Học sinh cần gì ở giáo viên?
Thứ sáu, 07/02/2014 04:54

Đồng cảm, hiểu được học trò là cơ sở hình thành ở giáo viên tấm lòng nhân hậu, khoan dung và vị tha. Từ đó, giáo viên có cách hành xử đầy tính nhân văn.

Phụ huynh rất hào hứng với nghiên cứu của nhóm cộng sự của TS Huỳnh Văn Sơn

Phụ huynh rất hào hứng với nghiên cứu của nhóm cộng sự của TS Huỳnh Văn Sơn

“Học sinh nào cũng có quyền có giáo viên tốt. Hiểu tâm lý lứa tuổi, hoàn cảnh sống của từng học trò để có cái nhìn, chia sẻ tâm lý hơn, giúp học trò của mình vượt qua mọi trắc trở của cuộc sống ngay lúc đang chớm trưởng thành”.

Đây là đúc kết từ cuộc khảo sát học sinh THCS tại TP.HCM do nhóm nghiên cứu tâm lý học sinh của TS Huỳnh Văn Sơn tại Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt thực hiện.

Cũng theo khảo sát này, đa phần giáo viên cho rằng: “Lâu nay mình không để ý tâm tư học sinh, sẽ cố gắng thay đổi để gần học trò mình hơn”, còn học sinh thì cho biết: "có nhiều thầy cô tốt lắm, dạy tụi con bằng cả trái tim”.

Đòi hỏi từ học trò...

Trần Bạch Trâm Anh, học sinh lớp 7A2 - Trường THCS Lý Phong, quận 5, nêu: Thầy cô cứ dạy những kiến thức xoay quanh SGK khiến tụi con nhàm chán và làm việc riêng, nói chuyện trong giờ học là điều không tránh khỏi.

Chúng con muốn thực hành thực tế sau những giờ học để chúng con phát huy, sáng tạo những điều đã học trong sách chứ không phải là làm bài tập.

Thầy cô hãy bớt bài tập lại để cho chúng con thở và có thời gian vui chơi để cân bằng chuyện học giữa các môn, không chỉ tập trung học những môn thi mà thôi.

“Con cũng có cô Ngân dạy Anh văn nè, giờ học của cô lớp con thật thích thú, trước đây con ám ảnh những khi học Anh văn, nào là từ vựng, công thức câu nhiều vô kể, con sợ! Nhưng từ khi học với cô Ngân con thấy hứng thú hẳng lên. Qua câu chuyện trong  sách, cô giải thích giảng nghĩa cho học sinh những điều lý thú từ cuộc sống qua các câu, từ tiếng Anh. Giờ học của cô chúng con ai cũng trở thành “diễn viên nhí” tiềm năng từ những buổi nói chuyện đóng vai”, Trâm Anh chia sẻ.

Theo Trâm Anh, người thầy tốt là phải biết và nắm rõ những ưu khuyết điểm của từng học sinh để phát huy và khắc phục dần hơn là cho bài tập quá nhiều đặt tụi con vào một khuôn khổ.

Còn bạn Trần Thị Thùy Dung, chia sẻ: Thầy cô tốt là thầy cô biết yêu thương học trò, kể cả học trò cá biệt, học kém, ngỗ ngược… thầy cô phải gần gũi chia sẻ để giúp các bạn đó vượt qua hơn là lên lớp hết giờ là xong.

Thầy cô tốt họ coi sự trưởng thành, sống tốt của học trò như một lẽ sống của mình.

hoc-sinh-1

HS tiểu học cũng cần giáo viên hiểu những suy nghĩ riêng tư, hoàn cảnh gia đình, chia sẻ những khó khăn trong học tập 

Đồng tình với Dung, bạn Trương Quỳnh Như, trải lòng: Em có học một cô giáo, cô ấy giảng bài rất hay, chuyên môn của cô giỏi, những hoạt động của cô trong tiết học cả lớp thích thú.

Nhưng theo cảm nhận của Dung, cô chưa quan tâm đến em nhiều, cô không muốn gần gũi chia sẻ với em. Học sinh thì ai mà chẳng bao giờ mắc sai phạm, thay vì cô tế nhị, khéo léo khuyên bảo trong những giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Nhưng không, cô dùng những lời lẽ không hay làm tổn thương học trò mình.

“Cô đừng biến tiết sinh hoạt chủ nhiệm thành những giờ trừng phạt học trò mà hãy là những giờ chơi, tổ chức trò chơi tập thể để chúng con thư giãn sau một tuần học tập mệt mỏi”, Dung mong muốn.

... Và giáo viên lên tiếng

Cô Trương Thị Kim Chi, Khối trưởng chủ nhiệm khối 7- Trường THCS Lý Phong, quận 5, phân tích: Tôi tin rằng đồng nghiệp chúng tôi khi đã chọn nghề giáo thì ai cũng có tấm lòng, muốn học trò mình học tốt, thành đạt.

Nhưng có một điều chúng ta mạnh dạn nhìn lại chính mình đã có những lúc chúng ta không đủ bình tĩnh và kiên nhẫn trong cách ứng xử với học trò.

Chúng ta đã lấy cái quyền của người lớn, áp đặt và đòi hỏi các em thực thi. Thực tế là giáo viên chúng tôi cũng hay than vãn, lớp này, lớp kia học trò không chịu học, lười.

Có khi nào giáo viên tự đặt câu hỏi, tại sao các em học tiết học của mình không muốn học, không ngoan chưa? Chúng ta tức giận khi các em chưa hoàn tất bài tập về nhà, nhưng có bao giờ giáo viên chúng ta tìm hiểu sâu về hoàn cảnh em đó, sau giờ học làm gì không?...

Còn rất nhiều tình huống khác nữa, nhưng ít thấy đồng nghiệp tự vấn “học sinh cần gì ở chúng ta”.

Cô Chi rớt nước mắt khi kể về câu chuyện mà cô vô tình chứng kiến, một học trò của mình không làm bài tập môn học mà cô cho về nhà, cô đã la rầy em.

“Sau giờ dạy, trên đường về tôi đi ngang qua đường Lê Hồng Phong, chợt thấy một học sinh mặc đồng phục trường mình, và tôi đi chậm lại và dừng xe hẳn thì đó là học sinh của lớp mình dạy.

Tôi quan sát coi em làm gì ở đây, thì ra em ôm một chồng tô cao tới ngang mũi để rửa, hỏi ra mới biết mẹ em bán hủ tíu dạo gần đây, phụ mẹ sau giờ học.

Khi ấy mắt tui cay xè, buồn và hối hận, vì hôm qua em đã không thuộc bài môn tôi dạy và cũng không làm bài tập, bị tôi la rầy ngay trong lớp mà chưa hiểu lý do”, cô Chi kể lại.

Từ câu chuyện này, cô Chi rút ra kinh ngiệm, đừng bao giờ lơ là học trò khi các em mắc lỗi trong học tập.

hoc-sinh-2

Bước vào tuổi trưởng thành học sinh THPT càng cần giáo viên hiểu và gần gũi mình hơn 

Cô Trần Thu Hoài, chủ nhiệm khối 8, chia sẻ: Giáo viên tốt phải là người đồng cảm trong giao tiếp với học sinh, nắm bắt được suy nghĩ, tình cảm, hành động, biết cách chia sẻ nỗi niềm trong học tập và đời sống của các em.

Đồng cảm, hiểu được học trò là cơ sở hình thành ở giáo viên tấm lòng nhân hậu, khoan dung và vị tha. Từ đó, giáo viên có cách hành xử đầy tính nhân văn.

Motthegioi.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Học sinh , Giáo viên , Học sinh cần gì ở giáo viên , Giáo dục , Quan hệ thầy trò