Thanh niên tụ tập chơi trò đỏ đen tại hội làng quê tôi
Từ khu trung tâm của lễ hội là sân đình tới khắp các nẻo đường làng đâu đâu cũng thấy xuất hiện các chiếu cờ bạc nhóm họp và người dân của làng từ trẻ tới già, từ đàn bà, phụ nữ tới cánh đàn ông trung niên… đều xúm đông xúm đỏ chơi các trò cờ bạc sát phạt nhau.
Người ta bảo nhau mấy ngày lễ hội cứ chơi bạc công khai và thoải mái mà không sợ công an hay bảo vệ bắt. Chính vì thế không chỉ chơi bạc ngoài sân hội, ngoài đường làng, hầu như gia đình nào cũng “dựng” lên một vài hội bạc tại sân nhà để chơi thâu đêm.
Những hội bạc tại gia như vậy thường là các cụ già ngồi nhà chơi vì các cụ ngại ra đường đánh bạc. Mặc dù số tiền qua các ván sát phạt nhau không nhiều, song cụ nào cụ nấy đều ham mê lắm.
Cánh thanh niên thì khỏi phải nói, khi họ chơi “hết mình”, thậm chí... cháy túi mới thôi! Ngay như mấy chị, mấy bà vốn chất phác nông thôn chân lấm tay bùn quanh năm vậy mà những ngày hội xuân cũng bị trò đỏ đen lôi kéo vào cuộc, nên nhiều người tặc lưỡi “thả” vài ngàn cho tới vài chục ngàn để rồi… hi vọng!
Buồn nhất là đám trẻ nhỏ khi thấy ông bà, bố mẹ, anh chị chơi bạc và rồi chúng cũng bắt chước chơi mà không sợ bị nói, bị cấm, bởi chính người lớn đã không làm gương thì còn nói được ai, cấm được ai nữa đây (?!)
Chẳng riêng gì hội làng quê tôi mà hầu như ở tất cả lễ hội làng, xã tại nhiều địa phương mà tôi có dịp tham dự thì hội ở đâu cũng na ná nhau, khi trò đánh bạc luôn tràn lan khắp cả. Nghĩ mà buồn khi các trò chơi dân gian truyền thống của ngày xưa như bịt mắt bắt dê, đập niêu đất, tung vong cổ chai, pháo đất... vui là vậy, hay là thế và thu hút nhiều người đi hội lại gần như vắng bóng, thay vào đó là quá nhiều hình thức trò chơi biến tướng nặng mùi cờ bạc.
Chúng ta đều biết cờ bạc là một loại hình tệ nạn xã hội nguy hiểm khi hậu quả của nó là tan cửa nát nhà, là gia cảnh ly tán, thậm chí tù tội… Thế mà không hiểu sao mọi người vẫn cứ lao vào như những con thiêu thân để tự “đốt” đời mình!
Để ngăn chặn được phần nào hậu họa của nhiều loại hình cờ bạc, cũng như không làm hỏng những lớp người trẻ, nhất là các em học sinh, mong rằng chính quyền các địa phương cần phải nghiêm khắc hơn nữa trong việc khắc chế các tệ nạn nói chung và nạn cờ bạc nói riêng. Ngay cả trong các dịp lễ hội của làng, xã, vùng miền cũng không được “lỏng tay”, bởi chính những dịp như thế này cờ bạc mới càng bung ra, tràn lan, công khai lộ liễu đầy đường làng ngõ xóm.