Hà Giang, mảnh đất địa đầu Tổ Quốc chất chứa bao nhung nhớ của những người đã, đang hoặc sắp đặt chân đến nơi này. Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh hay Sủng Là, Sà Phìn, Mã Pì Lèng, Sơn Vĩ, Du Gìa - những cái tên thân thuộc đủ sức mạnh để vẫy gọi nỗi nhớ thành những chuyến đi.
Dưới đây là những hình ảnh độc giả chia sẻ với những người cùng có tình yêu với mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Những con đường mềm mại uốn lượn men theo sườn núi trong chặng đường đầu tiên lên cao nguyên đá.
Cao nguyên đá - tầng tầng lớp lớp đá tai mèo xám cao ngang lưng trời. Người Mông sống ở đây, chế ngự chúng một cách vất vả nhưng đầy kiêu hãnh. Để sống, để thổi đàn môi dưới tán đào bên hàng rào đá cho nhau nghe mỗi đêm xuân và sinh ra những em bé tươi cười vẫy tay chào trên mọi đoạn đường chúng tôi đi qua...
Sông Miện - dòng sông mềm mại ngọt ngào chảy giữa cao nguyên đá, trên cung đường nối Yên Minh và Quản Bạ, góp phần mang lại cuộc sống đầm ấm, trù phú cho người Mông.
Mã Pì Lèng - tên tiếng Mông là Sống Mũi Ngựa - con đèo cao, hiểm trở bậc nhất miền Bắc với cảnh sắc tuyệt vời nằm trên cung đường Hạnh Phúc nối Đồng Văn và Mèo Vạc là một trong những điểm đáng chinh phục nhất ở Hà Giang.
Vẻ mỏng manh, yêu kiểu của hoa Tam giác mạch - loài cây lương thực được đồng bào Hà Giang trồng trong những ngày đông.
Em bé người Mông trên đèo Mã Pì Lèng.
Thung lũng êm đềm trên cao nguyên đá.
Một bông hoa dại dưới chân cột cờ Lũng Cú cũng để lại nỗi lưu luyến khôn nguôi.
Nếp nhà Mông cổ 80 năm tuổi với cây đào, bờ rào đá và cánh cổng gỗ ở Sủng Là - nơi được lựa chọn là bối cảnh chính bộ phim nổi tiếng Chuyện của Pao.
Bà dạy cháu học trước hiên nhà.
Hoàng hôn cao nguyên đá. Mỗi con đường đều có nhiều ngã rẽ, nhưng ngã rẽ nào cũng hướng về trái tim.
Tạm biệt cao nguyên đá trong một buổi hoàng hôn tím, êm đềm và lãng mạn, trong tim tôi không thể không ngân nga những câu thơ:
Đường lên non cao xa ngái
Nhà trên non cao vời vợi
Người lên non cao
Rơi mất lòng mình
Trên lối về...