Kỹ nghệ khâm liệm thi thể 2 tuần không bốc mùi
Thứ năm, 06/06/2013 15:18

17 năm trước, phát hiện ra công dụng của giấy xi măng, ông Hùng áp dụng vào nghề và thấy thi thể để từ 2 tuần đến cả tháng mà không có mùi hôi.

Ông Hùng lo khâm liệm cho một đám tang ở phường Hương Sơ.

Ông Hùng lo khâm liệm cho một đám tang ở phường Hương Sơ.

Ở tuổi 54, ông Hoàng Viết Hùng đang là chủ của Công ty chuyên dịch vụ mai táng Công Đức - Hùng (phường Thuận Hòa, TP Huế, Thừa Thiên - Huế). Theo ông, Huế là địa phương duy nhất cả nước thường để người chết trên dương gian từ 1 đến 2 tuần mới chôn cất. "Ngoài những gia đình theo Công giáo thường chôn cất trong vòng 3 ngày, Huế có đến hơn 80% người theo đạo Phật, người còn sống muốn lo đủ lễ lượt cho người mới qua đời. Thêm vào đó, nhiều gia đình thường đi coi thầy nhờ xem ngày tốt, hay chờ người thân từ nước ngoài về mới đưa ra nghĩa trang", ông lý giải.

Tiết trời hè nắng gắt, ông tất bật "chạy sô" với 3 đám tang nhưng vẫn ăn vận chỉnh tề. Nhận khâm liệm cho một phụ nữ, ông Hùng giao cho vợ là bà Trương Thị Hải Yến (44 tuổi) lo việc tắm rửa. "Người chết cũng cần được tôn trọng. Mình không chỉ làm cho người đã qua đời mà còn làm cho chính những người còn sống yên tâm", ông Hùng nói và cho biết chỉ nhận tắm rửa cho những thi thể nam giới, còn nữ giới do vợ ông đảm nhận.

Bà Yến tỉ mẩn chải tóc, tắm rửa, đánh sơn móng tay, móng chân và mặc quần áo cho thi thể. "Thủ thuật khử mùi hôi với những thi thể qua đời do bệnh, đặc biệt là ung thư cũng đơn giản. Chỉ cần dùng chiếc khăn sạch, tẩm rượu và đắp lên mặt người chết là tuyệt nhiên không còn mùi", bà Yến nói rồi tô son, lông mi cho người chết cùng lời giải thích: "Người chết cũng cần được trang điểm lộng lẫy khi về dưới cõi âm".

Bên ngoài, ông Hùng ngồi gọn trong quan tài sơn son thếp vàng thực hiện công đoạn "trị quan" bằng việc đốt lò trầm, lau sạch từng hạt bụi, dùng keo chai phà (nhựa cây lấy từ rừng về) hòa với xăng chít từng mạch hở, rải lớp tro dầy phía đáy, sau đó rải thêm một lớp đất sét lên trên và dùng tay là phẳng. “Dùng tro lót phía dưới để thấm nước, còn bỏ đất sét vào theo quan niệm sống có đất, chết cũng có đất”, ông Hùng quệt mồ hôi trên trán, nói.

Áo quan đã được làm sạch, vợ chồng ông đặt 50 tờ giấy xi măng, diện tích mỗi tờ 1 m2 đã quét dầu đậu phụng hai mặt, vào quan. Đến giờ khâm liệm, bốn người dùng hai tấm vải luồn qua thi hài để đưa vào quan tài, quấn kín giấy xi măng. Sau đó họ dùng tro cùng đất sét đặt lên trên, nhẹ nhàng là phẳng rồi lấy nhựa chai phà bôi lên lớp tiếp giáp của lắp quan và đóng lại.

Ông Hùng trầm ngâm bảo việc khâm liệm có nhiều phương pháp nhưng theo cổ truyền là bắt buộc phải làm lễ "phạm hàm". Vua chúa ngày xưa dùng miếng ngọc, quan dùng miếng bạc đặt vào miệng người chết, người dân thường không có tài sản thì đặt 7 hạt gạo. Bây giờ vẫn phải giữ phong tục này, nhà nghèo thì bỏ gạo, còn nhà giàu thì bỏ vàng, bạc…

Vợ chồng ông Hùng là cặp đôi duy nhất ở Huế làm nghề khâm liệm.

Ở Huế có trên dưới 20 người làm nghề nhưng duy nhất vợ chồng ông dùng giấy xi măng bọc thi thể người chết. Sau khi mua giấy từ chợ về, ông dùng 3 lít dầu quét đều 2 mặt, chờ 15-20 phút cho giấy tạm ráo rồi đặt vào quan. "Trước đây người ta thường dùng lá chuối đặt vào quan để cuốn thi thể. Mùa hè lá chuối bị khô, co lại sẽ tạo kẽ hở và thi thể bốc mùi hôi ra ngoài. 17 năm trước, phát hiện ra công dụng của giấy xi măng khi gặp trời mưa, tôi áp dụng vào nghề của mình và thấy hiệu nghiệm, đảm bảo thi thể có thể để trong nhà từ 2 tuần đến cả tháng trời nhưng tuyệt nhiên không có mùi hôi", ông khẳng định.

Bà Yến góp chuyện, dầu ăn có tác dụng thẩm thấu vào xương người, tạo lớp vàng óng cho xương cốt. Người Huế quan niệm rất kỹ về "mả kết". Vợ chồng bà từng cải táng cho nhiều ngôi mộ do chính mình khâm liệm, khi mở áo quan, rọc lớp giấy xi măng bọc bên ngoài, thi thể còn giữ nguyên hình hài. Bị gió và ánh sáng chiếu vào, những bộ phận bị phân hủy tự bay đi, chỉ còn trơ lại phần xương nằm nguyên vị trí cũ.

Những người gắn mình với nghiệp khâm liệm thường là "cha truyền, con nối". Còn ông Hùng là người "ngoại đạo". Ông kể năm 1976, bố ông qua đời, do kinh tế khó khăn cùng kỹ thuật thô sơ, thi thể đặt trong nhà chưa tới 3 ngày đã bốc mùi. "Tôi trằn trọc làm sao để quá trình khâm liệm không có mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường. Đám tang của người chú sau đó được tôi nhận làm từ A đến Z. Từ đó mà cái nghiệp vận vào thân", ông chia sẻ.

Nhắc đến kỷ niệm nghề, ông Hùng kể vào mùa lũ ở Huế, nước ứ cả tuần trời không rút, hai vợ chồng phải dùng thùng phuy đặt phía dưới, hay quàng dây trên nóc nhà treo quan tài lên để khâm liệm. Có lần nhận mai táng cho người bị tai nạn giao thông, tự tay ông phải đi tìm từng mảnh thi thể của nạn nhân, dùng kim khâu lại cho thành một cái xác mới tiến hành khâm liệm, sao cho người chết được vẹn toàn.

"Khó nhất vẫn là khâm liệm cho những người bị bệnh ung thư gan, bởi thi thể thường bị trương phình phần bụng, có khi đưa từ bệnh viện về nhà dịch đã trào ra ngoài. Khi đó phải dùng một lít dầu hỏa xoa lên bụng người chết. Khi nhập quan, tiếp tục dùng một lít dầu hỏa đổ lên lớp đất sét và tro để bụng của thi thể xẹp xuống. Thủ thuật này không phải ai cũng biết, tôi cũng không ngại nói ra bí quyết, chỉ mong sao nhiều người cùng biết để lo hậu sự cho người bệnh", ông thật thà.

Điện thoại của ông luôn mở 24/24h. Mùng 1 Tết có người qua đời, vợ chồng ông cũng không từ chối. Nửa đêm gia quyến gọi báo đã chọn được giờ tốt, đến khâm liệm là chuyện thường. Nhiều đêm có cuộc điện thoại đến nhờ… trị giúp mùi hôi từ quan tài do một nhóm thợ khâm liệm khác làm.

"Nếu tự ái của nghề thì chắc chẳng ai nhận, nhưng tôi nghĩ lúc đó gia quyến thực sự cần mình nên lập tức lên đường. Tôi đốt đèn dầu rê đi rê lại từng mạch quan tài, chỗ nào đèn đột nhiên tắt tức là bị rỉ hơi từ trong ra và dùng keo con voi cùng mùn cưa trét lại. Sau đó dùng mũi ngửi khắp cỗ quan đến khi hết mùi hôi mới dám ra về mà không nhận một đồng tiền công", ông bộc bạch.

Ông Hùng chia sẻ với gia đình tang quyến vừa có người vợ qua đời vì bệnh ung thư. Đám tang này, ông chỉ nhận tiền chi phí mua hoa cắm và trả cho những người khiêng linh cữu.

Ngày nên duyên vợ chồng, bà Yến không ngờ mình cũng sẽ theo nghề khâm liệm. Vốn là con gái Huế giỏi nữ công gia chánh cùng việc thành thạo lễ lượt, bà theo ông cắm hoa trong các lễ tang rồi đảm nhận việc tắm cho các thi thể nữ. Đến giờ, hai ông bà không nhớ đã khâm liệm cho bao nhiêu người. Tiếng lành đồn xa, có ngày ông phải "chạy sô" 5 đám tang.

"Ai cũng phải sống bằng nghề, nhưng một khi làm việc đưa đò cho người chết lại nghĩ chuyện kiếm tiền cho đầy túi thì trái với lương tâm", bà Yến nói và cho biết giá cả việc khâm liệm giờ đã theo thị trường. Nhiều nhà giàu chấp nhận bỏ ra cả 70 triệu đồng lo đám tang hoành tráng, ông bà cũng sẵn sàng đáp ứng. Sau khi tang lễ hoàn tất lại còn được thưởng thêm tiền vì lo mọi việc chu đáo.

Nhưng với những người nghèo, vợ chồng ông lặn lội đi vận động từ thiện xin giúp họ bộ áo quan, còn đồ cho tang lễ từ quần áo, đèn, tượng… đều cho mượn. Để tiết kiệm cho tang quyến, ông nhận luôn việc làm cai giang mà bình thường nhà có đám phải bỏ ra cả triệu bạc đi thuê. Điều hai ông bà ám ảnh nhất là nhiều gia đình bất hạnh khi mất đi người cha, người mẹ, để lại đàn con thơ nheo nhóc. Có gia đình vừa lo tang cho chồng được 49 ngày đã lại đến lượt vợ qua đời. Sau tang lễ, vợ chồng ông đến động viên, kêu gọi mọi người giúp đỡ.

Ông Dương Đình Minh, 57 tuổi, trú phường Hương Sơ (TP Huế) bị liệt hai chân, nói gia đình ông vừa lo hai tang lễ cho mẹ và người vợ qua đời vì bệnh ung thư. "Chúng tôi thuộc diện giải tỏa, gần chục người sống trong căn hộ chung cư 50 m2. Cũng nhờ vợ chồng anh Hùng biết hoàn cảnh nên giúp đỡ tận tình, không lấy tiền công. Kỹ thuật khâm liệm của anh ấy cũng không bao giờ để lọt mùi hôi ra ngoài làm ảnh hưởng đến phụ nữ, trẻ em hay người đang bệnh đến thăm viếng. Lo cho người chết được như vậy, tôi thật sự mang ơn", ông Minh nói.

Vnexpress.net

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Khâm liệm , Người chết , Chôn cất , Thi thể , Thi thể người chết , Huế