Ông Ngởi làm được các công việc nương rẫy, đồng áng.
Làm việc bằng con mắt thứ 3
Chúng tôi băng qua con dốc trơn như lươn dẫn lên nhà "kỳ nhân" Bùi Văn Ngởi. Đó là một ngôi nhà sàn làm bằng gỗ theo kiến trúc của người Mường. Phía sau ngôi nhà, một người đàn ông đang bổ những nhát cuốc cẩn trọng xuống đất để lật từng bụi cỏ.
Chúng tôi cất tiếng hỏi thăm gia đình ông Ngởi, người đàn ông dừng tay cuốc nghiêng một bên tai sang phía chúng tôi nghe ngóng.
Lát sau ông nói: "Tôi là Ngởi đây". Khi ông quay mặt lại, chúng tôi mới té ngửa vì đôi mắt đã hỏng hoàn toàn, ấy vậy mà ông vẫn có thể làm vườn như người bình thường. Nhưng ông quả quyết là còn có thể làm được nhiều hơn thế nữa.
Ông Ngởi kể, cách đây mấy chục năm, chính tay ông đã lên rừng chặt gỗ về làm nhà. Khi đó rừng còn nhiều, ông chỉ việc lên tìm gỗ. Khi gặp cây nào đó ông chỉ việc dang tay ra ôm lấy cây để áng chừng xem cây đó có thể làm cột nhà không.
hậm chí, ông còn trèo cả lên cây để "đo độ dài" của cây gỗ, nếu ưng ý thì mới chặt hạ rồi nhờ người khiêng về.
Ngày đó, dân làng thấy ông mù hai mắt mà lại lên rừng chặt gỗ thì lấy làm lạ lắm. Họ thách đố, có người còn đòi bịt mắt ông để xem có còn chui được vào rừng nữa hay không.
Ấy thế mà ông chỉ cười mỉm một cái rồi thoăn thoắt lên rừng chặt gỗ trước sự trầm trồ thán phục của dân làng.
Nhưng chỉ chặt gỗ không thôi thì bình thường quá! Cách đây vài năm, ông còn theo chân đám thanh niên trẻ trong làng đi chặt tre, chặt vầu thuê để kiếm tiền. Gã nói rằng:
"Lúc đó thấy thanh niên làng đi chặt tre chặt vầu thuê kiếm tiền nên tôi cũng đi theo. Ban đầu còn đi chặt thuê, nhưng sau đó tôi tự chặt rừng tre, vầu của gia đình mình để bán. Đám tư thương chỉ cần nói chặt cây dài mấy mét, mỗi bó mấy cây... tôi có thể làm được ngay.
Tôi làm việc gì cũng rất cẩn thận, đầu tiên phải ướm xem cây vầu nghiêng đường nào rồi mới vung dao chặt. Khi chặt thì phải chặt ba đến bốn nhát dao bất kể cây to hay bé. Nếu chỉ chặt một nhát dao lỡ không may cây trượt đâm vào người thì chỉ có chết".
Khả năng đặc biệt của ông Ngởi khiến chính quyền xã Bảo Hiệu cũng phải nể phục. Ông Bùi Cao Khải, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Hiệu không giấu nổi sự kinh ngạc khi nói đến "kỳ nhân" mù lòa:
"Nhà tôi cách nhà ông Ngởi một cánh đồng. Đồng thời, nhà tôi cũng là trung tâm văn hóa làng, mỗi khi có họp hành, cả làng đều tập trung đến đây. Có điều lạ là khi đi họp mọi người thường đi theo đường cái vòng qua cánh đồng mới đến nơi.
Còn ông Ngởi lại sắn quần ngang đầu gối đi tắt qua cánh đồng cho nhanh. Vậy mà ông ấy đi không bao giờ ngã. Còn dân làng thì tròn mắt nhìn mà thán rằng ông ấy có con mắt thứ ba".
Đôi mắt của "kỳ nhân" xứ Mường bị mù từ khi lên ba tuổi.
Nghe được tiếng rắn bò cách 10m
Ẩn chứa đằng sau con người tưởng như cục mịch của "kỳ nhân" Bùi Văn Ngởi là những giác quan nhạy cảm đến mức “thần sầu”. Ông có thể nghe được tiếng rắn bò cách mình 10m, điều tưởng như chỉ có trong những bộ phim cổ trang của Trung Quốc.
Ông nói: "Tiếng di chuyển đặc trưng của rắn nghe dài lê thê. Nếu là rắn to hoặc trăn thì tiếng bò rõ hơn và có thể có tiếng gãy lách tách của cành cây khô. Nếu là rắn nhỏ thì chỉ nghe tiếng trường dài, nhẹ như một cơn gió".
Bằng đôi tai và lỗ mũi kỳ diệu của mình, khi nghe tiếng động, ông có thể phân biệt được tiếng chạy của chó, tiếng đi của cầy, của rắn... Chẳng hạn như cầy đi từng bước dứt khoát, nhanh cộng thêm có mùi hôi lan tỏa...
Trong khi nói chuyện với chúng tôi, ông lại lôi gạo ra kêu gà về ăn và tai cứ nghiêng nghiêng nghe tiếng động, còn miệng thì lẩm nhẩm tính. Lát sau ông bảo có mười một con gà, không thiếu con nào.
Chúng tôi hỏi: "Làm sao ông đếm được gà?".
Ông trả lời: "Gà to thì tiếng chân đi nặng, gà nhỏ tiếng chân rất nhẹ, mỗi con có trọng lượng khác nhau thì tiếng chân đi khác nhau, nếu nghe nhiều thì có thể đoán ra ngay".
Phát hiện ra khả năng trong tuyệt vọng
Ông Ngởi sinh năm 1954, nhưng chỉ ba năm sau đó ông đã bị mù hai mắt do bệnh đau mắt hột. Mặc dù rất đau khổ vì cả phần đời còn lại phải sống trong bóng tối.
Thế nhưng, từ trong tuyệt vọng gã đã phát hiện ra khả năng đặc biệt của mình và rèn luyện khả năng đó đến độ tinh tế.
Ông Ngởi nói, lúc mới bị mù, đi đâu phải có bố mẹ đi theo. Nhưng mỗi khi bố mẹ dắt đi đường nào, ông liền lấy ngôi nhà là trung tâm và hình dung ra hướng đi của con đường đó, khoảng cách của quãng đường và những dấu hiệu nhận biết.
Chẳng hạn như đi từ nhà ra cổng phải mất năm mươi bước chân, từ cổng ra ruộng mất khoảng mười phút đi bộ. Trên đường đi phải qua hai cái rãnh, hay năm gốc cây... cứ như thế mỗi ngày ông lại nhớ thêm một quãng đường.
Chỉ cần đi vài ba lần là ông đã thuộc làu làu mà không cần ai chỉ dẫn. Thậm chí, ông có thể đến trúng nhà hàng xóm mà mình cần đến.
Theo ông Ngởi, tất cả sự nhạy cảm có được phải do rèn luyện mà thành. Ngày trước khi đi chợ buôn bán, ông đã bị kẻ xấu nói dối và đưa không đủ tiền. Rồi ông dùng tay sờ từng đồng tiền và lần ra số ghi giá trị của đồng tiền đó.
Khi chúng tôi đưa vài tờ tiền polyme và cotton với mệnh giá khác nhau để ông trổ tài, không ngờ ông chỉ xoa xoa vài giây đã có thể đọc trúng mệnh giá của tờ tiền đó. Ông cho biết: "Trước đây chỉ đoán được mệnh giá tiền cotton, còn tiền polyme thì mới chỉ học được từ cách đây hai năm, chủ yếu bằng cảm giác và kinh nghiệm.