Nằm trong Vùng hồ Đại Lải là những khoảng không gian xanh trải rộng trên 123 ha, được bao quanh bởi 500 ha mặt nước và 10.000 ha rừng tự nhiên.
Nơi đây được thiên nhiên ban tặng phong cảnh non nước hữu tình, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Khu du lịch Không gian xanh Đại Lải có địa hình cảnh quan độc đáo và từ lâu đã trở thành một điểm đến cuối tuần thu hút được sự chú ý của rất nhiều người.
Hòa mình vào không gian xanh khoáng đạt này, ít ai biết được rằng, xưa kia, vùng hồ Đại Lải là một thung lũng cằn cỗi nằm giữa một bên là dải núi Thằn lằn, một bên là các quả đồi trọc trải dần ra từ phía chân dãy Tam Đảo. Mùa mưa lũ, nước ở các con suối chảy dồn về như thác, nhưng đồng thời lại rút đi rất nhanh, cuốn trôi theo phù sa màu mỡ, làm cho đồng ruộng bị xói mòn, đất đai bạc màu vì khô cằn. Và để có nước phục vụ tưới tiêu trong vùng, hồ Đại Lải đã được khởi công đào từ năm 1959. Nhưng mãi đến năm 1984, khi những mảng đồi trọc được phủ xanh, vùng hồ Đại Lải mới được đưa vào khai thác du lịch.
Nhờ bàn tay kiến tạo của con người, sau nhiều năm, từ một vùng đồi núi trọc hoang vu cằn cỗi, giờ trở thành những mảng xanh khoáng đạt với không khí trong lành, khá phù hợp với những hoạt động thể thao giải trí đa dạng cho cả người lớn và trẻ em.
Cho đến nay, vùng hồ Đại Lải với diện tích hồ nhân tạo 5,25 km², không chỉ góp phần vào việc cải tạo cảnh quan môi trường nước, ngăn xả lũ cho toàn bộ khu vực này, mà hồ Đại Lải còn đảm trách một nhiệm vụ quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 2000 ha đất canh tác của thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cùng 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn Hà Nội.
Đến vùng hồ Đại Lải và hưởng thụ những không gian xanh nằm ngay chân núi Tam Đảo này, không chỉ những căng thẳng âu lo sau một tuần làm việc của mỗi người có thể được trút bỏ mà sẽ còn có thêm một cảm nhận sâu sắc khác. Đó là sự cảm phục sức mạnh của những bàn tay khối óc đã biến đổi một vùng đất cằn cỗi trở thành một địa danh du lịch đáng nhớ.