Mỗi vùng đất Thổ Nhĩ Kỳ lại có nét quyến rũ riêng biệt, không lẫn vào nhau. Ở Istanbul là quần thể di sản đồ sộ của nhiều tầng văn hóa, các thời kỳ lịch sử. Ở Cappadocia là vùng núi non kỳ thú, trong khi Antalya êm đềm, tĩnh lặng. Còn Izmir - thành phố cảng lớn thứ hai và đông dân thứ ba - lại rất đỗi thanh lịch, vui tươi, là thiên đường mua sắm không dễ bỏ qua.
Cổ và kim
Chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan thành phố Izmir từ khách sạn nhỏ trong khu phố cổ ngay sau nhà ga chính. Ngõ ngách đan xuyên vào nhau, ngoằn ngoèo. Đôi lần hỏi đường chỉ để biết hướng ra đại lộ ven biển, còn sau đó "rút kinh nghiệm", cứ nhìn theo các tháp cao mà di chuyển trong lòng phố cổ. Người lễ tân khách sạn quả quyết chỉ chừng 10 phút đi bộ thôi.
Trời oi ả vì hơi nước của biển khiến thời gian ra đến cảng lâu hơn dự kiến. Mà cũng bởi quá nhiều họa tiết trên các bancông, hàng hiên nhà thu hút ống kính máy ảnh. Bởi nấn ná bên các xe thồ bán hoa quả tươi, các loại hạt dẻ, hạt phỉ. Bởi tán chuyện bằng tiếng Anh với lũ trẻ con vừa tan học...
Các khu phố vuông vức như bàn cờ phủ đầy các khối nhà cao tầng hóa ra xây dựng trên nền móng của cả một kho tàng khảo cổ, dưới đất đều là các báu vật cổ. Lịch sử thành phố 8.500 năm phát lộ ở nhiều khu vực. Vẫn còn nhiều những phần tường thành, tường lâu đài, tháp cổ, cột đá đồ sộ dù một số tượng và hiện vật quý đã được khai quật và chuyển về trưng bày trong bảo tàng.
Tháp đồng hồ biểu tượng của Izmir duyên dáng trên quảng trường trung tâm - Ảnh: HOÀNG HẢI
Bờ đá ven biển là nơi gặp gỡ của thanh niên Izmir - Ảnh: HOÀNG HẢI
Chờ mua nước ép trái cây tươi trong phố chợ - Ảnh: HOÀNG HẢI
Con đường dài xuyên qua trung tâm sầm uất Alsancak cho khách thăm quan thỏa thuê ngắm nhìn những ngôi nhà đủ phong cách. Chiến tranh liên miên, thảm họa động đất cũng chừa lại cho Izmir rất nhiều công trình cổ còn nguyên vẹn.
Đi về phía nam để được đến quảng trường Konak, địa điểm trung tâm như trái tim của thành phố. Tháp đồng hồ bằng đá duyên dáng hiện ra dưới nắng Địa Trung Hải. Biểu tượng của Izmir được xây dựng năm 1901 nhân kỷ niệm 25 lễ đăng quang của Sultan Abdul Hamid II. Chiếc đồng hồ trên tháp là một món quà từ vua Đức Wilhelm II ghi dấu tình hữu nghị Thổ - Đức.
Đằng sau quảng trường là khu chợ lịch sử Kemeralti. Người địa phương cũng như khách du lịch dễ dàng đánh mất chính mình trong mê cung của các ngõ hẻm tràn ngập hàng hóa, gia vị và bị cuốn vào không khí mua sắm tấp nập trong lòng chợ. Nhưng cũng khó lòng bỏ qua công trình kiến trúc lớn nhất là thánh đường Hisar có tuổi thọ hơn bốn thế kỷ nằm ngay rìa khu phố chợ.
Cuộc sống bình dị bên bờ vịnh Aegean
Bước chân vào phố chợ Kemeraltı là một thách thức cho tất cả giác quan. Hàng trăm màu sắc thậm chí không có trong bảng màu họa sĩ, đủ kiểu hình dạng, vô số mùi vị và hỗn hợp âm thanh ùa lấy bạn. Sẽ có chút bối rối cho khách lạ, không biết xem quầy nào trước. Sách cổ, đồng hồ, đồ trang sức, quần áo, khăn mũ, lụa là, thảm len, đồ da, rau quả tươi, gia vị, hạt khô, khu ăn uống ẩm thực… với nguồn cung ứng không giới hạn. Nếu bạn ngần ngại chuyện quá cân hành lý, vậy hãy chỉ mua vài bịch quả vả và nho khô ngọt đậm đà vị nắng Địa Trung Hải.
Người dân không vội vã mua bán, không tranh giành khách, chỉ mỉm cười lịch thiệp với dòng người qua lại. Cả những gia đình đang trải khăn ăn bữa trưa dã ngoại trên thảm cỏ xanh và ngắm cảnh biển sóng dập dờn ngoài xa cũng hồn hậu mời khách cùng dùng bữa. Trẻ em chơi bóng, cha mẹ nói cười chuyện trò, những cặp đôi dạo bước tận hưởng ánh nắng chan hòa.
Chúng tôi cứ thế để đôi chân mình trôi đi trên con đường ven biển rộng lớn trồng cọ xanh dài đến 6km xuyên dọc đại đô thị 3 triệu dân này.
Cảnh thành phố Izmir nhìn từ trên cao - Ảnh: HOÀNG HẢI
Khu di tích lịch sử khảo cổ học Agora - Ảnh: HOÀNG HẢI
Thánh đường Hồi giáo Hisar - công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất của Izmir - Ảnh: HOÀNG HẢI
Thánh đường Hồi giáo Yali và tháp từ thế kỷ 18 sử dụng sắt và chì trong khi xây dựng nhằm chống động đất - Ảnh: HOÀNG HẢI
Một người nhạc công đang say sưa chơi Bağlama (đàn ghita kiểu Thổ), tiếng hát da diết hòa cùng tiếng đàn tình cảm, có lẽ là một bài dân ca về tình yêu và đôi lứa đang yêu. Đôi người dừng lại thả tiền vào chiếc mũ đặt dưới chân người nghệ sĩ đường phố. Vài xe bán lạc rang, nước mát đỗ dưới bóng cây. Dăm người bán trà bạc hà dạo bê khay ly trên tay, miệng rao: Ai trà đường nào...ooo...o!
Thường người ta chọn đến thăm một thành phố để chiêm ngưỡng danh thắng, di tích, đền đài nhưng ở Izmir chúng tôi thấy dễ chịu lắm vì không ngồn ngộn, dày đặc các kỳ quan, di sản mà có dịp thong thả tận hưởng và hòa mình vào nhịp sống bình dị, yên ả của người dân địa phương.
Cũng xếp hàng đợi mua kẹo dẻo Lokum trong tiệm đồ ngọt đông khách. Chờ tới lượt được phục vụ tách cà phê kiểu Thổ không lọc bã mịn thơm phưng phức. Kiên nhẫn chờ nhận các gói hạt thông, vả khô, nhân hạt dẻ cười gói ghém cẩn thận còn thắt nơ lụa... Và đắc ý vì đã xếp Izmir rất hợp lý là chặng cuối trong hành trình trên đất Thổ!