GS Bùi Minh Đức: 'Việt Nam và Mỹ đều là quê hương tôi'
Thứ ba, 18/11/2014 09:02

'Đây là giai đoạn toàn cầu hóa, Việt Nam cũng là quê hương tôi, California cũng là quê hương tôi. Tôi là dân Mỹ, tôi cũng là dân Việt Nam', Giáo sư Bùi Minh Đức chia sẻ.

GS-BS Bùi Minh Đức: 'Việt Nam là quê hương tôi, Mỹ cũng là quê hương tôi'

GS-BS Bùi Minh Đức: 'Việt Nam là quê hương tôi, Mỹ cũng là quê hương tôi'

Thưa bác sĩ, ở tuổi xưa nay hiếm, bác sĩ vẫn cùng vợ đi khắp thế giới; và chúng ta có may mắn được trải nghiệm trên sông Volga, Matxcơva đến Saint Petersburg do Công ty Focus Travel tổ chức. Vậy theo bác sĩ, điều gì là thú vị nhất trong hành trình du lịch như thế này?

Theo tôi, thú vị nhất là được làm quen, làm quen những người xung quanh mình, mình được thiết lập quan hệ con người với con người. Ngoài ra, chuyện khám phá con người là quan trọng vô cùng, tôi khám phá anh, tôi khám phá “chị nhà”, tôi khám phá được anh Thành, anh Linh… đó là những thế giới mà tôi chưa bao giờ biết.

Đến 80 tuổi, anh vẫn học hỏi anh ạ, đó là một khía cạnh mà tôi thích - con người. Thứ hai nữa là thiên nhiên, thiên nhiên ngắm hoài cũng chán lắm, nhưng có người cùng ngắm thì vui hơn. Một vài người mà tôi không thích thì tôi không liên lạc, thế thôi, có gì đâu mà sợ.

Bác sĩ có thể nói gì về tour này, tour do Focus Travel tổ chức, đưa ta đi trên sông Volga?

Trước hết, nói về nhân sự, anh Hiếu (doanh nhân Đặng Bảo Hiếu - Chủ tịch Focus Travel) là một người rất có tầm vóc, một doanh nhân có tầm vóc về du lịch. Tôi thấy anh tổ chức được cái này mới nhưng tôi hi vọng phổ biến ra, ví dụ họ lấy 2.000 đô la thì anh lấy 1.500 đô la, ví dụ vậy, để nhiều người Việt Nam cũng có thể theo kịp, làm sao để có thể phổ thông hóa nó.

Thứ hai, tôi thấy đội ngũ nhân viên của anh cũng được. Tôi liên lạc với cô Chín ngoài Hà Nội, cô Hương… Đó toàn là những người mới cả và tôi biết là những người làm du lịch ở Việt Nam phần lớn đi học ở Nga về. Họ nắm giữ chức vụ cao hết nhưng họ sắp về hưu rồi. Phải có một thế hệ khác năng động hơn, hiểu biết hơn, thay thế; có thể học ở Mỹ, ỏ Pháp để giúp cho ngành du lịch Việt Namtiến hơn. Đó là cái tôi muốn.

Cả hai vợ chồng bác sĩ qua lại giữa Mỹ và Việt Nam vài lần mỗi năm, vậy quê hương trong suy nghĩ của bác sĩ như thế nào ạ?

Anh ơi, tôi nói tôi về Việt Nam là anh biết rồi! Quê hương của tôi là Việt Nam. Nhưng bây giờ, ở đây tôi nói bao giờ mình qua lại Mỹ, "về" chứ không phải là "đi" Mỹ, vì ở đó cũng có một gia đình, tổ ấm, hạnh phúc của tôi.

gs-bui-minh-duc-1

Giáo sư Bùi Minh Đức luôn coi Mỹ là quê hương thứ hai của mình

Thành ra đây là giai đoạn toàn cầu hóa, Việt Nam cũng là quê hương tôi, California cũng là quê hương tôi. Tôi là dân Mỹ, tôi cũng là dân Việt Nam. Tôi chỉ mong 2 bên không bao giờ đánh nhau nữa, vì rất là khó nghĩ, nhưng tôi mong và nghĩ là không đến…

Vâng! Câu hỏi cuối cùng, thưa bác sĩ, 80 năm được sống trong kiếp người, điều bác sĩ mãn nguyện nhất là gì?

Trước hết là về đàn cháu, cũng là gen của mình, mình biết chúng sẽ là những người hữu ích cho xã hội, xã hội Mỹ và xã hội Việt Nam. Tôi nói xã hội Mỹ vì các con cháu tôi đang sống ở Mỹ.

Điều tôi thích thú nữa là nước mình có rất nhiều tài nguyên, tôi cũng mong dân Việt Nam bước ra ngoài thế giới sẽ hiểu biết hơn, tận dụng những tài nguyên sẵn có để làm giàu, làm đẹp cho đất nước Việt Nam!

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

(*) Nhân dịp Báo chí đăng bài phỏng vấn GS-BS Bùi Minh Đức, BS Lương Hồng Châu - học trò của giáo sư, đã gửi email tới ông và giáo sư Bùi Minh Đức cũng có đôi lời chia sẻ cùng tòa soạn. BBT xin trích lại hai bức thư của BS Lương Hồng Châu và GS-BS Bùi Minh Đức.

Thư của BS Lương Hồng Châu và GS-BS Bùi Minh Đức:

Thưa hai bác!

Vừa rồi con có nhiều việc bận quá nên chưa kịp viết thư cho hai bác.

Con đã đọc bài phỏng vấn hai bác và rất tự hào, hai bác đã góp phần làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam có nhiều nhà khoa học tài năng, nhưng để lại một dấu ấn, một kỹ thuật mang tên người Việt là vô cùng hiếm có.

Mười bảy năm về trước, năm 1997 con tham dự Hội nghị quốc tế tại Sydney và may mắn được nghe bác trình bày về nội soi tai, một kỹ thuật rất mới, một sáng kiến mới, lúc đó rất nhiều nhà khoa học thích thú, ngạc nhiên và tán dương. Con không nhớ đó là lần trình bày thứ mấy của bác nữa.

Năm 1998 con được hai bác giúp qua Mỹ học, được chứng kiến hằng ngày cùng với việc khám chữa bệnh, bác lại tiếp tục làm khảo cứu, phát triển kỹ thuật nội soi tai và dạy con kỹ thuật mổ nội soi tai. Trở về Việt Nam năm 1998, con cố gắng thử làm phẫu thuật nội soi tai, nhưng không được ủng hộ, chỉ vì trong nước không ai biết về kỹ thuật này! Sau này nhờ hai bác giới thiệu phẫu thuật nội soi tai tại các hội nghị trong nước, nội soi tai sau này đã phát triển.

Chặng đường gần hai mươi năm đã minh chứng cho phẫu thuật nội soi tai là một phẫu thuật đầy sáng tạo, giúp cho phẫu thuật viên có thêm một phương pháp mổ mới và đặc biệt khắc phục được những nhược điểm của phẫu thuật qua kính.

Đến bây giờ mọi người đều công nhận những lợi ích của phẫu thuật nội soi tai. Ở Việt Nam, nó đã trở thành phẫu thuật hằng ngày ở các bệnh viện, từ bệnh viện các tỉnh thành đến trung ương, hơn nữa phẫu thuật nội soi tai cũng được phát triển trên toàn thế giới. Đó cũng là niềm tự hào của người Việt. Con cũng rất muốn cảm ơn phóng viên đã viết bài phỏng vấn hai bác và chia sẻ thông tin với mọi người.

Con kính chúc hai bác sức khỏe!

Con,

BS Lương Hồng Châu

Kính gửi các anh/chị!

Hôm nay, vài kỷ niệm ngày xưa bỗng nhiên đến lại với tôi.

Xin gửi các anh thư của GS Lương Hồng Châu, Trưởng Khoa Tai học tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, là học trò cũ của tôi khi qua Mỹ và đã được huấn luyện đầy đủ về phẫu thuật tai do tôi và GS danh tiếng William House tại Los Angeles đích thân dạy dỗ.

Và vị GS Lương Hồng Châu cũng là người đại điện cho bộ môn Tai Mũi Họng của Việt Nam đi dự các Hội nghị Quốc tế về Tai Học.

Năm 1998, lúc về nước, BS Châu cũng đã áp dụng ngày Kỹ thuật Nội soi Tai tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng mãi đến vài năm sau, GS Phong và toàn ngành bác sĩ Tai Học tại Bệnh viện Bạch Mai mới có thể áp dụng hoàn toàn kỹ thuật mổ nội soi tai của tôi trong các ca mổ về tai.

Ngày nay thì tất cả các cuộc phẫu thuật tai tại Bệnh viện Bạch Mai đều đã làm với nội soi theo phương pháp của tôi. Vài GS bên Pháp và đại điện Tai học của vài nước khác hồi đó như Nam Dương, Phi Luật Tân và Arabie Seoudite cũng muốn mời tôi qua nước họ truyền dạy phương pháp này riêng cho ban giảng huấn của họ, nhưng vì bận việc quá nên tôi phải từ chối vì không có thời giờ đi được mà chỉ có thể trình bày tại các hội nghị chuyên ngành Tai học mà thôi.

Tôi cũng tiếc chuyện này vì đã không có dịp để “đem chuông đi đánh xứ người”. Bên Pháp ngày nay, Phẫu thuật Nội soi Tai đã được các bệnh viện Đại học áp dụng hàng ngày.

Một thời hăng say của tôi đã đi qua. Giai đoạn đó tôi làm bốn chuyện cùng một lúc: Vừa khám bệnh tại phòng mạch, vừa làm khảo cứu về kỹ thuật nội soi tai, phẫu thuật nội soi tai và đem đi trình bày tại các Hội nghị Quốc tế; vừa làm Từ điển tiếng Huế, ấn bản thứ 3, vừa mời các GS Mỹ và ngoại quốc rồi đưa họ về Việt Nam hàng năm dạy cho các bác sĩ Tai – Mũi – Họng Việt Nam, từ năm 1993 đến nay cũng đã được 20 năm rồi.

Cho đến tối khi ngất xỉu tại bàn ăn trong khi đang ngồi ăn với các bác sĩ khác mới biết là mình đã làm việc quá nhiều trong những năm tháng vừa qua, nên vì thế, nhà tôi bắt buộc tôi phải đóng cửa phòng mạch và bắt tôi phải về hưu ngay lập tức để tĩnh dưỡng! Đó là năm 2006! Về Việt nam để tĩnh dưỡng, rảnh rỗi tôi lại quay ra viết sách về văn hóa Huế, nay cũng đã được thêm 6 quyển sách, ngoài quyển Từ điển tiếng Huế lên đến ấn bản thứ ba, 2.000 trang, gồm 2 quyển Thượng và Hạ.

Lâu ngày quá rồi, nay qua bài viết này của Báo điện tử Gia đình Việt Nam mới có dịp nhắc lại câu chuyện ngày xưa, tôi bổi hổi bồi hồi nhớ lại giai đoạn thách thức đã qua trong cuộc đời của mình và xin chia sẻ cùng với các anh chị.

Kính thư,

BS Bùi Minh Đức

9381 Shadwell Drive, Huntington Beach, California, 92646, USA.

Giadinhonline.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: bac sy bui minh duc , giao su , nha giao , tin , bao