Cầm tấm bằng thạc sỹ, nhiều bạn trẻ vẫn vỡ mộng ngay trước cửa xin việc, không ít người giấu bằng để làm công nhân, quản lý quán cà phê, phụ xe mưu sinh.
Nhiều người có bằng thạc sĩ vẫn thất nghiệp |
“Gác” bằng thạc sỹ, làm thuê
Gần 2 năm tốt nghiệp thạc sỹ loại giỏi ngành Sinh thái học (ĐH Sư phạm Đà Nẵng), Nguyễn Hữu C. (27 tuổi, quê Đắk Lắk) cố bám trụ Đà Nẵng xin việc nhưng bất thành. Gửi hồ sơ hàng loạt các sở ban ngành trong những đợt tuyển dụng, C. không hiểu sao hồ sơ vẫn bị loại.
“Tôi gửi đến vài chục hồ sơ rồi. Có nơi cũng hẹn phỏng vấn, thi tuyển. Nhưng đều thất bại”, C. ngán ngẩm. Công việc không ổn định, C. tranh thủ làm thêm đủ nghề. Lúc quản lý quán cà phê, khi đi gia sư thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/ tháng để trang trải cuộc sống.
Gặp C. trong lần đến thăm nhà bạn thạc sỹ cùng cảnh thất nghiệp Phan Thị Trang Nhung (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - người vừa được Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh bút phê hồ sơ xin việc, C. bộc bạch: Nhiều bạn cùng lớp, cùng khóa thạc sỹ ra trường thất nghiệp nhan nhản. Nhiều khi xin việc trái ngành, tủi quá phải giấu bằng thạc sỹ đi. Nếu biết trước học rồi mà khó xin việc đến thế, chắc mình không đăng ký học lên thạc sỹ. Tốn tiền lại khó xin việc.
Là Thạc sỹ Lý luận văn học (ĐH Sư phạm Huế) từ giữa năm 2010 đến nay, gõ cửa hết các cơ quan, Vũ Thị T. (28 tuổi, Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng không thể kiếm việc làm ổn định tại các cơ quan nhà nước. Lấy chồng, có con, thạc sỹ T. đành an phận ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình.
T. kể: Nguyện vọng mình muốn dạy học, nhưng ở các đợt tuyển giáo viên, Sở GD&ĐT Đà Nẵng lại chỉ nhận người có bằng ĐH chính quy công lập. Các trường hợp tốt nghiệp ĐH dân lập có bằng thạc sỹ cũng đều bị loại. Xin dạy ở trường THPT tư thục trên địa bàn, trường này trả lời thẳng “không tuyển thạc sỹ vì sợ nhảy việc”.
Tháng 8/2013, T. đăng ký tình nguyện làm giáo viên hệ tiểu học trong đợt tuyển dụng công chức, viên chức của Đà Nẵng nhưng vẫn bị loại từ vòng xét duyệt hồ sơ. “Ngành giáo dục kêu thiếu giáo viên, đặc biệt bậc tiểu học, tuy nhiêu rất nhiều hồ sơ thạc sỹ bị loại, thay vào đó lại nhận cử nhân”, T. nói.
Cùng hoàn cảnh, bạn Nguyễn Thị S. (28 tuổi) cũng gác tấm bằng thạc sỹ gần 3 năm nay để làm thêm các công việc thời vụ. Năm 2008, S. tốt nghiệp loại khá ngành Ngữ văn (ĐH Dân lập Phú Xuân). Cầm tấm bằng dân lập, gõ cửa đủ cơ quan, S. chỉ nhận được cái lắc đầu.
Làm công việc phụ bán tạp hóa cho người thân ở Huế, S. đăng ký học lớp cao học Lý luận văn học (ĐH Sư phạm Đà Nẵng). Năm 2010, S. nhận bằng thạc sỹ, nhưng cánh cửa xin việc vẫn không hé thêm chút nào. Lăn lộn khắp Huế, Ninh Bình, Hà Nam, lên tận các tỉnh Tây Nguyên đệ đơn xin việc, S. vẫn thất nghiệp dài.
Loại thạc sỹ, chọn cử nhân(?)
Bảo vệ luận văn thạc sỹ ngành Sử thế giới (ĐH Khoa học Huế) với tấm bằng đỏ, 2 năm nay anh Nguyễn C. (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lận đận xin việc. Gia cảnh khó khăn, C. là thành viên duy nhất trong gia đình 8 người con được bước vào giảng đường đại học. Tốt nghiệp ngành Lịch sử (ĐH Phú Xuân-Huế), Nguyễn C. xin tạm làm chân bảo vệ ở một khách sạn Huế.
Tranh thủ thời gian rảnh, C. ôn luyện và thi đỗ cao học. “Ngày đỗ cao học cả gia đình tôi vui lắm. Ai cũng biết học lên tốn tiền bạc nhưng nhìn cả nhà vất vả vì thiếu học, mọi người đều quyết tâm tạo điều kiện cho tôi”. Toàn bộ học phí, C. được “tiếp ứng” từ lương xuất khẩu lao động của người em gửi về. Hơn 2 năm học tập, C. không làm gia đình thất vọng khi tốt nghiệp với tấm bằng đỏ cùng thành tích ít ai có được.
Thế nhưng hành trình xin việc càng thêm khắc nghiệt ngay khi cầm trên tay tấm bằng cao học. Hơn 2 năm trời, chàng thạc sỹ trẻ hết ra Ninh Bình, lại ngược vào Huế, Đà Nẵng, vào tận Bình Dương, Lâm Đồng... C. kể: Cùng chỉ tiêu tuyển dụng nhưng mỗi nơi mỗi khác. Ở đâu, họ cũng khen hồ sơ “đẹp”. Nhưng chẳng thấy kết quả.
Nhớ nhất lần C. nộp hồ sơ tuyển dụng vào ngành Sử một trường CĐ Sư phạm ở Đà Lạt. Trường này có 2-3 giáo viên chuyên ngành Sử chuẩn bị nghỉ hưu nên cần tuyển thêm giảng viên mới. Hồ sơ của C. được cán bộ tiếp nhận của trường đánh giá cao và hứa hẹn nhiều điều. Chờ kết quả, nhưng bặt âm vô tín, C. điện hỏi mới hay, trường này tuyển dụng giáo viên rồi. Điều lạ, thay vì chọn hồ sơ thạc sỹ, họ lại nhận một cử nhân.
“Có nơi như Lâm Đồng, tôi nộp hồ sơ tuyển dụng, họ loại vì bảo ưu tiên người trong tỉnh trước. Thực tế danh sách trúng tuyển công bố sau đó lại chủ yếu là người ngoài tỉnh. Còn nhiều điều bất thường trong cách tuyển dụng hiện nay”, C. nói thêm. Chán nản, C. làm phụ xe tải, bốc vác thuê, mưu sinh bằng loạt công việc trái nghề để kiếm thêm thu nhập.
Ngày càng nhiều ứng viên thạc sỹ
Chiều 26/9, thầy Đặng Thanh, Trưởng phòng Tổ chức (Sở GD&ĐT Đà Nẵng), cho hay, những năm gần đây hồ sơ xét tuyển, thi tuyển cán bộ công chức ngày càng nhiều ứng viên trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Quy trình tuyển dụng, Sở theo quy định chung.
Điểm sơ tuyển, thi đều công khai trên mạng trước 10 ngày khi trình Sở Nội vụ quyết định. Về trường hợp Ths. Phan Thị Trang Nhung 3 lần dự thi tuyển Sở GD&ĐT Đà Nẵng bất thành, thầy Thanh lý giải: Sở căn cứ bảng điểm, xét duyệt điểm từ trên cao xuống.
Năm 2010-2011, Nhung đứng thứ 9, năm học 2011-2012 đứng thứ 41 và năm 2013 đứng thứ 13. Trong khi bình quân các năm giáo viên ngành Văn chỉ 1-3 chỉ tiêu. Cụ thể năm 2013, chỉ có 1 chỉ tiêu Văn, ngoài ứng viên thạc sỹ có 4 người tốt nghiệp ĐH xuất sắc và gần 20 ứng viên tốt nghiệp ĐH loại giỏi.
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?