Gia đình tôi ở trong một ngõ nhỏ dưới gầm cầu đã 18 năm nay. Ngôi nhà ấy bằng tuổi đời của tôi và do chính tay ông nội cùng bố tôi xây dựng…Tôi còn nhớ hồi nhỏ, chỉ cần tôi tự ý đóng một chiếc đinh lên tường thôi là sẽ bị mắng ngay vì bố tôi rất quý từng viên gạch trong ngôi nhà này. Thế nhưng giờ đây, khi tôi lớn lên thì ngôi nhà lại ngày một xấu và tàn tệ đi. Những nhà xung quanh ngõ đều đã được xây cao tầng, sơn màu đẹp, đèn sang choang. Thế nhưng gia đình tôi thì 18 năm nay vẫn sống dưới ngôi nhà này, không có chút thay đổi, sửa sang vì công việc làm ăn của bố tôi không thuận lợi. Mẹ vẫn đi làm nhưng lương ba cọc ba đồng, chẳng đủ chi tiêu. Hồi nhỏ tôi không khỏi ghen tị khi ngước mắt nhìn nhưng ngôi nhà xung quanh, nhưng bây giờ thì cũng quen rồi. Sự thật là tôi đang ở trong một căn nhà cấp bốn xấu nhất cái ngõ dưới gầm cầu…
Chắc các bạn sẽ nghĩ tôi phải cảm thấy hài lòng với mọi thứ thuộc về mình. Nhưng ngôi nhà đã quá xuống cấp, tôi nhìn nhà mình mà chán nản khủng khiếp. Nhà lợp mái tôn, bụi bặm rơi xuống đầu không ngớt. Nhà có quét ngày ba lần cũng không thấy sạch. Mùa mưa đến, khắp nơi lụt nước, nhà vệ sinh dềnh lên không thể đi được, có nhu cầu cũng đành cắn răng mà chịu. Ngày tôi còn bé, đã có lần tôi phải vào viện mắt cấp cứu chỉ vì vôi của bức tường rụng xuống rơi vào mắt. Người ta cầm con dao nhỏ đưa vào mắt tôi để gạt hạt vôi ấy đi khiến tôi sợ hãi bật khóc. Ngày hôm ấy là lần đầu tiên trong đời tôi biết căm ghét ngôi nhà của mình, căm ghét vì sao tôi lại sinh ra trong một gia đình nghèo đến vậy…
Nhưng đó là hồi nhỏ thôi. Còn hiện giờ, tôi cũng ý thức được việc mình sinh ra không có quyền chọn hoàn cảnh, chỉ có thể cố gắng cải tạo nó. Nên thôi thì nhà có nghèo, có bẩn, tôi cũng cố dọn dẹp hàng ngày để ở qua ngày. Tết nào cũng vậy, cả nhà tôi sẽ đeo khẩu trang cùng nhau dọn dẹp. Bố sẽ cầm bay để cạo cho tường rụng hết vôi vữa xuống. Mẹ con thì quét, lau dọn đồ đạc. Cứ thế hai mươi năm nay, những bức tường trong nhà cứ ngày một mỏng đi, trơ cả gạch ra ngoài. Chắc năm nay cũng chẳng còn vữa để cho bố cạo…
Tôi luôn tự ti với mọi người về ngôi nhà của mình (Ảnh minh hoạ)
Đáng lẽ tôi cũng không cảm thấy tủi thân thế này, nếu bạn trai tôi không ngỏ ý muốn đến nhà tôi chúc Tết. Từ khi biết ý định của cậu ấy, tôi lo lắng lắm. Nếu biết bạn gái hiện đang ở trong một ngôi nhà như vậy, liệu cậu ấy có chấp nhận được không? Mỗi ngày lại đến đưa đón người yêu dưới gầm cầu, có chàng trai nào mà không xấu hổ. Liệu tình cảm giữa tôi và cậu có bị sứt mẻ vì một chuyện như thế không. Có thể một số người lại nghĩ tôi lớn đầu mà trẻ con, yêu đương mà toàn lo mấy chuyện vớ vẩn… Nhưng không, chỉ ai có cùng hoàn cảnh như tôi mới hiểu được sự mặc cảm ấy. Hơn một năm yêu nhau, cậu ấy muốn biết nhà tôi nhiều lần rồi mà tôi không dám đưa về. Tôi nói với cậu ấy: “Thế anh yêu em hay yêu nhà của em đây” (Hai đứa bằng tuổi nhưng xưng hô anh em cho tình cảm). Vì tôi rất giỏi nói lý nên cậu đành chịu thua. Lần nào hẹn hò, tôi cũng cố gắng tránh xa địa chỉ nhà mình. Mặc dù đôi lúc tôi ghen tị với những đứa bạn có người yêu đến tận nhà đón đi chơi, nhưng thôi vì hoàn cảnh nên chẳng biết làm thế nào.
Trước Tết vài ngày, cậu bảo tôi rằng: “Mùng 4 Tết mình đi xem phim rồi anh sẽ chở em về tận nhà nhé. Anh muốn đến nhà em chúc Tết hai bác nữa”. Nghe nói thế, đáng lẽ một cô gái bình thường sẽ cảm thấy vui lắm, chắc chỉ có tôi là giật thót tim vì lo lắng. Tôi cứ nghĩ mãi mà không ra được lý do gì để ngăn cản việc cậu muốn đến nhà tôi. Nhìn thái độ hừng hực quyết tâm của cậu, tôi biết mình cũng không thể giấu mãi chuyện này. Thế là vừa được nghỉ tết, tôi vội lên kế hoạch trang trí lại nhà cửa sao cho sáng sủa và xinh xắn hơn. Tôi lấy hết tiền tiết kiệm ra để mua bìa trắng loại cứng nhất về dán tường, thêm mấy chậu hoa cảnh để ngoài sân, trông ngôi nhà nhìn sẽ đỡ “hoang” hơn. Sáng 30, tôi hí hửng đem cành đào giá rẻ về, đang loay hoay kê bàn để đặt cành đào thì bố về. Bố nhìn đồ đạc được kê lại rồi trợn mắt quát tôi “Ai cho mày kê? Chỗ khác bị dột rớt nước xuống thì sao?”. Tôi cố gắng giải thích: “Con sẽ kê về vị trí cũ nên bố không phải lo”. Thế rồi vừa nhấc được cái chân bàn lên thì tôi bị bố cho một cái tát. Bố tôi gào lên: “Nói không biết nghe à, cái bàn này chân nó đã hỏng sẵn rồi. Mày kê ra nếu nó mà gãy thì ăn đòn”.
Sau cái tát trời giáng của bố, tôi mới tỉnh người. Phải rồi, cái bàn này bốn trăm nghìn. Tôi mà làm gãy nó thì nhà lấy đâu ra tiền mua lại bàn khác. Nhà cửa thì chỗ nào cũng dột nát, có dán bìa vào tường thì được mấy ngày nó lại mốc xanh mốc đỏ lên thôi, đặt thêm cành đào vào chẳng thể khiến khung cảnh khá khẩm lên được. Sân nhà chật chội, để lên mấy chậu hoa chỉ thêm vướng chỗ dắt xe ra. Bố chửi tôi là ngu cũng đúng lắm. Ngôi nhà này đã vô phương cứu chữa thật, chỉ có nước là đập đi xây lại thôi. Tôi có cố cũng vô ích!
Tôi ngồi giữa đống đồ đạc ngổn ngang mà khóc vì tủi thân. Không phải vì tôi bị bố đánh, tôi cũng biết bố tôi nóng tính, chắc tôi mà cố xê dịch cái bàn ấy thì nhà còn khốn khổ hơn. Tôi khóc là bởi không biết đến bao giờ mình mới đổi đời được đây. Tôi sẽ học đến bao giờ mới có thể giúp bố mẹ xây một căn nhà khác?? Tôi còn phải chịu cảnh này bao nhiêu năm nữa. Cứ thế, tôi ngồi khóc trong sự tủi thân chưa từng có, chiều tất niên năm nay sao thảm hại với tôi quá. Nhìn cành đào nằm trơ trọi ngoài cửa, tôi càng không ngăn nổi nước mắt… Còn buổi đi chơi với cậu sắp tới, chẳng lẽ tôi lại làm cậu thất vọng vào đúng ngày Tết, khi cậu nhìn thấy ngôi nhà của tôi. Hay là chỉ bừa một ngôi nhà nào khác cho qua chuyện??
Tôi thèm khát biết bao được sống cùng bố mẹ trong một căn nhà nhỏ thôi, không cần lộng lẫy to đẹp gì, chỉ đơn giản là một ngôi nhà không dột nát, không lở từng mảng vôi tường, không khiến tôi sợ hãi khi bạn trai muốn đến nhà chúc Tết, không phải nhìn những đứa bạn cùng tuổi tự hào khoe ảnh Tết trong nhà chúng nó…