Thật vậy, khi mà Tây Ban Nha vận dụng sơ đồ chiến thuật “không tiền đạo thực thụ” với lối chơi tiqui-taka gây buồn ngủ (dĩ nhiên không tính trận chung kết Euro 2012 hoàn hảo) thì Italia mới là đội tuyển đáng xem nhất ở Euro lần này.
Dưới bàn tay của HLV Cesare Prandelli, đội quân áo Thiên thanh đã thi đấu với một phong cách hoàn toàn khác. Họ tấn công nhiều hơn, chơi kỹ thuật hơn, đẹp mắt hơn với đỉnh cao là màn trình diễn không thể chê trước Đức ở bán kết. Đó là trận đấu mà họ phải đối mặt với một ĐT vừa phá kỷ lục thế giới với thành tích 15 trận toàn thắng, có đội hình trẻ trung hơn và đặc biệt là được nghỉ hai ngày nhiều hơn. Nhưng không giống với bao người tiền nhiệm khác, cựu chiến lược gia của Fiorentina không lựa chọn lối chơi phòng ngự đổ bê tông sở trường với mác catenaccio, mà vẫn quyết định theo đuổi lối chơi tấn công quyến rũ. Đó dường như đã trở thành triết lý bóng đá của đội bóng áo Thiên thanh dưới thời Prandelli, dù đối thủ có là ai đi chăng nữa.
Nhưng phải nói thêm rằng, thắng lợi trước người Đức ở bán kết đến từ những khoảnh khắc bùng nổ của các ngôi sao với hiện thân là Balotelli ngày hôm đó, người vụt sáng bằng một cú đúp từ những pha kết thúc đẳng cấp, sau khi gây rất nhiều thất vọng ở những trận đấu trước. Và đó là điều người Italia thiếu ở trận chung kết với Tây Ban Nha, khi mà Prandelli quyết định chơi đôi công với nhà ĐKVĐ thay vì quay trở lại với sơ đồ 3-5-2 thiên về phòng ngự đã khắc chế thành công đối thủ ở trận ra quân.
Thiago Motta vừa vào sân ở đầu hiệp hai đã bị cáng ra sân vì chấn thương
Tất nhiên cũng khó trách cứ Prandelli với thất bại nặng nề này khi vận đen đã bám lấy Azzurri ở trận chung kết này với 2 chấn thương đáng tiếc. Chiellini phải rời sân chỉ sau 20 phút bóng lăn và Thiago Motta vừa vào sân ở đầu hiệp hai đã bị cáng ra sân vì chấn thương khiến Italia phải lâm vào cảnh chơi thiếu người trong hơn 30 phút cuối trận. Bị dẫn 0-2, lại chơi trong thế 10 chọi 11 trước đối thủ mạnh hơn, số phận trận đấu gần như đã an bài từ thời điểm Motta rời sân. Những bàn thua ở cuối trận được ghi bởi Torres và Mata chỉ như đóng đinh vào cỗ quan tài mà thôi.
Thứ bóng đá đẹp ấy không thể mang lại vinh quang khi có cảm giác để đổi lấy sự hoa mỹ, quyến rũ, hào nhoáng này đã khiến người Ý phải hy sinh sự thực dụng, lành lùng, tàn nhẫn đã ăn sâu vào bản chất. Và kết quả là, lối đá có phần ngây thơ, hoang dã đó đã chết theo cách không thể thê thảm hơn trước một Tây Ban Nha, đã “cất” vẻ đẹp của mình trong cả giải và chỉ “phô bày” nó khi cần thiết…