Hội chứng hành hạ trẻ con
Thứ hai, 18/11/2013 10:31

Người lớn sinh ra bọn trẻ, nuôi dậy chúng trước hết là vì chính họ. Vì thế, hành hạ trẻ em là phạm tội với cả trời và đất, cả quá khứ và tương lai.

Nếu không vì người lớn, thì chẳng đứa trẻ nào trên đời này muốn sinh ra (Ảnh minh họa)

Nếu không vì người lớn, thì chẳng đứa trẻ nào trên đời này muốn sinh ra (Ảnh minh họa)

Tạm thời tôi chỉ xin giới hạn đối tượng bị chính những người ruột thịt của mình hành hạ là bọn trẻ con, để vấn đề đỡ bị loang to quá khuôn khổ của một trang báo. Trước hết tôi muốn làm rõ hai khái niệm: Hành hạ và bạo hành. Bạo hành chủ yếu là dùng nhục hình làm đau đớn, thương tật người khác. Bạo hành gắn chặt với bạo lực, cụ thể ở đây là đánh đập bằng chân tay hoặc vũ khí, tra tấn bằng những công cụ gây thương tích. Còn hành hạ thì không chỉ có bạo hành, mà còn là chửi bới, nhiếc móc, làm nhục, làm tổn thương tinh thần, hành động lặp đi lặp lại khiến nạn nhân có thể phát điên hoặc tự tử. Bạo hành đôi khi mang tính bột phát, còn hành hạ là hành vi có chủ ý, được tính toán. Bạo hành, đành rằng là dã man nhưng chưa hẳn đã hết lòng yêu thương, còn hành hạ thì lòng yêu thương cạn đến đáy, chỉ còn trơ lại niềm thù hận.

Vì thế, những gì đang xảy ra mà chúng ta vẫn gọi chung là bạo hành, thì đa số đã ở mức hành hạ, tức là mức tội ác, mức nguy hiểm hơn. Sở dĩ phải làm rõ ra như vậy vì nếu không sẽ dẫn đến những lầm lẫn tai hại khác trong hành xử của xã hội và pháp luật với kẻ mắc vào những tội trên.

Có hai dấu hiệu đáng để chúng ta suy nghĩ trong câu chuyện đầy đau xót này. Thứ nhất, đa số đối tượng bị hành hạ bởi người thân của chúng là trẻ con, vị thành niên, tàn tật,… những người hoàn toàn phụ thuộc về mặt nuôi dưỡng, tức là không dám, không có khả năng chống lại hoặc tố cáo hành vi kẻ hành hạ chúng. Thứ hai, hình như càng ở những xã hội, vùng cư dân phát triển cao về đời sống, phương tiện vật chất, thì tệ nạn trên càng có đất tốt để phát triển ở mức man rợ? Có điều gì trái ngược ở đây? Bởi vì theo logic thông thường thì xã hội càng văn minh, người ta càng nhân văn, tinh tế hơn khi ứng xử với trẻ con, người già và phụ nữ. Thậm chí đó có thể xem là những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ văn hóa cao hay thấp của một cộng đồng. Vì thế thực tế vừa nêu, cũng là thực tế vẫn làm nhức nhối dư luận, đang nói lên điều gì? Không thể cứ mãi chỉ là câu hỏi,mà phải có bộ phận nào đó của xã hội được giao nhiệm vụ làm sáng tỏ này nghịch lí ấy.

Theo quan sát và suy ngẫm từ bản thân, tôi thử đưa ra mấy lý giải sau. Trước hết, liên quan đến vấn đề thứ hai nêu ở trên, tôi xin kể một câu chuyện. Lần đầu tiên tôi ăn bữa cơm tại một gia đình người Tày cách nay khoảng 20 năm. Hôm đó có thịt gà. Trước khi ngồi xuống mâm, tôi được bạn giật áo nhắc khẽ: Đừng có động đũa vào hai cái đùi và hai cái còng cánh nhé. Bấy giờ tôi mới để ý đến những thứ bạn tôi vừa gọi tên, được bày riêng trên một cái đĩa nhỏ (nếu thịt nhiều con gà hay vịt thì số còng cứ thế mà nhân lên). Suốt cả bữa ăn, chúng cứ nguyên như vậy. Rồi người nhà dọn cất đi. Về sau tôi mới biết, những thứ đó chỉ dành cho trẻ con trong nhà. Quả là gia đình ấy có một đứa trẻ, nhưng nó mới hơn một tuổi, làm sao ăn được hết 4 cái còng to tướng kia. Thây kệ, nó không ăn thì ai đó ăn, hay chẳng ai ăn cả, miễn quan tâm, nhưng người có văn hóa là không động vào, không ăn của trẻ con.

Về Hà Nội tôi kể chuyện này với giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, nói cả việc trong kho tàng ngôn ngữ của người Tày và các dân tộc thiểu số khác, không có từ chửi trẻ con. Với họ, chửi trẻ con bằng thứ ngôn từ độc ác, chuyển tải điềm gở là không thể tha thứ. Nghe xong, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến trầm ngâm giây lát rồi nói: Vì họ còn lành mạnh. Có thể diễn giải ý của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến theo cách khác là họ chưa kịp nhiễm những căn bệnh của nền văn minh. Mà thời điểm ấy còn chưa loạn chuyện hành hạ trẻ em như bây giờ. Nếu giáo sư Hoàng Ngọc Hiến sống lại và nghe được những chuyện kinh tởm báo chí ngày nào cũng đưa tin, hẳn ông sẽ không lịch lãm về ngôn từ được như khi nói câu nhận xét mà tôi vừa nêu.

Nhưng tại sao lại như vậy, tại sao càng phát triển về mặt vật chất, thì lại càng có dấu hiệu bệnh hoạn trong thái độ ứng xử? Khi tra tấn, hành hạ một đứa trẻ, đẩy nó ra đường, biến nó thành phương tiện kiếm tiền, bắt nó phải ăn uống như súc vật, thậm chí giết hại chúng… thì đấy đâu phải là hành vi của con người. Nhưng những kẻ thực hiện điều đó thì rõ ràng cũng không phải là loài vật. Thậm chí đôi ba người trong số đó còn đội trên đầu chiếc mũ trí thức mỹ miều nữa. Chuyện gì kinh khủng đang xảy ra ở đây?

Ảnh minh họa

Theo hàng loạt báo cáo, trả lời phỏng vấn của những chuyên gia, nhà quản lý, thì những nguyên nhân của tệ nạn hành hạ trẻ em chủ yếu nhấn mạnh đến tác động từ phía xã hội. Ví dụ vì phân hóa giầu nghèo khiến trẻ em bỏ nhà đi lang thang, vô tình trở thành con mồi trong các vụ lợi dụng dẫn đến ngược đãi; rồi do pháp luật chưa nghiêm, chưa cập nhật các hành vi bị khép tội hoặc do nhận thức công dân còn kém, quản lý xã hội lỏng lẻo, thậm chí do công tác thanh, kiểm tra còn hạn chế… tức là toàn những nguyên nhân mang tính kỹ thuật.

Có thể những “lỗi” quản lý đó là có thật, nhưng chắc chắn là rất không đủ khi dùng để giải thích, thậm chí giải mã một loại hành vi như kiểu hành hạ trẻ em. Chúng ta luôn phải nhớ rằng, đối tượng hành hạ và bị hành hạ phần lớn có quan hệ huyết thống gần gũi. Nhiều trong số đó là những đứa con mà kẻ hành hạ dứt ruột đẻ ra. Không phải lúc nào luật pháp, quản lý xã hội, nhận thức công dân… cũng là cần thiết với mối quan hệ gia đình bền chặt cả về huyết thống và quyền lợi như vậy. Vì thế cần phải có thêm những cái nhìn khác. Một trong những cách tiếp cận ấy là xem tệ nạn trên như hậu quả tất yếu của tư tưởng duy lợi. Trong lịch sử nhân loại, tư tưởng duy lợi nảy sinh và chi phối mạnh mẽ cái xã hội đề cao tính thực dụng và dùng tiền bạc làm thước đo các giá trị, coi việc kiếm tiền là mục đích tối thượng. Tương ứng với nó là thời kỳ chủ nghĩa tư bản man rợ. Theo đó, chỉ còn mục tiêu lợi ích là có ý nghĩa, đóng vai trò thống soái, mọi thứ khác đều là thứ cấp, bị biến thành phương tiện. Đa số những trận đòn ác hơn cả dành cho kẻ thù trút lên đứa trẻ nào đó, được thực hiện bởi chính người thân của nó, phản ánh rõ nhất sự thất bại trước hết về mặt kinh tế của gã phụ huynh-kẻ chủ mưu mù quáng. Sự biến dạng nhân cách của họ là thứ đến sau và nó về hùa với tội ác, khiến cho tội ác lạnh lùng hơn, ít cảm thấy bị cắn dứt lương tâm hơn. Bởi cái lý mà kẻ chủ mưu đưa ra là chẳng ai thương họ thì việc gì họ phải thương người khác, kể cả ruột thịt!

Rõ ràng đó là lý lẽ của những kẻ đáng ghê tởm. Nhưng điều đó không có nghĩa họ không là thứ nạn nhân đáng thương nào đó. Giờ là lúc chúng tôi quay về với vế thứ nhất của bài viết vẫn còn bị bỏ lại: Tại sao đối tượng bị hành hạ thường là những đứa trẻ bị giàng buộc bởi kinh tế, không thể, hoặc mất hoàn toàn khả năng tự vệ? Đơn giản là vì, kẻ hành hạ chúng cũng là những kẻ bị chèn ép, lép vế, thua thiệt, yếu đuối trước sự gớm ghiếc của quyền lực được tạo nên bởi tiền bạc. Bọn trẻ khi đó không chỉ bị ghét bỏ bởi không hề sinh lợi hay tệ hơn, là vật cản đường, mà còn là nơi để kẻ hành hạ nó toàn quyền tự do giải tỏa những ẩn ức bệnh hoạn bị tích tụ lâu ngày.

Tạ Duy Anh

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Hành hạ trẻ em , Bạo hành trẻ em , Làm nhục trẻ em , Đánh đập con đẻ , Vũ phu