Nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với nước ngoài tuyển sinh khá dễ dãi. Không yêu cầu ngoại ngữ đầu vào, thậm chí có người thông dịch...
Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ liên kết với với nước ngoài. (Ảnh minh họa) |
Trong vai một giảng viên ĐH có nhu cầu học tiến sĩ quản trị kinh doanh, chúng tôi đã liên hệ với Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) hỏi về chương trình tiến sĩ tại ĐH Bulacan State (Philippines). Nhân viên trung tâm tư vấn giáo dục quốc tế của ĐH này tư vấn: chương trình đã tuyển sinh rất nhiều khóa. Ứng viên theo học chương trình sẽ học tại Hong Kong hay các cơ sở của ĐH Bulacan ở Philippines hay các quốc gia khác. Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên trong suốt quá trình giảng dạy sẽ có người phiên dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt. Khóa mới sẽ bắt đầu học vào tháng 11-2013.
Quốc tế... hỗ trợ tiếng Việt
Anh H. - một học viên lớp tiến sĩ này - cho biết anh đã qua Hong Kong được bốn lần, mỗi lần ba ngày. Ai học nhanh có thể hoàn thành trong hai năm rưỡi, nếu không thì bốn năm. Trong suốt thời gian theo học tại Hong Kong đều có người phiên dịch tiếng Việt. Hiện anh H. đang làm đề cương luận án và được giáo sư của trường hướng dẫn. Anh cho biết thời gian học trực tiếp với giáo sư của trường không nhiều, chủ yếu là học viên tự học dưới sự hướng dẫn của giáo sư. Những người có khả năng tiếng Anh không tốt có thể chọn giáo sư người Việt với điều kiện giáo sư đó phải đủ tiêu chuẩn của ĐH Bulacan đưa ra.
Sau khi chúng tôi để lại email và số điện thoại, nhân viên trung tâm đã gửi thông tin về chương trình, các môn học, địa điểm học và liên tục gọi điện yêu cầu chúng tôi nộp hồ sơ. Một nhân viên tên Cường tư vấn thêm: chương trình không yêu cầu tiếng Anh đầu vào, đầu ra. Thường thì bốn tháng sẽ sang Hong Kong một lần, mỗi lần học ba ngày. Trong suốt quá trình học tại nước ngoài sẽ có thông dịch viên phiên dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho học viên. Chúng tôi đặt vấn đề, quy định của trường về việc bảo vệ luận án bằng tiếng Anh trong khi tiếng Anh của mình không tốt, nhân viên tên Cường trấn an: “Anh cứ yên tâm, chúng tôi là đại diện tuyển sinh phía Nam và đã tuyển sinh nhiều khóa rồi. Chương trình không yêu cầu tiếng Anh đầu vào và đầu ra. Nếu tiếng Anh của học viên không tốt thì có thể chọn người hướng dẫn là giảng viên người Việt. Khi bảo vệ luận án, có thể nhờ phiên dịch và phải chịu chi phí này!”.
Không chỉ Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) mà Trường ĐH Đại Nam (Hà Nội) cũng tuyển sinh chương trình tiến sĩ của ĐH Bulacan State (Philippines). Chúng tôi liên hệ với khoa hợp tác quốc tế Trường ĐH Đại Nam trong vai người có nhu cầu học tiến sĩ và được nữ nhân viên tư vấn chương trình không yêu cầu tiếng Anh, mặc dù giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng có người phiên dịch trong suốt quá trình học nên người có khả năng tiếng Anh không tốt vẫn có thể theo học. Hơn nữa, khi bảo vệ luận án, ứng viên có thể trình bày bằng tiếng Việt và có người dịch ra tiếng Anh nên cũng không ảnh hưởng gì!
Ở các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ trong nước cũng có tình trạng hỗ trợ bằng tiếng Việt. Theo thông báo tuyển sinh chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh liên kết giữa Trường ĐH Thương mại và Trường ĐH Long Hoa (Đài Loan) trên trang web của Trường ĐH Thương mại, khi tốt nghiệp, học viên sẽ được cơ quan phụ trách giáo dục Đài Loan cấp bằng thạc sĩ có giá trị quốc tế. 70% giảng viên sẽ được cử từ ĐH Long Hoa sang giảng dạy. Ngôn ngữ đào tạo là song ngữ Việt - Anh. Với những môn bằng tiếng Anh, giáo viên người Việt sẽ trợ giảng. Và đây được Trường ĐH Thương mại xem là lợi thế cho học viên khi cho rằng chương trình đào tạo có trợ giảng là giảng viên người Việt nên yêu cầu về ngoại ngữ sẽ được giảm thiểu! Tương tự, chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ của Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội với ĐH Nghĩa Thủ và ĐH Khoa học ứng dụng Cao Hùng (Đài Loan) cũng được giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng được hỗ trợ, bổ sung bằng tiếng Việt.
Nguy hiểm
Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập từng theo học chương trình tiến sĩ tại ĐH Bulacan cho biết mục đích của ông khi theo học chương trình này là để làm công tác quản lý bởi pháp lý đòi hỏi như vậy. Bản thân bằng cấp không sai, cách đào tạo của trường cũng không sai, vấn đề ở chỗ mục đích sử dụng tấm bằng đó. Nếu sử dụng tấm bằng để có vị trí nào đó thì có thể chấp nhận, còn việc sử dụng bằng tiến sĩ ấy để đi dạy là vấn đề khác, rất đáng lo. Quan trọng là đơn vị sử dụng lao động đánh giá thế nào, chấp nhận hay không chấp nhận tấm bằng đó. Hiện nay nhiều trường ngoài công lập chỉ cần người có bằng tiến sĩ là họ nhận, một mặt để nâng “chuẩn” giảng viên, một mặt để mở ngành hay tăng chỉ tiêu.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Vang - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ GD-ĐT - cho rằng với một chương trình đào tạo tiến sĩ như vậy, những người sử dụng tấm bằng tiến sĩ đó để làm công tác giảng dạy sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ sinh viên sau này. Với các chương trình liên kết trong nước, ông Vang tư vấn khi lựa chọn chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, người học trước hết phải xem chương trình liên kết hoặc các cơ sở đào tạo của nước ngoài tại VN đã được cấp phép chưa, ai cấp phép, đối tác VN và nước ngoài như thế nào? Các vấn đề cần lưu ý nữa khi lựa chọn là các yêu cầu đầu vào của chương trình như thế nào. Nếu dạy bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch và bằng do nước ngoài cấp thì hết sức cảnh giác.
“Kiên quyết không theo học các chương trình liên kết đào tạo do nước ngoài cấp bằng nhưng được thực hiện bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch. Quá trình tổ chức thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định cũng là cơ sở để Bộ GD-ĐT công nhận văn bằng của nước ngoài cấp cho người VN theo học các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Những chương trình cấp phép và thực hiện sai so với quy định tại nghị định 73 của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục sẽ không được công nhận văn bằng” - ông Vang nhấn mạnh.
Mẫu bằng tiến sĩ của ĐH Bulacan State do Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) gửi cho người tìm hiểu về chương trình và các thông tin quảng bá chương trình của các trường
Điều kiện hết sức dễ dãi
Hiện nhiều trường ĐH, CĐ thực hiện chương trình liên kết do nước ngoài cấp bằng ĐH, CĐ với điều kiện hết sức dễ dãi. Chỉ cần tốt nghiệp THPT, không yêu cầu ngoại ngữ đầu vào, chỉ cần học bổ sung ngoại ngữ là nghiễm nhiên trở thành sinh viên quốc tế. Giảng viên người Việt giảng dạy chiếm khoảng 50% chương trình. Theo quy định tại điểm 3 điều 12 nghị định 73, ngôn ngữ sử dụng giảng dạy các môn chuyên ngành trong liên kết đào tạo để cấp bằng nước ngoài là ngoại ngữ, không giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch. Có thể giảng dạy thông qua phiên dịch đối với các chương trình liên kết đào tạo để cấp văn bằng, chứng chỉ của VN.
Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?