Các hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản và động vật hoang dã trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng vi phạm về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết vẫn chưa thể kiểm soát. Rõ ràng, hoạt động gian lận trong kinh doanh ngày càng tinh vi, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.
Hòa vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước, kinh tế Gia Lai cũng có những bước tiến dài tương xứng với sự phát triển đa dạng, phong phú, đều khắp các loại hình kinh tế, đáp ứng được nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2.381 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, 82 hợp tác xã, 13 siêu thị, 75 chợ các loại và hơn 23 ngàn hộ kinh doanh cá thể hoạt động mua bán thường xuyên tại các địa phương. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã được đầu tư, phát triển mạnh mẽ. Song điều dễ thấy là, bên cạnh những thuận lợi để phát triển kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt, tình hình buôn lậu và sản xuất kinh doanh trái pháp luật diễn biến phức tạp.
Bắt giữ thuốc lá lậu.
Đại diện Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 127) tỉnh cho biết, các hoạt động vi phạm chủ yếu ở các mặt hàng như: Hóa mỹ phẩm, buôn lậu xăng dầu, phân bón, thuốc lá, động vật hoang dã; vi phạm giá niêm yết... Riêng trong năm 2011, qua thanh-kiểm tra mặt hàng phân bón, Ban Chỉ đạo đã phát hiện 12 cơ sở vi phạm với số tiền phạt lên đến gần 244 triệu đồng; kiểm tra lĩnh vực xăng dầu phát hiện 34 vụ vi phạm, xử phạt 348 triệu đồng, truy thu số tiền gian lận thương mại là 303 triệu đồng, tịch thu 3 cột đo nhiên liệu. Với lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng đã phát hiện 2 cơ sở vi phạm và xử phạt 14,5 triệu đồng. Sở phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kiểm tra các lĩnh vực khác và phát hiện 487 vụ vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 242 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cũng có một số hạn chế cả chủ quan lẫn khách quan. Một số văn bản chỉ đạo của các bộ ngành Trung ương chưa thống nhất, chậm sửa đổi đã ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý của một số ngành, lĩnh vực; nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai của các ngành chưa kịp thời, chưa sát với thực tế; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, còn chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra, thời gian kiểm tra chưa hợp lý.
Hoạt động gian lận trong kinh doanh ngày càng tinh vi, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhưng các biện pháp xử lý của các lực lượng chức năng chưa kiên quyết, chưa đủ răn đe, nhất là với các cơ sở vi phạm nhiều lần.
Ông Hoàng Công Lự- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: “Năm 2012, một năm chưa hết khó khăn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Tỉnh phải xây dựng mạng lưới cán bộ cơ sở bám sát địa bàn, phối hợp với các lực lượng tại địa phương để kịp thời phát hiện nơi sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại để xử lý nghiêm theo pháp luật”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan như: Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý Thị trường... chú trọng mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là các lực lượng chức năng của phía bạn Campuchia nhằm chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin; phối hợp để công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại có hiệu quả nhất.
Cùng với đó, thiết nghĩ, trong quá trình thực hiện, các ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm rút kinh nghiệm những việc làm được và chưa được để có giải pháp khắc phục; tránh tình trạng sự việc gây ảnh hưởng, thiệt hại đến dân rồi cơ quan chức năng mới có những động thái để… dọn tàn cuộc.