Hậu kỳ thi ĐH - CĐ 2013: Lỗi đâu chỉ ở các em?
Thứ hai, 22/07/2013 08:36

Ngay cả con số thí sinh tham gia dự thi cũng chưa đạt tới con số 80% đã đủ để thấy, chúng ta đã lãng phí bao nhiêu tiền bạc, công sức chuẩn bị cho mỗi lần thi.

Sĩ tử từ các tỉnh về thủ đô dự thi

Sĩ tử từ các tỉnh về thủ đô dự thi

Mỗi một mùa thi đến rồi đi là một lần cuộc sống thường nhật của không ít gia đình, nếu không muốn nói của một bộ phận không nhỏ cư dân bị đảo lộn theo nhịp trống trường thi. Một sĩ tử lên đường kèm theo ít là một người trong họ. Người có họ hàng, bè bạn thân tình nơi các cháu dự thi, dù đỡ hơn một chút đấy, nhưng chẳng lẽ bao năm giờ mới có dịp đưa cháu lên thành phố lại không có con gà, cân gạo xách lên gọi là một chút quà quê. Còn người chẳng họ hàng thân thích gì với ai đúng chỗ con cháu mình đến thi, ai may mà gặp được các cháu thanh niên tình nguyện, rồi mấy tổ tự nguyện của các cụ, hay của hội phụ nữ thì đỡ vất vả hơn. Thương nhất là mấy bác nhà đã nghèo lại bị ngay đám lừa đảo thường đứng đông đặc mấy nhà ga, bến xe lôi đi, thế là tiền mất bằng sạch, đến nỗi con cháu không còn đâu tâm trí để dự thi, đành bỏ dở ngang chừng.

Còn với các cậu ấm, cô chiêu vốn dĩ chỉ lo đốt tiền của bố mẹ hơn là lo nâng cao vốn hiểu biết của mình, đúng là mấy cháu mà đi thi đại học thì thanh thản thật. Bởi, hình như các cháu đã luôn được các cụ trong họ dạy rằng: Không phải lo chỗ đi làm. Nhưng nếu muốn ấm thân hơn thì phải gắng mà đỗ đại học. Phải lên được “tàu”. Xuống “ga” nào là việc của gia đình, dòng họ .

Hạng sĩ tử có điều kiện như thế mà còn bị áp chế đến nơi đến chốn, chỉ anh chị nào thuộc diện bất cần mới không thèm cố gắng. Hơn nữa, như các cụ dạy, từ ngày cơ chế thị trường mở bung ra, thiếu gì các trường đại học để lựa chọn thi. Học loàng xoàng chứ gì? Không được đăng ký dự thi vào các trường như: Y, Dược, Bách khoa, Tổng hợp… Cứ trường dân lập mà đăng ký. Thậm chí, hỏi mấy bác trong họ xem trường nào mấy năm nay bói không ra sinh viên thì đăng ký ngay vào đấy. Cứ học đi, dăm năm nữa tốt nghiệp, đã có tấm bằng đại học trong tay rồi, vào đâu chả được. Bao nhiêu anh chị con mấy chú, mấy bác được xếp trong danh sách “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” ngày xưa học hành phá phách thế nào. Bây giờ thử xem có anh chị nào không được làm từ cỡ tổ trưởng trở lên chưa? Không đỗ đại học thì vào cao đẳng rồi lại phấn đấu tiếp. Đi kiểu này thì phải vòng hơi xa, thậm chí vừa mất sức vừa tốn nhiều thứ hơn là cái chắc. Các cụ thì dạy thế, còn các cô chiêu, cậu ấm này quả thực cũng soi từ gương anh chị mình ra, như thế dại gì mà không đăng ký dự thi xoàng cũng vài trường?

Nhưng nói thế thôi, ngoài lớp sĩ tử kiểu cậu ấm cô chiêu ấy, không ít thí sinh tham dự các kỳ thi này với mong muốn khẳng định ý chí và tài năng thật sự của mình. Bao nhiêu năm đèn sách. Bao nhiêu công sức của mẹ cha nuôi nấng, dạy dỗ, chăm lo. Tiền bạc là một nhẽ, nhưng ở đời tiền bạc đã đâu có thể làm nên danh giá. Hơn nữa, ở trong làng, trong xã các em học có kém ai, cũng đội tuyển nọ, giải thưởng kia nên chuyện dứt khoát phải quyết dự thi vào đại học này hay cao đẳng kia, âu cũng là lẽ đương nhiên. Với lớp thí sinh như thế, không một bậc phụ huynh nào lại ngăn cản ý chí tiến thủ của con mình. Thậm chí, ngay cả với xã hội, chắc không ai không nhiệt tình cổ vũ, động viên các em vượt qua mọi khó khăn để đến với kỳ thi đầy thử thách này.

Tuy nhiên, không biết đấy có phải là số đông sĩ tử không, khi mà chính họ tham dự các kỳ thi này nhưng xem ra họ đi thi chỉ để chứng minh rằng, họ đã đủ điều kiện để dự thi đại học. Và rằng, dẫu thi vào đại học khó thật đấy, nhưng biết đâu đi “câu” lại ăn may nếu vớ được ông giám thị thương người cùng anh bạn ngồi bên tốt tính cho nhìn bài thoải mái?

Một kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nữa đã qua. Ngay cả con số thí sinh tham gia dự thi cũng chưa đạt tới con số 80% đã đủ để thấy, chúng ta đã lãng phí bao nhiêu tiền bạc, công sức chuẩn bị cho mỗi lần thi tuyển thế này. Chẳng lẽ, con đường đi lên phía trước của các em, các cháu đã hoàn thành chương trình phổ thông trung học chỉ duy nhất là phải lọt được vào bất kỳ trường đại học nào? Lỗi ấy chẳng lẽ chỉ riêng của các em, nếu chính các em biết được rằng, hiện còn bao nhiêu anh chị các thế hệ trước dù đã tốt nghiệp đến mấy bằng đại học giờ vẫn chưa có việc làm? Và, có biết bao nhiêu ngành nghề cần những người thợ bậc cao, nhưng tìm mỏi mắt bao trường đều không có!

Có lẽ, không chỉ các bậc phụ huynh, mà nhà trường nơi các em theo học những năm cuối cấp, cũng như các tổ chức đoàn thể nơi các em sống, nên chỉ cho các em rõ hơn cần làm gì khi khả năng của mình có hạn. Và thêm nữa, những tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức nếu được làm thường xuyên, làm một cách công khai, minh bạch, chắc chắn sẽ tạo niềm tin cho các em ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, niềm tin về một môi trường xã hội lành mạnh.

Petrotimes.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Thí sinh , Thi đại học , Tuyển sinh 2013 , Hà Nội , Dự thi , Điểm thi đại học 2013 , Quy chế thi , Đáp án thi đại học 2013