Sao mai Quang Hào thấm sự “điên” ấy, anh yêu đến ngây dại thơ Bùi Giáng để đưa đến một quyết định...liều, hoá thân thành “thi sỹ điên”...
Sao Mai Quang Hào bên tượng thi sỹ “điên” Bùi Giáng giữa ngã tư đường...
Khóc vì nghiệp cầm ca
Giọng hát truyền cảm, phong cách biểu diễn chững chạc, chập chững vào nghề chàng trai đất Quảng Nam đã “ẵm” giải nhất Sao Mai dòng nhạc Dân gian năm 2005, được đặc cách vào học trường ĐH Văn hoá Nghệ thuật Quân đội và tốt nghiệp bằng giỏi, đoạt Huy chương vàng cuộc thi các Đoàn nghệ thuật Chuyên nghiệp toàn quốc (năm 2009)... Con đường bước chân vào làng nhạc Việt của Quang Hào được mở rộng với đầy đủ “giấy thông hành”.
Nhưng, có thời gian anh bế tắc, ngơ ngác ngỡ mình nhầm đường, lạc lối. Hai chữ tiền - tình làm chao đảo niềm đam mê anh theo đuổi. Anh tâm sự: “Trong vòng hai năm, tôi cảm thấy bế tắc vô cùng. Tài chính, sự nghiệp, tình yêu tất cả đều gặp trắc trở, khiến tôi tuyệt vọng đến mức muốn đi tu…”. Trong khi khó khăn, đã có lúc Quang Hào định bỏ nghề hát để làm... bàn giấy.
Nhưng rồi, anh không chịu được khi nghĩ đến viễn cảnh, sáng đi làm, tối về nhà xem ti-vi, xem những show diễn bạn bè đồng nghiệp được cất giọng hát dưới ánh đèn sân khấu. Sự khát khao được cống hiến cho nghệ thuật khiến anh bất chấp gian khó lao theo nghiệp hát, chấp nhận kiếp tằm rút ruột nhả tơ.
Đến giờ, tình yêu của Quang Hào đã vượt qua sóng gió cập bến hạnh phúc. Quang Hào đang chờ đợi để được làm cha. Khó khăn về tài chính thì vẫn còn trước mắt nhưng anh vẫn từ chối những show diễn không chất lượng. “Tiền thì ai cũng cần, nhưng không phải cần đến mức show nào cũng hát. Cũng như từ trước đến nay, tôi xác định âm thầm mài giũa giọng hát, theo đuổi dòng nhạc dân gian, không tạo scandal để nổi tiếng”. Niềm đam mê của Quang Hào, những đề án âm nhạc đang khao khát trình làng được hậu thuẫn bằng tình yêu, sự hết lòng ủng hộ từ phía vợ anh, một người không làm nghệ thuật.
... và với vợ
Rộn ràng tin yêu khi gặp... “thi sỹ điên”
Trong cơn mộng mị, giữa dây quấn rối ren của cơm áo, gạo tiền bỗng một câu hát nghêu ngao như vô định của nhạc sỹ Trần Quế Sơn phổ thơ Bùi Giáng: “Mình ơi, tôi gọi là nhà. Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi” hay “Con kiến bé có bao giờ lận đận /Lúc đi về trong cổ lục chiêm bao” trong show diễn từ thiện ở Quảng Nam lại đóng đinh trong Quang Hào, khiến anh khắc khoải và bừng tỉnh.
“Thơ điên vẫn khát cháy yêu thương, bao dung. Tôi thấy đời còn đẹp lắm. Tôi hát theo, thấy giọng mình hợp quá rồi mê thơ Bùi Giáng lúc nào không hay. Tôi đặt vấn đề ngay với anh Sơn, trong thâm tâm tôi đang lo sợ anh ấy đã mời ca sỹ nào đó hát rồi. Được anh Sơn chấp nhận, tôi quyết tâm làm album “Ôi một người con gái”. Đây là tuyển tập những ca khúc của nhạc sỹ Trần Quế Sơn phổ thơ Bùi Giáng. Từ đây, tôi thấy mình rộn ràng, niềm vui, tin yêu trở lại”, ca sỹ Quang Hào tâm sự.
Giọng kể của Quang Hào trở nên hào hứng: “Sau đêm diễn, anh em tôi về Đà Nẵng luôn. Theo anh Sơn nói thì có một người rất đặc biệt đang chờ ở nhà: Thi sỹ, hoạ sỹ Nguyễn Thiên Chương- người bạn tri kỷ của “thi sỹ điên” Bùi Giáng. Mấy anh em ngồi nhâm nhi vài ly rượu, nói chuyện cho đến gần sáng. Chủ đề hôm ấy xoay quanh tính triết lý và tính đời trong thơ của Bùi Giáng. Hôm đấy tôi được nghe anh Chương đọc và bình thơ cụ và ngộ ra nhiều điều trong cõi mê mình đang dấn thân”.
Quang Hào lao vào công việc như... điên. Anh và nhạc sỹ Trần Quế Sơn lang thang khắp nẻo đường Sài Thành tìm nơi bước chân thi sỹ điên Bùi Giáng từng đến. Gặp gỡ, trò chuyện với bạn của thi sỹ, hay những người yêu thơ Bùi Giáng ngây ngất đến mức tự đúc tượng đồng “nhà thơ điên”...
Năn nỉ mãi, Quang Hào và nhạc sỹ Trần Quế Sơn mới mượn được bức tượng. Họ quyết định đưa bức tượng ra ngã tư để chụp ảnh, quay phim nhớ lại hình ảnh nhà thơ Bùi Giáng "điên" hướng dẫn xe cộ qua lại, tưởng chừng là "điên" nhưng " điên" để cho cuộc đời đẹp hơn…
Tìm được nơi trú ẩn của tâm hồn nghệ sỹ, nhưng Quang Hào chưa biết xoay tiền ở đâu để làm album “Ôi một người con gái” mà anh yêu đến cháy lòng. Nhưng rồi, không ai nỡ khép chặt cánh cửa với niềm đam mê quá lớn và may mắn đã đến với Quang Hào.
Thời điểm ấy, Quang Hào dàn dựng chương trình cho một đơn vị ngân hàng và đạt giải rất cao trong cuộc thi toàn ngành. Vị giám đốc đó cũng rất yêu thơ Bùi Giáng và tin tưởng Quang Hào. Vì thế, khi nghe anh nhắc đến sự “hoá thân” qua giai điệu mong làm bay bổng “ tứ thơ điên”, ông đã quyết định cho Quang Hào vay 300 triệu đồng làm album.
11 tháng âm thầm lao động nhập hồn vào những câu thơ của Bùi Giáng, Quang Hào tích từng đốm lửa, giữ nó cháy bền lâu và càng cháy càng sáng. Đó cũng là những vốn liếng ở những người làm nghệ thuật chân chính. Anh hy vọng: “Khi thực hiện album, tôi đã hữu duyên tìm gặp những người cộng sự cùng yêu mến thơ Bùi Giáng cùng quê Quảng Nam- Đà Nẵng với cụ. Tất cả chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra một giá trị nghệ thuật đích thực. Từ đó, những người yêu thơ Bùi Giáng, yêu giọng hát Quang Hào thấy yêu hơn đời sống này”...