Không hề tự ti hay than thân trách phận, cô quyết tâm đến trường, tốt nghiệp đại học, ổn định việc làm.
Liễu bảo, những thành quả hôm nay là kết quả của một quá trình luyện tập không mệt mỏi từ thuở nhỏ. 4 năm học đại học, ngày nào cô cũng tự leo cầu thang đến tầng 5 mới vào được lớp. Cô không muốn người đời nhìn mình với ánh mắt thương hại. "Những gì người bình thường làm được thì em cũng cố gắng làm cho bằng thậm chí là hơn…", cô gái trẻ tâm sự.
Là con gái duy nhất trong gia đình có 4 anh em, năm lên 3 tuổi Liễu sốt rồi chân phải cứ teo tóp dần, không thể đi đứng bình thường. Gia đình thuộc lớp trung lưu, cha mẹ đã dốc cạn tiền bạc trong nhà, thậm chí bán hết ruộng đất để tìm mọi cách chạy chữa cho cô con gái bé bỏng.
Nghe mọi người “mách” ở đâu có thầy hay là cha mẹ đều cố gắng chạy vạy để đưa con đến. Ngày ấy, nghe người quen nói trên Tây Nguyên có nhiều thầy lang người dân tộc chữa bại liệt bằng cây rừng rất hay, cha mẹ Liễu lập tức gom góp rồi đưa cả nhà từ huyện Phù Mỹ (Bình Định) lên Gia Lai tìm hy vọng cho con gái. Nhưng rồi hy vọng này nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng khi chân phải cô bé không những không hồi phục mà ngày càng chậm phát triển.
Đến lúc này gia đình mới bằng lòng với định mệnh, cha mẹ luôn động viên con hãy cố gắng vượt lên chính mình, "dù con có như thế nào thì cha mẹ cũng đều yêu thương con hết mình, con mãi là công chúa nhỏ trong lòng cha mẹ".
Song tâm hồn bé Liễu như tờ giấy trắng, thế giới còn bao điều lạ để khám phá nên em luôn bật khóc với nỗi cô đơn bởi không thể hòa nhập, vui chơi cùng chúng bạn đồng trang lứa. Nhiều lần, nhìn bạn chơi những trò thông thường của trẻ con như trốn tìm, lò cò, nhảy dây… cô bé lại thấy buồn. Rồi em nói với bố mẹ: "Con muốn đi học".
Sau nhiều lần năn nỉ, cuối cùng cha mẹ cũng gật đầu chìu con. Chuyện đi học của Liễu cũng góp thêm một gánh nặng cho gia đình vì nhà cách trường đến 6 cây số đường đất đỏ, bụi mù vào mùa nắng và trơn trượt khi mưa về.
Em luôn phải phụ thuộc vào sự đưa đón của người thân trong khi cha mẹ còn bộn bề chạy ăn hàng ngày. Thế là em quyết tâm tự đi tìm cái chữ bằng một cái chân rưỡi của mình. Ban đầu, cha mẹ xót con nên ra sức ngăn cản nhưng sau cũng xiêu lòng vì quyết tâm của cô bé và cũng bởi hoàn cảnh.
"Em không thể nào nhớ nổi bao nhiêu lần mình đã bị ngã trên đường đến lớp, nhất là những ngày mưa, áo quần luôn lấm lem đất đỏ, ngồi học mà run cầm cập. Vết trầy xước này chưa lành, những vết mới đã xuất hiện", cô gái trẻ nhớ lại. Bù lại, Liễu rất ham học và học rất khá. Trong khi nhiều bạn với gia cảnh khá hơn, đi đứng bình thường lại hay trốn học đi chơi thì Liễu không vắng mặt buổi học nào, kể cả những hôm người phát sốt hầm hập cũng vậy.
Liễu tâm sự, ngay từ khi còn nhỏ đã ý thức được khiếm khuyết của bản thân, tuy nhiên cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người vì luôn được quan tâm và yêu thương hết mực. Cô luôn tự nhủ "mình không bao giờ được đầu hàng số phận, phải luôn có những ước mơ, luôn nhìn về phía trước bằng sự lạc quan".
Ước mơ lớn nhất của Liễu là được trở thành cô giáo dạy văn, để có thể truyền tải được sự nhân văn của văn học đến những thế hệ học trò. Cô luôn nỗ lực trong học tập, từ cấp I đến cấp III, là học sinh ưu tú của trường khiến ai cũng nể phục. Cô gái tật nguyền trở thành sinh viên “săn” học bổng giỏi nhất khoa Ngữ văn Đại học Quy Nhơn.
Năm 2011, Liễu tốt nghiệp đại học. Những tưởng ước mơ trở thành cô giáo của cô gái trẻ đã gần đạt được, nhưng cuộc đời dường như vẫn muốn thử thách kiều nữ này... Những nơi cô đến xin việc, mọi người đều lộ rõ sự ái ngại. Có nơi trả lời thẳng là không nhận vì ứng viên không đảm bảo thể lực để đứng lớp, có nơi nói hết chỉ tiêu… Liễu phải đến TP Pleiku xin phụ việc tại một quán cà phê để chờ cơ hội.
Hiện Liễu đã có được công việc ổn định tại bộ phận nghiệp vụ xuất bản cho một doanh nghiệp. "Đầy người học thành tài nhưng cũng khó xin được việc làm, cũng không thiếu người buộc phải làm trái ngành đã học. Cuộc đời vẫn rất công bằng, với em, ổn định như hiện tại đã quá tốt rồi", Liễu tâm sự.
Đại diện công ty nơi cô gái trẻ đang làm việc nhận xét: "Liễu là cô gái thông minh, vui vẻ, hoạt bát, chịu khó học hỏi nên mọi người rất nhiệt tình giúp đỡ em trong chuyên môn".