Thêm nhiều bằng chứng khẳng định chuyện người dân “hôi nhãn” trong vụ tai nạn ở Quảng Bình là hoàn toàn có thật.
Người dân lấy những thùng nhãn còn nguyên vẹn rời khỏi hiện trường. (Ảnh cắt từ clip) |
Không có chuyện cho dân lấy nhãn
Sau khi chính quyền huyện Minh Hóa phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình tổ chức họp báo khẳng định không có việc “hôi nhãn” trong tai nạn trên địa bàn, nhiều nhân chứng tại địa phương đã lên tiếng về vụ việc.
Lái xe Lê Văn Công một lần nữa khẳng định, việc người dân đến lấy nhãn là hoàn toàn có thật.
“Khi bị đổ xe tôi rất bàng hoàng. Đi sau tôi, một xe khác của công ty đi đến, lái xe đã gọi điện cho công an địa phương đến trợ giúp. Lúc này, tại hiện trường có 4 người của công ty cùng xuống bảo vệ hàng hóa nhưng đã bị người dân dọa đánh. Họ kéo đến ngày một đông, chúng tôi không thể bảo vệ được.”
Video lái xe tại hiện trường kể lại chuyện người dân "hôi của"
Các thùng nhãn được chở đi bằng thuyền dưới sông. Một số người gom hàng lên đường rồi dùng xe máy chở đi sau. Tại hiện trường, công an xã xuống ngăn cản nhưng không được, rồi họ cũng đành đứng nhìn.
Rất nhiều người dân ở đó chứng kiến việc này. Khi lật xe còn có mấy xe khách đi từ Lào về cũng dừng lại, hành khách lao xuống lấy hàng.” – lái xe Công kể lại.
Trong khi đó, anh Bùi Khắc Nội, lái xe container đi phía sau xe gặp nạn cho biết: “Sau khoảng 15 phút tôi có mặt tại hiện trường. Lúc này, ở phía dưới nhiều người dân đã đến lấy nhãn.
Ở trên đường, còn có một số người đi xe máy đến hỏi mua lại nhãn của những người dân đến hôi nhãn. Tôi và các anh em ngăn cản nhưng không được. Có công an ở hiện trường nhưng cũng không ngăn cản được. Người dân chọn những thùng nhãn nguyên để vác đi. Khoảng 2 tiếng đồng hồ số nhãn đã bị lấy đi hết”.
Là tài xế có mặt ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, anh Vũ Văn Ngọc nói: “Tôi đi ngay sau xe bị tai nạn. Ban đầu, chỉ có một hai người dân xuống dưới lấy nhãn, tôi nói “xe không may bị lật rồi các anh đừng lấy hàng hóa của bọn em làm gì nữa”, nói xong họ bỏ lại hàng và đi khỏi hiện trường, nhưng chỉ khoảng 10 phút sau người dân kéo đến ùn ùn, họ đi nhiều đường khác nhau, dọc bờ sông, trên đường bộ, qua khu rừng... Chúng tôi đi xuống sông nhưng cũng không thể làm được gì. Một người vác hai ba thùng. Họ tránh những chỗ chúng tôi đứng để mang hàng đi”.
Lái xe tên Cương bức xúc: “Làm gì có chuyện chúng tôi cho họ lấy hàng. Chúng tôi ngăn cản còn không xong, công an cũng không giữ nổi. Rất nhiều người đi đường qua chứng kiến và cũng rất nhiều người ghi lại được những hình ảnh này”.
Trước thông tin là người ký vào biên bản và cho người dân lấy nhãn, ông Trịnh Văn Bảy (SN 1975, trú Hồng Nam, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) một lần nữa khẳng định quãng đường ông đi từ Cha Lo về để giải quyết vụ việc thì nhãn được “hôi” gần hết sạch.
“Sau khi nhận được điện báo, tôi từ trên cửa khẩu Cha Lo đến hiện trường. Lúc này người dân đã lấy hết nhãn. Công an nói họ tìm lại được 12 thùng giao lại cho tôi, nhưng tôi thấy 12 thùng còn lại quá ít và đã bị dập nát nên tôi không nhận lại. Vì ít quá thì công ty cũng chẳng lấy làm gì và tôi cũng không mang về được. Biên bản là do công an viết rồi tôi ký vào đó. Tôi cũng chẳng cho ai lấy nhãn cả vì tôi có mặt ở hiện trường lúc người dân kéo đến lấy nhãn đâu?”.
Thừa nhận lấy nhãn
Để làm sáng tỏ sự việc, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh phóng viên đã có mặt tại hiện trường để gặp gỡ nhiều nhân chứng và cả những người đã tham gia lấy nhãn trong vụ tai nạn.
Ông Võ Nhật Mại, người sống gần nhất hiện trường cho biết, hôm xảy ra vụ tai nạn, chiếc thuyền do ông trông giữ đã bị người dân trong làng chặt khóa lấy đi để vận chuyển nhãn từ vụ tai nạn.
Có được nhãn từ vụ "hôi của", họ lại quay trở lại nhà ông và đưa toàn bộ số nhãn lên bờ, tập kết ngay trước sân nhà. Khi bị ông phản ứng, họ đành xuống nước và cho ông một thùng. Còn số nhãn này sau đó được đưa đi đâu thì ông không hay biết?
Video nhân chứng Võ Nhật Mại kể lại việc người dân lấy nhãn
Để có đáp án cho câu hỏi này, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà anh C. N. T. ( trú thôn Thanh Lâm, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa), một trong hai người ngồi trên chiếc thuyền chở nhãn được đăng tải trên báo chí.
Anh T. kể lại hành trình chiếc thuyền đến và đi khỏi vụ tai nạn: “Khi nghe thông tin chiếc xe chở nhãn gặp nạn, tôi đã lấy trộm chiếc thuyền của một người dân để trên sông và chèo đến hiện trường. Đến nơi, tôi thấy rất nhiều người đang lấy nhãn nên cũng vào lấy nhãn về ăn. Tôi và anh L. (người cùng ngồi trên thuyền - PV) mỗi người lấy 1 thùng.”
Anh C. N. T. thừa nhận mình đã lấy nhãn đưa về nhà, trên chiếc thuyền còn do nhiều người khác lấy nhãn rồi gửi mang về hộ. Khi chiếc thuyền đi xa hiện trường, cập vào bờ thì những người gửi đến lấy, mỗi người chia mỗi hướng và không biết đó là ai.
Thêm nhiều nhân chứng dũng cảm
Ông Võ Nhật Mại kể về việc chiếc thuyền của ông bị chặt khóa đem đi lấy nhãn.
Bức xúc trước những hành động hôi của người bị nạn, một số người dân đã dũng cảm đứng ra tố cáo, lên án hành động này.
Anh N. T. T., người có mặt tại hiện trường cho biết: "Sự thật quá trắng trợn như vậy, nếu cơ quan công an họ không làm cho ra việc rồi sẽ còn nhiều vụ nữa. Bởi tuyến đường lên cửa khẩu Cha Lo 40km, dường như năm nào cũng có tai nạn xảy ra, có trường hợp người chết nhưng người dân vẫn lấy tài sản".
Cũng theo anh T., có vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường này, nếu biết anh đều có mặt từ rất sớm để hỗ trợ đưa người bị nạn đi bệnh viện. Nếu người bị nạn không việc gì thì đi xem như những người khác hiếu kỳ đến hiện trường để xem.
Hôm tai nạn lật xe nhãn xảy ra, chỉ sau 5 phút anh T. có mặt ở hiện trường, lúc đó vẫn chưa có người "hôi của", chỉ có người tham gia giao thông qua đường dừng lại xem.
Khoảng 20 phút sau công an địa bàn có mặt, cũng trong thời gian này người dân truyền tai nhau về vụ tai nạn và bắt đầu đổ về hiện trường, cả đoạn đường tấp nập người qua lại.
"Đầu xe container nằm trên đường, thùng xe rơi xuống vực. Khi người dân đến, họ ùa vào lấy và bị công an nhắc nhở, người nhà xe cũng nói xin mọi người “hàng trong thùng nguyên vẹn đừng có lấy, hàng của bọn em tổn thất nhiều lắm”.
Những người lấy nhãn xuống vực bê lên đường, chở bằng xe máy rời khỏi hiện trường. Khoảng 2000 thùng và với số lượng người có mặt đông như thế, chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hỗ nhãn đã bị lấy hết. Còn sau này vẫn có người đến lấy nhưng lúc này chỉ còn đồ vương vãi rơi ra ngoài.” – anh T. kể lại.
Còn theo lời anh H. V. N. (trú trên địa bàn) cho biết, anh là tài xế chạy xe tải chở đá, thường xuyên chạy qua tuyến đường 12A.
Hôm 21/1/2014, xe anh về đến khu vực tai nạn thì đường bị tắc, anh hiếu kỳ xuống xem và chứng kiến cảnh người bê, người vác các thùng nhãn lần lượt rời khỏi hiện trường. Thậm chí có người còn vẫy xe của anh lại để nhờ bỏ nhãn đi nhờ, nhưng anh không đồng ý.
"Những người đi qua đường dừng lại lấy khoảng 1 đến 2 thùng, còn những người dân cố tình thì lấy được rất nhiều. Những người lấy ít thì mang về ăn, người lấy nhiều thì mang ra chợ bán" - anh N. kể.
Sau tai nạn, nhãn ngập chợ
Có mặt tại chợ Tân Yên (xã Hóa Tiến) và chợ Quy Đạt của huyện Minh Hóa, chúng tôi được các tiểu thương ở đây phản ánh về chuyện nhãn bán bất thường với số lượng lớn sau vụ tai nạn.
Sáng 22/1, nhãn Thái xuất hiện ở hai chợ này rất nhiều. Người thì chở xe bò, người chở xe máy, lũ lượt bày bán công khai với giá siêu rẻ, chỉ 20 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, rẻ hơn so với nhãn Việt bán ngày thường 50%. Có tiểu thương còn được dân "hôi của" mời chào mua sỉ để bán lẻ lại.
"Người đi bán nhãn đi qua, tôi có hỏi bán được bao nhiêu, người ta đi lấy nhãn của xe bị nạn mà trả lời rất hiên ngang, bán được triệu rưỡi chứ mấy." - chị Đinh Thị Thúy Dung, tiểu thương trước cổng chợ Tân Yên cho biết.
Chị Dung trao đổi với phóng viên
Cũng theo lời chị Dung, ngày thường ở chợ Tân Yên khan hiếm nhãn, có chăng cũng chỉ nhãn Việt còn nhãn Thái không hề có.
Tuy nhiên, sáng hôm sau vụ tai nạn, nhân viên của chị ra chợ mua 2 thùng nhãn Thái còn nguyên vẹn với giá 200 ngàn đồng/thùng. Với mức giá siêu rẻ, những người dân khác mua về ăn khá nhiều.
Tiểu thương Đinh Thị Yên (chợ Tân Yên) cũng khẳng định hôm sau ngày tai nạn diễn ra, nhãn được bán nhiều ở chợ, vì thấy rẻ chị cũng mua một ít về ăn.
Có mặt tại chợ Quy Đạt, nhiều tiểu thương cũng khẳng định với chúng tôi, sáng hôm sau vụ tai nạn, nhãn được bày bán công khai ở chợ với giá 20.000 đồng/1kg. Nhiều người đánh xe bò và xe máy chở nhãn đến chợ bán.
Ngày 14/2, trao đổi trực tiếp với PV, Thượng tá Phạm Quang Du - Trưởng Công an huyện Minh Hóa cho biết, hiện đang điều tra làm rõ những người bê từng thùng nhãn là ai, cũng như số nhãn bê lên để mang đi đâu. Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về sự việc.
Còn về hình ảnh người đứng khoanh tay mà báo chí công bố đã công bố, ông Du cho biết cũng đang điều tra, xác minh bởi hình ảnh rất mờ, chưa nhận rõ là ai và đó có phải là công an hay không?
Chúng tôi tiếp tục thông tin về vụ việc.
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?