Phương tiện đi lại: Từ Hà Nội bạn sử dụng phương tiện ô tô để đến Lạng Sơn là thuận tiện nhất vì đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn bây giờ rất đẹp và bằng phẳng. Xe dịch vụ đi Lạng Sơn có rất nhiều loại xe và giá cả, trung bình từ 100.000 đồng đến 170.000 đồng/lượt.
Các bạn có thể ra bế xe Lương Yên hoặc Gia Lâm để bắt xe đi Lạng Sơn hoặc có dịch vụ xe 16 chỗ của các doanh nghiệp tư nhân có thể gọi điện và hẹn đến tận nhà đón với giá không đổi.
Ô tô là phương tiện lựa chọn thuận lợi nhất cho bạn khi đi du lịch Lạng Sơn.
Chuyên mục có lưu lý nhỏ với bạn như sau: nếu bạn sử dụng xe riêng đi Lạng Sơn nên việc chú ý đi đúng làn đường và tốc độ quy định để tránh bị phát và cũng vì an toàn của chính bạn.
Đến Lạng Sơn, bạn nên sử dụng xe buýt hoặc xe ôm, taxi để đi đến các khu vực cần tham quan cũng như để đi ra các chợ vì vừa thuận tiện, giá lại rẻ.
Khách sạn: Tại đây có rất nhiều khách sạn cho bạn lựa chọn, bạn nên chọn khách sạn trong thành phố, đừng quá sát biên giới (ít tiện nghi lại không an toàn). Một số gợi ý nhỏ cho bạn như: khách sạn Kim Sơn, Vạn Xuân (nằm ở trung tâm thành phố Lạng Sơn khu vực gần chợ đêm Kỳ Lừa) hoặc khách sạn Phú Quý (gần chợ Đông Kinh). Giá phòng khá hợp lý, chỉ từ 200.000 đến 500.000 đồng tùy vào loại phòng có thể ở tối đa được 4-6 người.
Điểm tham quan: Lạng Sơn là một thành phố không những nổi tiếng về các chợ mà còn làm nức lòng các du khách gần xa về các kỳ quan thiên nhiên tuyệt mỹ mà trời đất đã ưu ái ban cho vùng đất này:
Khu du lịch Mẫu Sơn: Mẫu Sơn là vùng núi cao chạy theo hướng Đông-Tây, nằm ở phía Đông Bắc cách thành phố Lạng Sơn 30 km, giáp với biên giới Việt - Trung.
Đây là vùng núi cao trung bình 800 – 1.000m so với mặt nước biển, bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541 m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn - nơi đặt cột mốc 42, biên giới Việt Trung). Diện tích khu Mẫu Sơn khoảng 550km².
Đường lên Mẫu Sơn quanh co và có sương mù bao phủ.
Về mùa đông có những năm nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm và có thể có tuyết rơi, băng đá. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5°C, đỉnh núi quanh năm có mây phủ. Mẫu Sơn nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà lôi sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, rượu Mẫu Sơn...
Chùa - Động Tam Thanh: Thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, là thắng cảnh nổi tiếng, có ngôi chùa cổ đã đi vào ca dao:
“Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa
Có Nàng Tô Thị, có chùa TamThanh...”
Trong động có nhiều nhũ đá thiên tạo, có lối Thông Thiên, có Hồ Cảnh (hồ Âm Ti) nước trong xanh quanh năm không bao giờ vơi cạn. Chùa Tam Thanh không chỉ mang giá trị văn hoá, nghệ thuật hàm chứa trong từng di tích được lưu giữ lại bên trong chùa cho mãi đến ngày nay.
Nổi bật nhất là hệ thống văn bia ghi lại quá trình tôn tạo chùa và cảm tác của các văn nhân thi sĩ qua nhiều thời kỳ lịch sử. Trong đó, tấm bia “Thiên Động Pháp Luân Thường Chuyển” có niên đại cổ nhất, khắc từ thời Lê Vĩnh Thịnh năm thứ 2 (1677).
Động Tam Thanh
Bên trong chùa có các hiện vật quý: bức phù điêu Phật A Di Đà mang phong cách mỹ thuật thời Lê - Mạc (thế kỷ XVI-XVII) được tạo theo thế đứng trong hình một lá bồ đề. Bên dưới tượng là cung Tam Bảo gồm một số pho tượng chủ yếu của Phật giáo dòng đại Thừa.
Theo thời gian, chùa vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có hấp dẫn du khách bốn phương, là một trong “Trấn doanh bát cảnh” của Xứ Lạng, được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Hằng năm, lễ hội của Tam Thanh được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng với nhiều trò chơi nghi lễ truyền thống.
Núi Tô Thị: nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tam Thanh, Nhị Thanh. Truyền thuyết về nàng Tô Thị đã đi vào tâm khảm của dân tộc Việt Nam, thiên nhiên đã tạo ra hình tượng người mẹ ôm con đứng chờ chồng trên đỉnh núi cao như một biểu tượng của lòng thuỷ chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam.
Núi Tô Thị.
Nàng Tô Thị Xứ Lạng không chỉ sống trong truyện kể dân gian mà còn xuất hiện trong hội hè và trở thành tín ngưỡng thờ cúng của nhân dân. Chuyện nàng Tô Thị ở Lạng Sơn sống mãi trong ký ức nhân dân, và đá Vọng Phu nơi đây nổi tiếng nhờ có những bài thơ đề vịnh của các nhà Nho danh tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…
Ải Chi Lăng: Chi Lăng nằm trong một lòng chảo phía Nam tỉnh Lạng Sơn, được bao bọc bởi núi đá Kai Kinh và dãy núi Bảo Đài - Thái Hoà. Hai đầu ải là những ngọn núi đá cao chót vót, bên dưới là dòng sông Thương uốn lượn quanh xóm làng trù phú, tạo thành địa thế hiểm trở trên con đường từ Pha Lũy đến Đông Quan.
Ải Chi Lăng như một trận đồ hiểm ác ngăn bước quân thù. Chi Lăng là mảnh đất anh hùng, mang trong mình tầng tầng lịch sử, lớp lớp chiến công của các thế hệ trong quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Đền Kỳ Cùng: Ở ngay đầu Cầu Kỳ Lừa - phường Vĩnh Trại - Thành phố Lạng Sơn. Theo hồi ức của nhân dân thì Đền có từ rất lâu, sau nhiều lần sửa chữa vẫn chỉ là một ngôi đền nhỏ làm bầng đất lợp ngói. Phía trước đền là bến đá Kỳ Cùng (Kỳ Cùng Thạch Lộ) từng được Ngô Thì Sĩ xếp hạng là một trong 8 cảnh đẹp của Xứ Lạng từ thế kỷ XVIII.
Đền Kỳ Cùng.
Kiến trúc của đền theo kiểu chữ đinh, đây là kiến trúc mới được phục hồi lại. Đền không làm nghinh môn riêng mà nghinh môn ở đây gắn liền với không gian chính gồm 3 cửu xây vòm cuốn có 2 trụ gạch vuông bổ gờ soi phía trên đấp nổ các hoa văn, trên cùng là một bộ tam khí gồm có: đỉnh và hai lọ hoa thờ hai bên. Phía ngoài tả hữu có hai tháp chồng diêm dùng để treo chuông và trống.
Tips ăn uống:
Ăn sáng: Bánh cuốn trứng nóng ở quán bà Thắm 14 Nguyễn Du, phở chua trên đường Lê Lai hoặc phở Vịt – măng chua. Ngoài ra bạn có thể mua măng chua về để làm quà, măng chua được bán ở các chợ Kỳ Lừa, chợ phố Đồng Mỏ…
Bánh cuốn trứng nóng đặc sản rất riêng của xứ Lạng.
Phở chua sẽ là món ăn rất thích hợp cho những ngày hè nóng bức.
Ăn trưa – tối: Nhà hàng Quang Minh, cạnh bến xe Lạng Sơn (chỉ phục vụ buổi trưa) hoặc nhà hàng Hoàng Di – là nhà hàng nổi, rất mát mẻ phục vụ cả ngày. Các bạn nhớ thưởng thức các món đặc sản của Lạng Sơn như vịt quay, bò khai, thịt lợn quay, khoai môn Lệ Phố.
Vịt quay Lạng Sơn rất nổi tiếng với mùi lá mắc mật thơm nồng.
Khoai môn Lệ Phố thơm giòn ngon ngọt.
Tips Mua sắm:
Đến Lạng Sơn mà không đi chợ thì chưa biết Lạng Sơn. Đó là câu cửa miệng của nhiều người trong cuộc rong chơi đến tỉnh miền núi cực kỳ hấp dẫn này. Trong bảng hướng dẫn du lịch của Lạng Sơn, cũng nhấn mạnh đến cái thú đi mua sắm hàng hóa như là thế mạnh du lịch của thành phố này. Lý do đơn giản có thể thấy thì Lạng Sơn là tỉnh nằm sát biên giới Trung Quốc, dĩ nhiên là hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ bất ngờ .
Ba chợ được giới thiệu trong cẩm nang du lịch của khách là chợ Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa và chợ biên giới Tân Thanh. Có đến các chợ này rồi mới thấy nếu túi hết tiền thì thôi, còn ma lực mua sắm luôn hút hồn không chỉ đối với chị em phụ nữ mà còn cả các đấng mày râu.
Khối lượng hàng hóa rất lớn, ở đây bán đủ mọi thứ trên thế gian này với giá bảo đảm trả giá thoải mái và rẻ cũng không thể nào ngờ đến. Chính vì thế mà nguồn thu của người dân Lạng Sơn trông vào việc buôn bán hàng hóa cho khách du lịch rất lớn.
Điểm lạ là khi khách đi tiếp tục qua Bằng Tường, Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn, sẽ thấy cùng loại hàng hóa đó, nhưng bên Bằng Tường bán cao giá hơn nhiều.
Chợ Đông Kinh: Là chợ nằm ngay Trung tâm thành phố, nơi này luôn có những con vịt quay còn nóng hổi xẻ ra bán tại chợ , bán đủ thứ trên đời và trả giá thoải mái. Có nhiều món hàng bạn sẽ bất ngờ vì chỉ đến đây mới thấy và tất nhiên chúng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hàng điện máy có giá "bèo" đến bất ngờ từ chiếc rađio, điện thoại, quạt máy đủ loại, tivi nhỏ... đến những thứ rất lẩm cẩm mà nhiều khi khách mua không biết mua để làm gì...
Tuy nhiên khi đi chợ này bạn lưu ý là phải mặc cả rất mạnh miệng, có khi giảm từ 50-70% lời nói ban đầu của người bán, nếu không sẽ bị mua hớ rất nhiều.
Chợ đêm Kỳ Lừa: không lớn như chợ Đông Kinh, cũng nằm ngay trong lòng phố, bao quanh có khá nhiều khách sạn cho nên khách sau khi ăn tối lại dạo vòng vào chợ ngắm nhìn và sắm thêm hàng hóa dù đã mua đầy túi xách khi dừng chân ở chợ Đông Kinh.
Đặc tính ở chợ đêm Kỳ Lừa là hàng hóa bán dọc theo hai dãy nhà, bán ngang hai bên đường trong nhà dân, bán từ sáng tới tối. Chợ đêm Kỳ Lừa với hai bên đường đi, những người bán hàng ít mời chào khách và không níu kéo.
Ở đây hàng điện máy ít, nhưng ngược lại quần áo và mùng mền và đồ gia dụng rất nhiều. Đi chợ nghe giá quen, trả giá thoải mái và rốt cuộc cũng mua được dăm thứ gì đó đôi khi chẳng biết làm gì!
Chợ Tân Thanh: đây là một khu chợ sát biên giới Trung Quốc, cách thành phố Lạng Sơn 30 cây số khá đồ sộ với nhà lồng bày bán đủ mọi thứ trên đời. Đặc biệt là trong chợ người Việt, người Hoa cùng bày hàng ra bán. Cách tiếp thị của các cửa hàng buôn bán ở đây là dùng loa giới thiệu, có cửa hàng bán áo khoác ra giá 1 triệu 2 , nhưng giảm giá 60%, khách trả 140 ngàn cũng bán.
Mê hồn trận ở chợ này là chẳng ai cấm người bán hét giá, họ coi mặt khách hét giá rất chuẩn, thậm chí gấp 5 lần giá thực, chỉ cần rụt rè trả giá là mua xong mới biết giá đắt hơn chợ Đông Kinh hay Kỳ Lừa.