Người Mường vùng Hòa Bình ai cũng biết câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” để chỉ những vùng đất giàu có, sầm uất nhất xứ Mường. Không biết những vùng đất kia có nghĩa địa mộ đá nào không, nhưng cho đến bây giờ, các nhà khoa học mới chỉ phát hiện khu mộ đá của vùng Mường Động cổ, thuộc huyện Kim Bôi, Hòa Bình.
Theo lời các cán bộ xã Vĩnh Đồng, ông Đinh Công Dũng là hậu duệ đời thứ 22 của dòng họ Đinh Công ở Mường Động. Ông Dũng hiện vẫn giữ khá đầy đủ gia phả của dòng họ lớn nhất xứ Mường này.
Một ngôi mộ đá trong nghĩa địa quan lang Mường Động.
Theo đó, người lập ra dòng họ Đinh ở Mường Động là ông Đinh Như Lệnh. Con cháu ông Đinh Như Lệnh nghe lời thầy địa lý, táng mộ tổ tiên vào mảnh đất hình miệng rồng, với hy vọng con cháu sẽ làm nên sự nghiệp lớn.
Đến đời thứ 8, dòng họ này có một người dũng mãnh, là Đinh Công Kỷ (1582 – 1647). Ông Đinh Công Kỷ đã cầm quân góp sức với nhà Lê tiêu diệt nhà Mạc. Do có công lớn, dòng họ này đã được vua Lê và chúa Trịnh phong tước, cho cai quản vùng Mường Động.
Xác lập vị trí vững vàng, nên đời nọ nối tiếp đời kia, con cha truyền con nối làm tù trưởng. Ông Đinh Công Kỷ chết, được triều đình tổ chức mai táng theo tước hầu. Quan tài chôn ông bằng gỗ trám đen, sơn son thếp vàng.
Theo truyền thuyết, khi ông chết đi, người ta còn chôn sống 100 nô nì để phục vụ ông dưới suối vàng. Người dân trong vùng tin vào truyền thuyết đó, song các nhà khoa học cho rằng, chỉ chôn theo các hình nhân. Riêng việc chôn theo nhiều của cải, đồ vật, thậm chí vàng bạc là có thật. Xưa kia, khu nghĩa địa này là lãnh địa bất khả xâm phạm, được quân lính canh gác bảo vệ suốt ngày đêm.
Trải mấy trăm năm cai trị vùng Mường Động, chế độ phong kiến sụp đổ, gia tộc họ Đinh Công cũng mất hết quyền lực, lợi ích. Con cháu đời thứ 22 của dòng họ Đinh Công lừng lẫy một thời, là ông Đinh Công Dũng giờ cũng bình dị như bao nhiêu gia đình Mường khác, thậm chí có phần nghèo đói. Cùng với đó, khu mộ đá cũng bị chìm vào quên lãng.
Suốt thế kỷ nay, đồng bào Mường ở đây vẫn biết đến khu mộ quan lang trong khe Đống Thếch, song không ai dám bén mảng đến. Người dân coi đây là “thánh địa ma”, là vùng đất thiêng của quan lang. Ngay cả quả đồi nằm ngay cạnh khu mộ cũng không ai dám mò lên.
Nhà quản lý di tích không có ai ở.
Người dân ở đây đồn rằng, có gia đình liều mạng đưa hài cốt người thân táng vào khu mộ địa này, lập tức cả nhà phát điên. Chỉ đến khi một bà mỡi (tương tự thầy mo, thầy cúng) lập đàn cúng tế, sai gia đình đưa hài cốt người thân ra chỗ khác, mọi người mới lại được yên.
Không rõ những truyền thuyết đó là thực hay hư, nhưng nó đã biến khu mộ này chìm nghỉm vào rừng thẳm. Thánh địa mộ đá này chỉ được đánh thức khi đám đào mồ cuốc mả tìm vào đào bới tan tác khu mộ để tìm cổ vật.
Có một chuyện mà người dân nơi đây vẫn kể cho nhau nghe, về một đoàn người đào trộm cổ vật. Đám người lạ này ở đâu đến thì không ai rõ, nhưng họ dắt ngựa thồ, vác theo cuốc thuổng đi về hướng nghĩa địa Đống Thếch. Người dân tò mò về nhóm người lạ này, nhưng thấy họ đi về phía nghĩa địa quan lang thì lại sợ hãi, không dám đi theo.
Hố ủ phân ngay cạnh một ngôi mộ.
Đến nửa đêm vẫn không thấy nhóm người kia trở ra, mấy thanh niên trong bản đã liều mạng mò vào khu mộ. Họ thấy mồ mả bị đào bới, lưng ngựa chất đầy bao tải hàng hóa, vàng bạc chất đống la liệt, cuốc thuổng vẫn còn đó, nhưng lại không thấy người đâu. Đám thanh niên sợ quá chạy về báo dân bản. Người dân đốt đuốc tìm vào khu mộ quan lang, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng người.
Câu chuyện này càng làm người Mường xứ Mường Động sợ hãi, không dám bén mảng đến khu mộ quan lang. Chính vì vậy, khu mộ đã bị giới đào trộm cổ vật cày xới tan tành.
Có một điều đau xót, là suốt nhiều năm trời bị xâm phạm, cán bộ, chính quyền địa phương đều không hay biết, hoặc biết nhưng cứ làm ngơ, bởi chẳng ai rỗi hơi mà đi bảo vệ cái nghĩa địa hoang đó.
Theo lời ông Bùi Minh Lợi, nguyên Trưởng ban văn hóa xã Vĩnh Đồng, hai năm 1988 và 1989 là thời điểm bọn đào mồ cuốc mả hoạt động mạnh nhất. Chúng không chỉ tự cầm cuốc thuổng vào đào bới ở quy mô lớn, mà còn thuê một số kẻ cứng đầu cứng cổ trong vùng vào đào thuê cho chúng. Chính mắt ông nhìn thấy đám người này đánh ra cả xe thồ, xe ba gác ăm ắp cổ vật quý.
Giới mua bán, săn lùng cổ vật tìm về Vĩnh Đồng tấp nập. Các đại gia cưỡi ô tô lên thu mua cổ vật. Theo ước đoán của ông Lợi, đã có hàng vạn món cổ vật, trong đó có hàng trăm chiếc trống đồng quý bị quật lên từ khu mộ và rơi vào tay giới sưu tầm, buôn bán.
Chỉ đến khi khu rừng mộ đá khổng lồ này bị đào bới tan hoang, những khối đá nặng cả chục tấn bị húc đổ, đập vỡ, thì chính quyền mới vào cuộc. Công an, dân quân đã tổ chức bảo vệ khu mộ, tịch thu cổ vật mà bọn “mộ tặc” đào bới. Chính quyền đã bắt sống hàng chục cuộc đào trộm mồ mả và thu được hàng trăm món cổ vật quý, đặc biệt là 4 chiếc trống đồng, khi chúng vừa bới lên từ lòng mộ.
Theo tiết lộ của một vị cán bộ Bảo tàng Hòa Bình, Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện một vụ buôn bán cổ vật rất lớn, thu được tới 200 cổ vật. Trong những cổ vật mà Công an tỉnh Hòa Bình bàn giao, có nhiều thứ giá trị như đồ đồng, đồ gốm ở các niên đại từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15…
Trong số cổ vật thu được thì quý nhất là chiếc thạp đồng trị giá vài trăm triệu đồng và một món cổ vật cực quý hiếm được giới buôn bán định giá lên đến 2,5 tỷ đồng. Bọn đào mồ cuốc mả bới những cổ vật đặc biệt quý hiếm này từ khu mộ Đống Thếch. Những cổ vật quý này đang được bảo vệ cẩn mật.
Từ khi chính quyền ra tay bảo vệ nghiêm ngặt nghĩa địa mộ đá, thì chỉ còn trơ lại 9 ngôi mộ. Mặc dù những ngôi mộ này đã bị “mộ tặc” đào hang xuyên xuống, nhưng những khối đá vẫn đứng vững. May mắn là khu mộ ông Đinh Công Kỷ chưa bị xâm phạm nhiều.
Sau này, các nhà khảo cổ đã khai quật ngôi mộ Đinh Công Kỷ. Đúng như trong gia phả mà ông Dũng còn lưu giữ, quan tài chôn ông Kỷ được làm bằng gỗ trám đen, sơn son thếp vàng. Rất nhiều món đồ cổ, thậm chí là vàng bạc thu được từ ngôi mộ này. Quý nhất là chiếc trống đồng Ngọc Lũ tuyệt đẹp, còn cực kỳ nguyên vẹn.
Sau các cuộc khai quật quy mô lớn, chính quyền và các cơ quan chuyên môn đã báo cáo toàn bộ thông tin về khu mộ đá lên Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Với giá trị đặc biệt quan trọng về khảo cổ học, dân tộc học, Bộ đã cấp bằng chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho khu mộ cổ này.
Ngay sau khi được xếp hạng cấp quốc gia, khu mộ đá được đầu tư khá bài bản, với tường bao, nhà bảo vệ, cổng rả có khóa, lối đi cho khách tham quan. Thế nhưng, khu mộ đá này đã lại chìm vào quên lãng với cỏ mọc rêu phong. Người dân trồng rau, trồng mía xanh rờn trong nghĩa địa. Mùa hè, khu mộ đá của các quan lang xứ Mường biến mất trong vườn mía um tùm.