Khi con thích “xin đểu” tiền của bạn

Cho đến khi phát hiện sự thật về con, chị Lê vẫn không hiểu một điều rằng: Thanh Mai có bị bố mẹ để cho đói khổ đâu mà phải đi “xin” tiền.

Từ chuyện “bang chủ cái bang”…

Con gái đang tắm, có tiếng bạn con gọi lanh lảnh ngoài cổng, chị Lê chạy vội ra. Hai đứa trẻ nhìn thấy chị thì nhanh nhảu: “Bác cho cháu hỏi bang chủ có nhà không ạ?”. Thấy vẻ mặt ngơ ngác của chị Lê, hai đứa phá lên cười: “Cháu quên ạ, bác cho cháu hỏi bạn Thanh Mai có nhà không ạ?”.

Phải đến lúc hai đứa ngồi yên vị trong nhà rồi chị Lê mới hỏi đến cái “biệt danh” lúc nãy cả hai gọi con chị. Chị không giấu nổi sự ngạc nhiên khi con chị lúc nào cũng váy áo bồng bềnh vậy mà bị gọi là… bang chủ cái bang.

Từ bé, chị Lê đã cho con gái đi học võ. Tuy chưa gọi là siêu đẳng nhưng Thanh Mai cũng thuần thục được những chiêu tự bảo vệ bản thân. Thế nhưng ở trường, thay vì bảo vệ bản thân, Mai lại mang những “miếng võ” đó ra để bắt nạt các bạn. Mai chơi với một vài bạn nam nữ nữa và tự lập thành nhóm “Cái bang sành điệu” giống như… phim kiếm hiệp.

Mặc dù với phương châm “giúp đỡ kẻ yếu” nhưng kể cả những bạn khiến bất cứ ai trong trong nhóm Thanh Mai không thích thì đều bị nhóm gây khó dễ. Và công việc ưa thích của nhóm là hàng ngày đi “xin đểu” các bạn trong trường, nhất là những bạn con nhà khá giả. Bạn nào tỏ ý không chịu hoặc không cho là thế nào chiều về cũng bị xì lốp xe hoặc đang đi đường thì bị đẩy ngã không thương tiếc.

Chẳng bao lâu nhóm của Thanh Mai đã… nổi như cồn khắp toàn trường. Dù là bạn trai hay bạn gái trong trường đều không ai dám động đến nhóm của Mai hoặc làm Mai phật ý vì sợ bị… trừng phạt.

Cho đến khi phát hiện sự thật về con, chị Lê vẫn không hiểu một điều rằng: Thanh Mai có bị bố mẹ để cho đói khổ đâu mà lại phải đi “xin” tiền các bạn như vậy.

Đến chuyện “đại ca quỵt nợ”

Dù mới học lớp 6 nhưng N. đã bị bạn cùng lớp tẩy chay vì có thói quen mượn tiền của bạn nhưng… toàn quên không trả. Nếu N. thuộc diện gia đình khó khăn thì đã được các bạn thông cảm, đằng này, mỗi ngày N. được mẹ cho 20.000 để tiêu vặt cho dù ở tuổi em chưa cần dùng đến nhiều tiền.

Thế nhưng có một điều lạ là mặc dù bị N. quỵt nợ, dù ít dù nhiều, nhưng không ai dám có ý kiến hoặc đòi bởi cứ hễ đòi là N. dọa đánh và không quên nhắc nhở “đòi nhiều không trả bây giờ”.

Cho đến khi số bạn bị N. quỵt nợ tăng lên quá nhiều và mọi người lần lượt nói với cô giáo chủ nhiệm thì N. bỏ nhà đi bụi kèm theo lời nhắn: “Khi nào được xóa nợ thì mới quay về”.

Lúc này bố mẹ N. mới vỡ lẽ về cậu con trai mà cả hai vẫn coi là quý tử. Bố mẹ N. vội vàng trả nợ thay con và liên tục nhắn nhủ con về nhà ngay.

Dạy con biết tôn trọng

Cả Thanh Mai và N. đều không phải con nhà nghèo khổ nhưng lại cũng không phải là những trẻ biết bằng lòng với chính mình. Lại cộng thêm bản tính “côn đồ”, muốn làm “thủ lĩnh” và không biết sợ ai, những đứa trẻ này càng biết cách kiếm tiền ở đâu để tiêu xài là dễ nhất. Điều này vô tình đã làm tha hóa nhân cách của trẻ.

Sở dĩ trẻ có tính như vậy là do sự giáo dục của cha mẹ. Lo cho con đầy đủ vật chất nhưng lại không hề dạy con biết quý trọng giá trị đồng tiền, không quan tâm đến các hoạt động của con ở trường, bạn bè của con…

Quản lý việc chi tiêu của con cái, dạy trẻ có ý thức trách nhiệm đối với việc chi tiêu là cách tốt nhất để cha mẹ dạy con thái độ tôn trọng giá trị đồng tiền, dù là tiền của mình hay của người khác. Bên cạnh đó, bài học về nhân cách cũng như lối sống rất quan trọng, cha mẹ cần dạy bảo để sau này lớn lên con sẽ thành người tốt.