Qua rồi những đột phá
Trái với đêm thi thứ hai của hai tuần trước đây, đêm thi thứ ba của Hợp ca tranh tài cho thấy sự hết vốn của các đội tham dự. Không còn những phần trình diễn có sức sáng tạo. Thay vào đó là sự cố gồng lên của các đội trong những ca khúc không phải là sở trường của mình.
Sự khiên cưỡng và thiếu hợp lý trong cách chọn bài phản ảnh ở hầu hết các tiết mục của các đội hợp ca trong đêm thi vừa qua. Nhận thấy rõ ràng nhất là phần trình diễn của hai đội Hà Nội và Huế.
Đội Hà Nội trở nên thiếu lửa trong liên khúc Quạt giấy và Guốc Mộc của Lưu Thiên Hương
Nếu đội Hà Nội trở nên thiếu lửa trong liên khúc Quạt giấy và Guốc mộc của Lưu Thiên Hương, thì đội Huế lại cho thấy mặt trái của việc “hát tiếng mẹ đẻ chưa xong đã học đòi hát tiếng Anh”.
Đội Hà Nội sau phần trình diễn được đánh gia là yếu ở các tuần thi trước, đến tuần này, vì muốn lột xác nên đã chọn liên khúc Quạt giấy - Guốc mộc để đem đến một hình ảnh vui tươi khác của mình như lời giải thích của đội trưởng Khánh Linh.
Nhưng vui tươi không phải là những thứ dễ mà bắt nhịp được với một cái đầu tầu vốn chỉ có năng khiếu hát các ca khúc pop và những bản nhạc cách mạng. Đúng như sự phản ánh của thực tế, dưới sự dẫn dắt của Khánh Linh, đội Hà Nội hát chắc nhịp nhưng tỏ ra thiếu lửa và có phần rời rạc trong liên khúc Quạt giấy - Guốc mộc.
Tất nhiên với một cuộc thi không có giám khảo, chỉ có các đội bạn ngồi ghế nóng thì chẳng ai là kẻ bị chê. Kết thúc màn trình diễn của mình, đội Hà Nội được Phan Đinh Tùng nhận xét cũng rất rời rạc: “Cảm ơn đội Hà Nội đã biểu diễn một tiết mục rất dễ thương. Đó là một làn gió mát của Hà Nội thổi vào cho khán giả của Sài Gòn”. Còn Mỹ Lệ chẳng biết nói gì hơn khi chỉ thốt ra được một câu duy nhất đáng giá: “Từ đầu đến giờ mới thấy đội Hà Nội sôi động và trẻ trung thế này”.
Chọn một ca khúc mang tính cổ động trong thể thao, với sự dàn dựng công phu cho một đội cổ vũ. Nhưng đội Huế tỏ ra hơi quá sức trong việc hát tiếng Anh.
Cũng chung số phận với đội Hà Nội là đội Huế của Mỹ Lệ. Nếu như ở đêm thi hai tuần trước đây, Huế cho thấy sức sáng tạo trong cách phả vào bài dân ca Hò giã gạo những tiết tấu hip hop thì trong tuần này sức sáng tạo của đội Huế vẫn còn. Nhưng tiếc là đội đã chọn ca khúc chưa đúng với lực của mình.
Waving Flag ca khúc chính thức của World Cup 2010 được đội Huế chọn vì theo đội trưởng Mỹ Lệ thì bài hát này có thông điệp rất lớn: “Chúng ta hãy luôn luôn giơ cao ngọn cờ fair play”.
Chọn một ca khúc mang tính cổ động trong thể thao, với sự dàn dựng công phu cho một đội cổ vũ. Nhưng đội Huế tỏ ra hơi quá sức trong việc hát tiếng Anh. Hơn nữa phần bè của đội bị chìm khiến không khí bài hát có phần thiếu sôi động như vốn có của nó.
Điểm cộng duy nhất của đội Huế, nói như Đức Tuấn thì: “Sự liều lĩnh của các bạn là sự đặc biệt. Các bạn đã thuyết phục Tuấn rất tốt. Tuấn hiểu được cái gì bạn đang hát và lời của ca khúc các bạn muốn truyền tải”.
Nhờ nhờ màu ca sĩ
Đã qua 6 tuần lên sóng và ba đêm thi thố, khán giả vẫn chưa thấy được những cá tính rõ nét và những ảnh hưởng mang tính đột phá của các ca sĩ đội trưởng lên đội chơi của mình. Có chăng, chỉ thấy sự uốn nắn tốt hơn ở hai đội Quảng Ninh, do ca sĩ Ngọc Anh làm đội trưởng và Long Xuyên, do ca sĩ Đức Tuấn dẫn dắt.
Dù quả thật như đội trưởng Đức Tuấn đã khen “các bạn đã biểu diễn rất xuất sắc”. Nhưng đó là sự xuất sắc ở mức không chuyên nghiệp. Vì nói thật, nhạc kịch là một thể loại khó mà ngay cả đội trưởng Đức Tuấn cũng không kham nổi.
Cho đến đêm thi thứ ba, đội Long Xuyên cho thấy mình là một đội có màu sắc rất riêng biệt với sự thể nghiểm đủ các thể loại nhạc. Ở đêm thi vừa qua đội Long Xuyên đã chọn nhạc kịch, thể loại âm nhạc mà đội trưởng Đức Tuấn rất tâm đắc làm nền để thi tài.
Trích đoạn trong vở The Phantom Of The Opera với lời Việt được đội Long Xuyên hát đều, bè tốt, có thể hiện khá cảm xúc. Đội trưởng Đức Tuấn chia sẻ: “Sau rất nhiều các phần thi đấu vừa qua, Tuấn đã nhìn thấy đội vựa lúa miền Tây đã trưởng thành lên như thế nào. Những trưởng thành đó của đội làm Tuấn rất yên tâm để chọn cho đội thể loại nhạc kịch, một thể loại khó”.
Dù quả thật như đội trưởng Đức Tuấn đã khen “các bạn đã biểu diễn rất xuất sắc”. Nhưng đó là sự xuất sắc ở mức không chuyên nghiệp. Vì nói thật, nhạc kịch là một thể loại khó mà ngay cả đội trưởng Đức Tuấn cũng không kham nổi.
Đội Quảng Ninh được xem là đội có sự thể hiện xuất sắc nhất đêm thi thứ ba của Hợp ca tranh tài.
Đội Quảng Ninh được xem là đội có sự thể hiện xuất sắc nhất đêm thi thứ ba của Hợp ca tranh tài. Ca khúc cách mạng Xuân chiến khu được đội bè tốt, vui nhộn và trẻ trung. Đội trưởng Ngọc Anh với vai trò cô giáo đã quá quen thuộc nên đội Quảng Ninh có lợi thế lớn trong việc dàn dựng bài vở.
Xuân chiến khu của đội Quảng Ninh trên sân khấu Hợp ca tranh tài có cách hát hoàn toàn mới với nhạc cách mạng. Đội đã thổi được một không khí mới vào ca khúc cũ. Đó cũng là sự nhìn nhận của ca sĩ Mỹ Lệ: “Mỹ Lệ thích tiết mục này. Một tiết mục nhạc đỏ những các bạn đã phối lại rất trẻ trung, không còn thấy là nhạc đỏ nữa”.
Mang đúng màu của ca sĩ Phan Đinh Tùng, đội TP. HCM là đội luôn có những màn trình diễn sôi động ở Hợp ca tranh tài. Bởi như Phan Đinh Tùng chia sẻ: “Đội Sài Gòn trẻ trung, người Sài Gòn sôi nổi. Đội Phan Đinh Tùng tiếp tục chọn Đường cong để khẳng định thương hiệu của đội là trẻ trung và sôi nổi”.
Mang đúng màu của ca sĩ Phan Đinh Tùng, đội TP. HCM là đội luôn có những màn trình diễn sôi động ở Hợp ca tranh tài.
Lợi thế của đội TP. HCM là sân nhà, khán giả nhà và sự sôi động trẻ trung. Chính vì có những lợi thế đó nên phần hát của đội TP. HCM đã được cứu nguy một phần. Vì so với các đội cùng tranh tài, đội TP. HCM không phải là đội có giọng hát nổi bật.
Ở Hợp ca tranh tài, không chỉ có các đội thi tài với nhau, mà sân chơi này thực tế là sàn đấu chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp của các giọng ca ngôi sao nắm vai trò đội trưởng trong các đội.
Chính vì thế, màu sắc của mỗi đội thi cũng mang đậm màu sắc của ca sĩ đội trưởng. Nhưng cho đến giờ, những mảng màu của các đội tham gia Hợp ca tranh tài xem ra đều mang chung một màu “nhờ nhờ”.