Kết quả điều tra, xác minh ban đầu xác định: Ông Nguyễn Văn Như (SN 1985), trú Mỹ Hương, Mỹ Tú, Sóc Trăng lên Gia Lai sống nhờ nhà anh Trang và mượn mảnh vườn nói trên để ở, sau đó ông Như quen với một người đàn ông tên là “Sáu Cao” (chưa xác định được nhân thân, lai lịch cụ thể) nhờ ông trồng cây cần sa giùm và sẽ mua lại với giá 200.000 đồng/kg. Hiện Công an TP. Pleiku đang tiếp tục điều tra, xác minh đối tượng và sẽ xử lý các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật.
Rẫy trồng cây cần sa tại xã Ia Le
Trên địa bàn tỉnh ta, từ năm 2008 đến nay, đã phát hiện 3 vụ trồng cây cần sa: Năm 2008, phát hiện xóa nhổ 6.979 m2 diện tích cần sa tại địa bàn huyện Chư Sê, tiêu hủy trên 3 tấn cây cần sa tươi; năm 2010, đã xóa nhổ trên 13.000 cây cần sa tươi ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh.
Qua các vụ trên cho thấy, trong số những đối tượng bị bắt giữ, có người biết rõ đó là cây cần sa nhưng vẫn trồng, nhưng cũng có người khi lực lượng chức năng tới lập biên bản mới biết đó là cây cần sa. Các đối tượng chủ yếu là dân ở các tỉnh khác đến địa phương làm ăn, sinh sống, lợi dụng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáp ranh, khu vực bìa rừng, nương rẫy, nơi ít người qua lại để thuê đất trồng.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng đến thôn, làng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mỗi người dân nhận biết, hiểu hậu quả tác hại của cây cần sa, không trồng cây cần sa; các lực lượng chức năng tăng cường rà soát các diện tích đất rừng, rẫy, kịp thời phát hiện các diện tích trồng cây có chứa chất ma túy và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.