Thậm chí có ý kiến còn đề cập đến tình huống năm 2012 là “đêm trước của khủng hoảng”.
Trong năm 2012, do độ mở cửa cao, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ còn chịu nhiều tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, điểm qua các đánh giá của những chuyên gia đầu ngành, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng lạc quan và là điểm tựa để Việt Nam tạo niềm tin vượt qua giai đoạn khó khăn chung của toàn cầu.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp của chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng thị trường mới nổi, dòng vốn đầu tư và kiều hối là 3 điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2012. Trong hoàn cảnh ảm đạm chung thì những thị trường mới nổi vẫn là điểm sáng, để cân bằng tăng trưởng trong bức tranh kinh tế thế giới. Sang năm, các thị trường mới nổi vẫn tăng trưởng dự kiến 5,8%, khiến cho kinh tế toàn cầu sẽ giữ được mức tăng trưởng 2,5 – 2,6%.
Cùng với đó, dòng vốn đầu tư dù sao cũng vẫn đang dịch chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Trong năm 2011, vốn đăng ký mới và tăng thêm tại Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, thấp hơn năm 2010 nhưng có xu thế chuyển biến tích cực. Vốn đăng ký chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (76,45), Đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 5,8% tổng vốn đăng ký (năm 2010 là 34,3%). Vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,1 tỷ USD, tăng 1,65 lần mức vốn đăng ký tăng thêm của năm 2010 (1,89 tỷ USD). Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có sự đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Một điểm sáng nữa là kiều hối cao, đây là một kênh vốn quan trọng đối với các nước đang phát triển. Việt Nam, một trong 10 nước có mức kiều hối cao nhất thế giới, dự kiến đạt 9 tỷ USD kiều hối trong năm 2011 và chiếm 8% GDP của cả năm.
Về tình hình trong nước, đã có nhiều biểu hiện tích cực từ chỉ số lạm phát giảm trong quý IV/2011, dự báo có thể hạ lãi suất và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng từ 12% năm 2011 lên 15 – 17% năm 2012, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo hướng chặt chẽ nhưng linh hoạt, chủ động hơn để có thể đáp ứng mọi diễn biến trong năm 2012.
Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Mua bán ngoại tệ và kinh doanh vàng được kiểm soát bước đầu.
Việc giảm mức thuế từ đầu năm 2012 theo cam kết WTO và chủ trương giảm, hoãn thuế đối với doanh nghiệp đang gặp khó khăn sẽ tạo điều kiện phục hồi hoạt động của hàng vạn doanh nghiệp phải đóng cửa trong năm 2011, hồi phục thị trường địa ốc theo hướng lành mạnh, từ đó có thể đưa thị trường chứng khoán trở lại trạng thái bình thường.
Bên cạnh đó, cũng có những dự báo lạc quan về kinh tế thế giới năm 2012. Mark Mobius, lãnh đạo của quỹ Franklin Templeton đã nhận định “Khủng hoảng châu Âu không tồi tệ như người ta tưởng”. Ông cũng dự báo cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ kết thúc vào tháng 6/2012, “Mọi chuyện đang trở nên ấm dần vào những ngày cuối năm 2011, mở ra hy vọng một năm mới không đến nỗi quá tồi tệ như người ta tưởng”.
Một tín hiệu có liên quan đến dự báo kinh tế thế giới là chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ như Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq. Nếu lấy điểm xuất phát đầu tháng 9/2011 thì đến cuối năm 2011, trong khi vàng liên tục mất giá thì Dow Jones chỉ giảm dưới 5%, những ngày cuối tháng 12 đã tạo nên cú bứt phá ngoạn mục khi vượt đỉnh gần nhất vào tháng 10/2011. Diễn biến chỉ số Dow Jones không chỉ báo hiệu thị trường chứng khoán Mỹ mà cả nền kinh tế đứng đầu thế giới đang có hy vọng thoát khỏi suy thoái trong 6 tháng đầu năm.
GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, năm 2012, Việt Nam đồng thời đứng trước thời cơ lớn khi quan hệ đối ngoại giữa nước ta với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Ấn Độ được nâng cấp. ASEAN đang tiến tới Cộng đồng. Việt Nam không chỉ được nhiều nhà đầu tư nhận định là có ưu thế về ổn định chính trị, an ninh xã hội, mà trước tình hình thiên tai như động đất và sóng thần ở Nhật Bản, lũ lụt kéo dài nhiều tháng ở Thái Lan thì nước ta được nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn là địa điểm đầu tư thích hợp để đảm bảo hoạt động sản xuất và kinh doanh lâu dài.