Linh xinh, hát hay, đã sang Thái phẫu thuật chuyển giới, nhưng vẫn chưa dám làm đám cưới.
|
Linh trả lời phỏng vấn. Ảnh: N.A.
Hát đám ma không lương
Trong giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, mục giới tính của Linh được ghi là "nam", nhưng Linh hiện có mái tóc dài đến lưng, ngực, mông nở, son phấn điệu đà. "Mới rồi em đi xin lại chứng minh thư, ban đầu người ta không làm, bảo em người thì nữ mà chứng minh cấp là nam thì không được. Nhưng sau rồi cũng cấp là nam, bởi theo khai sinh em là nam giới", Linh kể. Khi đi máy bay, người ta cứ nhìn Linh, tò mò, rồi cũng cho đi. "Đàn ông gì mà…", Linh thường nghe nhận xét như vậy.
Linh tâm sự: "Em không thể lập gia đình, mặc dù em đã đi Thái để chuyển giới. Chứng minh thư mình là nam thì không thể kết hôn với một người nam được. Em cũng không thể nào xin chuyển đổi giới tính của mình trong chứng minh thư thành nữ, vì không ai chấp nhận làm việc đó cho em". Năm nay Linh hơn 30 tuổi, "nhan sắc" trông rất khá, dáng cao, da trắng, hát hay. Linh nói: "Tìm người yêu cũng dễ, nhiều người thích em, nhưng để có một tổ ấm thì điều khó khăn nhất là kinh tế. Làm gì để mà nuôi nhau? Bộ dạng em vừa nữ vừa nam thế này, xin việc ở đâu họ cũng không nhận. Em chỉ sống bằng nghề hát đám ma không lương, hát hay thì người ta thương, cho tiền. Có đám hát gần thâu đêm mà họ cho được ba chục ngàn bạc, không đủ tiền xăng xe". Có đám ma thuê ban nhạc pê đê biểu diễn với thù lao một vài triệu đồng, nhưng cũng chỉ đủ trang trải chi phí loa, máy. Người hát sống nhờ lòng hảo tâm của người đi đám. "Bọn em đi hát mỗi đám có cả chục đứa, tiền người đi đám cho chia đều ra, chỉ được dăm chục bạc mỗi đứa thôi", Linh nói.
Theo Linh, giới nhạc pê đê có nhiều mối tình kéo dài bảy năm, chục năm. Họ phân vai vợ chồng, người lo việc này, người lo việc nọ. "Cùng ngành nghề dễ đến với nhau", Linh bảo. Tuy nhiên, Linh nói không muốn làm đám cưới, vì tốn kém và không được công nhận. "Họ chẳng bao giờ công nhận chúng tôi là một cặp vợ chồng mà chỉ nói là bọn pê đê ở với nhau", Linh than.
"Cá nhân tôi cho rằng, hôn nhân đồng tính tại Việt Nam cần được thừa nhận trong tương lai gần như một xu thế tất yếu, khi định kiến xã hội không còn gay gắt. Người đồng tính cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc, được sống là chính mình. Việc quy định "không thừa nhận" hôn nhân đồng tính vô hình chung đã khiến hành vi, tình trạng của họ không được công nhận, bảo hộ và điều chỉnh. Điều này có thể gây ra những hệ lụy xấu về mọi mặt cho bản thân họ, cho gia đình và xã hội mà chúng ta không lường trước được" .
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch, Hội Luật gia TPHCM
Khác với Linh, không ít người nom bề ngoài giống nam giới nhưng mang tâm hồn nữ giới. Nam là một sinh viên ở TPHCM, tóc hoe vàng, người tròn, mặc đồ mềm hơi bó, giọng nói nhẹ nhàng, nhìn bên ngoài khó biết Nam là người đồng giới. Nam nói: "Anh người ngoài không biết, chứ trường em và nhiều trường khác không ít bạn giống tình cảnh như em, từ lúc sinh ra đã nghĩ mình là con gái và từ khi nhận biết được giới tính thật của mình, em đã biết mình là một người phụ nữ mang hình hài đàn ông".
Ngoài đi học, Nam còn thiết kế thời trang. Bạn bè của Nam cũng kiếm công ăn việc làm khá dễ dàng, được người khác tôn trọng. Những người như Nam khá kín đáo, ít khi bộc lộ giới tính thật của mình khi gặp đúng đối tượng. Cách đây không lâu, một phụ nữ ở TPHCM kể: "Tôi sinh đứa con thứ hai xong, chồng tôi mới thú nhận anh ấy là người đồng tính, không thể sống chung với phụ nữ và ra tòa ly dị để đi sống cùng đàn ông".
Thay đổi thông điệp
Nam rất nhiệt tình với công tác xã hội, giúp người đồng giới phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS. "Những người đồng giới mang tâm hồn nữ nhưng lại có vóc dáng, sức khỏe như đàn ông, nên thường có nhu cầu tình dục cao hơn phụ nữ thông thường. Qua tiếp xúc hỗ trợ, em thấy khoảng 3-5% nhiễm HIV/AIDS không phải qua hút chích mà qua sinh hoạt tình dục", Nam nói.
Theo Nam, việc công nhận hôn nhân sẽ giảm được nhiều điều tiêu cực. "Trước đây, tình yêu không dẫn tới hôn nhân sẽ khiến nhiều cặp tình nhân không chung thủy, không tin tưởng, một người có thể có nhiều bạn tình. Tình cảm không sắt son. Lúc bị gia đình chia cắt, khi chia tay nhau, đã xảy ra nhiều vụ tự vẫn rất thương tâm. Bây giờ luật pháp không cấm, được cưới xin thì tình cảm của các bạn bền vững hơn", Nam nói.
Nam cũng nhận định, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong người đồng giới đang chững lại và có xu hướng giảm rõ rệt từ khi hôn nhân đồng giới không bị ngăn cấm. Nhóm của Nam được phân công hỗ trợ khoảng 1.000 người đồng giới trong chương trình tình dục an toàn; gần đây, họ không phát hiện trường hợp nhiễm mới nào.
Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM cho biết, có hàng chục nhóm công tác xã hội, thiện nguyện đang hoạt động tích cực. Mỗi câu lạc bộ, mỗi nhóm như vậy được giao phụ trách từ 1.000 đến 1.200 người đồng tính, hướng họ sinh hoạt tình dục an toàn. Trước kia, một nhóm chỉ dám đưa ra thông điệp "Đa dạng tình dục, nhưng phải an toàn" như sau: "Bạn có thể rung động trước 1 anh cảnh sát, 1 bác sĩ, hoặc 1 chàng trai phong cách. Và có ý định quan hệ tình dục với 1 ai đó thì nên đọc kỹ hướng dẫn…". Giờ đây, đa số các nhóm đều đưa ra thông điệp về sự chung thủy như một thước đo tư cách, phẩm chất của người đồng tính.
Tuy vậy, mọi sự mới chỉ là bắt đầu với người đồng tính Việt Nam, bởi việc không ngăn cấm chưa phải là sự công nhận hoàn toàn về mặt pháp lý. Nam nói: "Dù không bị ngăn cấm như trước, nhưng hôn nhân đồng tính không được cấp giấy kết hôn. Rất dễ xảy ra tranh chấp về tài sản phát sinh trong quá trình chung sống với nhau. Do vậy, cũng không nhiều người làm đám cưới".
Phạm Hồng Sơn, phụ trách G3VN (nhóm hoạt động tích cực ngăn ngừa bệnh xã hội cho người đồng tính), nói: "Ước tính ở TPHCM có từ 44.000 tới 50.000 người đồng tính, chưa kể người đồng tính từ các tỉnh vẫn đổ về đây sinh sống. Công nhận hôn nhân cũng là một cách để quản lý hữu hiệu cộng đồng này và giúp họ thoát khỏi sự kỳ thị". Theo Sơn, số người giả dạng giới tính để trà trộn vào cộng đồng người đồng tính không nhiều. "Chúng em sẽ lập tức phát hiện ra họ, bởi người đồng tính có những nét riêng", Sơn nói.
"Không ai công nhận cả"
Về vấn đề hôn nhân đồng giới, Nam cho rằng, sinh ra ai cũng muốn có tình yêu, cũng muốn dẫn tới hôn nhân để sống với nhau trọn đời. "Mới rồi nước Mỹ đã công nhận hôn nhân đồng giới, còn Việt Nam thì đến bao giờ?", Nam nói.
Lam, một người đồng tính độc thân, cho rằng, hôn nhân của người đồng tính rất vô nghĩa vì "không ai công nhận cả". Một người đồng tính nói: "Nếu luật pháp có công nhận, thì đa số linh mục cũng từ chối cử hành hôn lễ vì cho rằng hôn nhân là để duy trì giống nòi, nhưng hôn nhân đồng giới lại không có chức năng đó".Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, nói rằng, hôn nhân đồng giới có thể được xem là một vấn đề tương đối nhạy cảm và không có sự thống nhất giữa các quốc gia trên thế giới. "Theo như tôi được biết, hiện nay chỉ có hơn 10 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới (như Hà Lan, Anh, Pháp, Đan Mạch, Phần Lan…). Mới đây nhất, ngày 26/6, Tòa án Tối cao Mỹ chính thức công nhận mọi công dân Mỹ đều có thể kết hôn, không phân biệt giới tính hay xu hướng tình dục. Đây được coi là một tín hiệu vui đối với cộng đồng người đồng tính", ông Hậu nói.Trên các trang web, diễn đàn thu hút nhiều người đồng tính, việc chụp hình đưa thông tin về đám cưới đồng tính ở TPHCM và các địa phương khác ngày càng công khai hơn. Luật sư Hậu lý giải: "Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã có một sự thay đổi lớn khi quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (trước đây, kết hôn giữa những người cùng giới tính là một trong các quy định cấm tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2000). Như vậy, mặc dù pháp luật chưa thừa nhận nhưng đã không còn xem hôn nhân giữa những người đồng giới là hành vi vi phạm pháp luật".
Sơn, thành viên một nhóm đồng đẳng đã chục năm công tác xã hội về hôn nhân đồng giới, nói: "Việt Nam đã có bước tiến lớn trong hôn nhân đồng giới. Trước kia, đám cưới đồng giới chỉ tổ chức ở nhà hàng với vài ba chục người, cũng toàn đồng giới với nhau thông cảm đến dự. Cô dâu, chú rể sợ bị công an đến bắt. Gần đây, bọn em dự nhiều đám cưới mời ở khách sạn lớn, 300-400 khách dự là chuyện thường. Các bậc bố mẹ cũng đến dự và cũng không còn bị mặc cảm với họ hàng như trước nữa, vì nghĩ cho cùng thì con nào mà chẳng là con".
Theo Linh, không sống với giới tính thật của mình chính là một sự giả dối. "Em đã đi Thái để phẫu thuật, chuyển giới thành một người phụ nữ hoàn toàn, không phải để hài lòng người yêu, cũng không phải để lấy chồng, mà trước hết là để em được sống đúng như một người phụ nữ, đúng như chính bản thân mình, còn việc lập gia đình thì hiện thời chưa tính tới", Linh nói.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất nhì thế giới, nguyên nhân do đâu?
- Doanh nghiệp tại thành phố đông dân nhất Việt Nam có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất, gần 2 tỷ đồng
- Mới nhất: Người dân muốn được thanh toán 100% BHYT cần nắm được xếp cấp 48 bệnh viện thuộc Bộ Y tế vừa công bố
- Người lao động tại tỉnh này có mức thưởng Tết cao nhất hơn 800 triệu đồng
- Virus HMPV là gì? Virus đang lây lan bệnh hô hấp tại Trung Quốc có nguy hiểm như Covid-19?
- Lừa đảo cận Tết ngày càng tinh vi, chủ tài khoản ngân hàng cần làm ngay việc này để tránh bị 'bay' sạch tiền
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày nào?
- Khu đô thị nào có giá cao nhất Hà Nội, lên tới 113 triệu đồng/m2?
- Từ nay ai dùng căn cước công dân theo cách này có thể bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng
- Cầu thủ Nguyễn Xuân Son là ai? Cơ duyên nào đưa Nguyễn Xuân Son đến với đội tuyển Việt Nam?
- Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?