kiện cho gia đình ông Nguyễn Vân Trường - một hộ nấu rượu trong xã Vân Hà đứng ra bỏ vốn thành lập hợp tác xã nấu rượu Vân Hương từ năm 2004. Hợp tác xã với nhà xưởng kiên cố và được đầu tư công nghệ mới.

Theo ông Bùi Tiến Thành – Phó Chủ tịch xã Vân Hà, việc thành lập hợp tác xã với mục đích là tập trung các hộ nấu rượu trong xã vào sản xuất quy mô. Việc làm này không chỉ nhằm mục đích xây dựng thương hiệu rượu làng Vân mà còn tiện cho việc xử lý tập trung nước thải ra môi trường của nghề nấu rượu. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, hợp tác xã vẫn chỉ mới thu hút được 6 - 7 hộ gia đình trong xã.

Việc phát triển nấu rượu theo quy mô lớn, công nghệ cao ở thôn Yên Viên không thu hút được sự quan tâm của người dân

Giải thích nguyên nhân này ông Thành cho biết do người dân không muốn tham gia hợp tác xã vì sợ quyền lợi bị chia sẻ.

Ngay bản thân gia đình Bí thư Đảng ủy xã Vân Hà Nguyễn Chi Liêm cũng nấu rượu, nhưng khi vận động tham gia hợp tác xã, ông Liêm ngại vì sợ sẽ không đủ sức đáp ứng được khả năng sản xuất. Quan trọng hơn, việc nấu rượu của gia đình sẽ bị điều tiết về giá thành, thị trường, chất lượng sản phẩm.

Ông Thành cũng cho biết, đối với xã Vân Hà hiện nay, việc xử lý ô nhiễm môi trường gần như không thể. Bởi vậy chính quyền xã chỉ còn mong chờ vào sự trợ giúp của huyện, tỉnh cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường.

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bắc Giang cho biết, hiện nay Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 2688/KH-UBND ngày 14/11/2011 nhằm xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, trong đó đã giao UBND huyện Việt Yên chủ trì xây dựng dự án, đề án; đầu tư kinh phí, nguồn lực thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm và hoàn thành việc chứng nhận ra khỏi Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định 64 đối với làng nghề nấu rượu Vân Hà.

Sở đang cùng UBND huyện Việt Yên và UBND các huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh rà soát, điều tra, lập dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường ở các làng nghề và điểm gây ô nhiễm trên địa bàn trình Bộ TN&MT phê duyệt làm căn cứ để triển khai thực hiện.