Huyền tích nhập hồn
Chùa Bà Đanh nằm ven dòng sông Đáy thuộc địa phận làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn (Kim Bảng - Hà Nam). Chùa còn được gọi là Bảo Sơn tự, cạnh hòn núi Ngọc nổi tiếng thơ mộng và linh thiêng. Từ bao đời nay, chùa Bà Đanh được thêu dệt bằng những câu chuyện lạ mà tâm điểm là tượng Bà Đanh. Người dân nơi đây bảo rằng, người đi đường trót cười cợt bình phẩm dù chỉ một câu bất kính cũng sẽ bị bà trừng phạt cho hộc máu hoặc mất mạng. Nhiều người lo lắng không dám qua chùa vì sợ không giữ được mồm miệng…
Cụ Chuyên, cao niên làng Đanh Xá cho biết: “Ngôi chùa trở nên linh thiêng từ khi làng tổ chức rước vong Phật Pháp Vũ về thờ. Phật Pháp Vũ thuộc hệ Tứ Pháp chùa Dâu (Bắc Ninh) gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Lịch sử còn ghi lại sự linh ứng mỗi khi các vua thời Lý đến chùa Dâu cầu khấn, từ đó chùa các nơi xin rước Tứ Pháp về thờ.
Làng Đanh Xá cũng là một địa phương xin rước Pháp Vũ về chùa làng để thờ. Như linh ứng, năm làng Đanh Xá rước vong Pháp Vũ bỗng có mưa to gió lớn làm đổ cây mít cổ thụ trong chùa. Người làng thấy lạ nên thuê thợ giỏi tạc tượng Pháp Vũ, sau đó hô thần nhập tượng và đặt trong điện thờ. Người thợ tạc tượng ấy sau một đêm nằm mơ thấy thần đến mách bảo dung nhan Pháp Vũ nên đã tạc lại theo giấc mộng kỳ lạ.
Chưa hết, sau khi nhập hồn cho tượng thì dưới bến nước trước chùa có vật lạ nửa nổi nửa chìm. Người dân cứ đẩy ra thì vật lạ ấy lại dạt vào dù cho dòng nước có xoáy mạnh. Thấy lạ, dân làng bàn nhau vớt lên xem thì thấy đó là một cái ngai bằng gỗ. Họ đưa vào chùa và thật lạ, tượng vừa khít khi đặt vào ngai như được đo đạc trước.
Từ đó, trong vùng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lời đồn Thánh Bà Bảo Sơn linh ứng lan truyền khắp nơi, khách thập phương đổ về đông như hội, thuyền bè qua lại tấp nập hương khói và những câu chuyện thần bí bắt đầu được thêu dệt từ ngôi chùa này.
Sư thầy Thích Đàm Đam - Trụ trì chùa Bà Đanh cho hay: “Nhiều vị khách cố chụp tượng Pháp Vũ nhưng không tài nào chụp nổi. Hình ảnh đều bị nhoè hoặc bị cháy phim …”.
Ngày hô thần nhập tượng cũng là ngày hội của cả làng Đanh Xá. Thời trước, ngày hội được tổ chức rất long trọng nhưng rồi ngày một nhạt phai, khách thập phương ít qua lại và chùa trở nên vắng vẻ cho đến ngày nay dù cho tỉnh Hà Nam cố gắng tổ chức các tour du lịch thu hút khách nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Hiện nay, chùa Bà Đanh được đầu tư tôn tạo rất công phu với quần thể liên hoàn gồm tam quan, tả vu, hữu vu, phủ Mẫu… Chùa Bà Đanh lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư quý hiếm, nhất là tượng Phật, Bồ Tát, khánh đá, đại tự, câu đối và nhang án…
Chùa bị yểm ?
Để lý giải vì sao chùa Bà Đanh lại có danh hiệu “đệ nhất”… vắng kèm theo câu cửa miệng “vắng như chùa Bà Đanh” để ám chỉ sự thưa vắng đến cô tịch của ngôi chùa một thời linh thiêng này, chúng tôi tìm gặp ông Trương Tiến Ban - Chánh văn phòng UBND huyện Kim Bảng, ông Ban lắc đầu không biết vì sao chùa Bà Đanh lại vắng khách. Chỉ biết rằng, thời xưa nghe các cụ kể lại, khu vực chùa Bà Đanh là rừng rậm, có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Muốn vào đó an toàn chỉ có cách đi thuyền qua sông Đáy, vì bất tiện nên khách thập phương muốn đến lễ bái cũng không có điều kiện.
Đồng tình với ý kiến ấy, sư thầy Thích Đàm Đam cho biết: “Đừng đổ lỗi cho chùa không thiêng hay cách đối xử của nhà chùa với khách thập phương. Chùa vắng khách cũng có cái lý riêng, vừa xa khu dân cư, đường vào lại hiểm trở, ngày trước là rừng rậm nhiều hổ báo nên người ta sợ…”.
Lại có câu chuyện khác nói rằng, Bà Đanh có tên nôm là Bà Đậu - một người bình thường trong làng. Có lần Trạng Quỳnh đến chùa trách bà, đã là Phật thì chớ hại sinh linh, là Phật không được thờ cũng phải phù hộ chứ chưa được thờ lại nổi mưa to gió lớn hại trăm họ… Nghe vậy, Bà Đanh thẹn không dám linh ứng nữa. Tuy nhiên, khi đem câu chuyện này ra tranh luận, người làng Đanh Xá thường phản biện về tước hiệu xem Trạng Quỳnh có hơn được Bà Đanh không, sao bà Đanh không phạt cho Trạng hộc máu ra. Không biết thực hư câu chuyện ra sao và những lời lý giải cũng chỉ mang tính đoán định nhưng đã góp phần làm tăng sự nổi tiếng của ngôi chùa quanh năm tĩnh mịch này. Người ta tìm về, đôi khi chỉ để tìm hiểu xem vì sao… chùa vắng.