Trung bình, năng suất cà phê giảm khoảng 80-85% so với vụ trước, có nhà gần như mất trắng, nhà khá nhất may mắn giữ được sản lượng gần 1/3 so với mọi khi. Nguyên nhân cũng bởi trận mưa kéo dài hơn một tuần đổ xuống ngay trúng kỳ cà phê nở rộ hoa đợt đầu tiên năm ngoái…
Mùa cà… đắng
Sơn Lang được ví như “xứ sở cà phê” của huyện Kbang vì là nơi tập trung một lượng lớn diện tích cà phê của cả huyện: Gần 1.300 trong tổng số 2.779 ha. Là loại cây trồng chính của hầu hết người dân địa phương, tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh hồi tháng 3 năm ngoái-trúng vào thời điểm bung đợt hoa đầu tiên nên cà phê của người dân Sơn Lang đã “gặp nạn” và giảm mạnh năng suất.
Nông dân xót lòng trước mùa cà phê. Ảnh: Lê Hòa
Lắc đầu ngán ngẩm, anh Đinh Văn Cẩm- làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang, ngậm ngùi: “Nhà tôi có 800 gốc cà. Vụ mùa năm 2010-2011 thu được hơn 4 tấn tươi, vậy mà năm nay chỉ còn trên dưới 1 tấn. Với mức giá khoảng trên dưới 7 ngàn đồng/kg cà phê tươi, vụ này coi như nhà tôi lỗ đậm”.
Vườn cà phê rộng 1 ha của gia đình ông Tô Xuân Trường (thôn 2-xã Sơn Lang-huyện Kbang) cũng bọt bèo không kém. So với vụ thu hoạch năm trước, lần thu năm nay giảm chỉ còn khoảng suýt soát 1/4. Năm ngoái thu được hơn 7 tấn cà phê tươi thì năm nay giảm chỉ còn ngót ngét 2 tấn.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến vườn hộ gia đình bà Huệ, ông Ngụ ở thôn 3, xã Sơn Lang. Đây là mảnh vườn đang được người dân quanh vùng nức nở khen là đẹp nhất vụ này. Vừa kéo tấm bạt nhựa nhẹ tênh, bà Huệ vừa chán nản: “Chưa năm nào cà phê chán như năm nay. Mọi năm cành nào cành nấy đều trĩu nặng quả, chùm cà phê to ụ gần bằng nắm tay, vậy mà năm nay lưa thưa, thậm chí không bằng cà phê bỏ hoang, không người chăm sóc”.
“Hậu” vụ mùa thất thu
Theo thống kê, vụ thu hoạch năm nay, có khoảng gần 1.500 ha cà phê của 2 xã Sơn Lang và Krong bị giảm mạnh năng suất do ảnh hưởng của tình hình thời tiết, trong đó Sơn Lang có gần 1.300 ha với lượng giảm năng suất trung bình 80-85%. Ngoài ra, còn có Krong với 174 ha, tuy ít hơn, song các vườn cà phê ở Krong lại thiệt hại nặng nề và gần như mất trắng.
Chị Huệ cần mẫn hái cà phê. Ảnh: Lê Hòa
Lý giải nguyên nhân của vụ thất thu này, ông Dương Quốc Điệp- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang cho rằng: Thứ nhất là điều kiện thời tiết năm qua không thuận lợi cho cây cà phê, nhất là trận mưa dài, sau đó là sương kéo dài hàng tuần ngay đợt bung hoa cà phê đầu tiên nên hoa cà bị thối, hỏng, không đủ điều kiện để tạo trái. Thứ hai là xét về điều kiện chung thì Sơn Lang không phải là vùng có khí hậu phù hợp với cây cà phê, năng suất thường không thể cao như các vùng khác. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan từ phía con người như chăm sóc chưa thật tốt và đảm bảo kỹ thuật…
Sơn Lang là xã còn nhiều khó khăn của huyện KBang với hơn 43% số dân là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Bana. Tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Lang còn rất cao. Cà phê được coi là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, là nguồn thu nhập chính của phần lớn hộ gia đình trong tổng số gần 1.000 hộ dân toàn xã. Bởi vậy, trước một vụ mùa thất bát nặng nề, người dân Sơn Lang đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế, có rất nhiều hộ dân dù diện tích lớn vẫn không dám thuê người vào hái, chỉ cố gắng “lấy công bù lỗ”, hái được đến đâu hay đến đó. Không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn là mối lo của không ít gia đình về gánh nặng đầu tư khó lòng trang trải từ vụ mùa này. Và nguy hiểm nhất, là vốn đầu tư cho vụ mùa tiếp theo. Đây chính là nỗi lo lắng nhất của người trồng cà phê ở Sơn Lang, Krong hiện nay.
“Trung bình một năm, mỗi ha cà phê nhà tôi phải đầu tư trên dưới 15 triệu đồng. Nào là phân bón, tiền tưới tiêu, thuê làm bồn, cành… Đó là chưa kể tiền công gia đình bỏ vào đấy. Cà phê chán thế này thì đừng nói đến chuyện đầu tư năm tới mà có trả được hết món nợ tiền đầu tư, công cán cho vụ năm nay nữa hay không cũng còn chưa dám chắc”- chị Huệ- chủ 3 ha cà phê được cho là “đẹp” nhất vùng mùa vụ năm nay ở đây, tâm sự.
“Chưa bao giờ Sơn Lang mất mùa cà phê nặng nề như thế này! Thất bát vụ thu hoạch năm nay đã quá rõ, nhưng làm thế nào để tái đầu tư cho vụ sau mới là điều đáng quan tâm lúc này. Vốn đầu tư năm nay còn chưa đủ, lấy gì lo cho vụ tới? Trước mắt, chính quyền sẽ động viên bà con nhân dân cố gắng tranh thủ thu hái cà phê, giá cà phê đang có chiều hướng tăng trong thời gia qua cũng là tín hiệu mừng khiến bà con mặn mà hơn với việc thu hoạch cà phê dù năng suất rất thấp”- ông Dương Quốc Điệp, chia sẻ.
Do ảnh hưởng của điều kiện khí hậu, thời điểm thu hoạch cà phê ở các xã Sơn Lang, Krong thường đến muộn hơn khoảng 2 tháng so với các vùng thuộc khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai. Thời điểm thu hoạch thường diễn ra từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. Thời điểm bung hoa lại rơi vào khoảng thời gian thời tiết hay có nhiễu động, mưa thất thường nên rất dễ bị thiệt hại, thậm chí là thiệt hại nặng. |