Những ngày giáp Tết, “đội quân cái bang” trên địa bàn TP. Pleiku tăng một cách đột biến. “Mỗi năm có một mùa, phải tranh thủ chứ. Có người nhờ mấy ngày này thôi đã sắm được… vàng”- một U.50 hành nghề ăn xin lâu năm cho biết.
|
Song tình hình phức tạp hơn khi không ít người trong đội quân này, ngoài việc ăn xin còn kiêm thêm nghề… “đạo chích” nếu người dân lơ là mất cảnh giác.
Mấy ngày nay, ngoài những gương mặt ăn xin quen thuộc như đứa bé bị dị tật ở khuôn mặt thường hay đứng góc ngã tư Trần Hưng Đạo-Quang Trung (TP. Pleiku), cụ bà quê Nam Định, Thanh Hóa gì đó nhỡ đường xin tiền về quê mà xin hoài vẫn… không về được, hay ông cụ bán sing-gum kiêm ăn xin có tài chửi như hát hay… thì người ta còn thấy sự xuất hiện hết sức… mới mẻ của một người phụ nữ trạc 27 tuổi, trắng trẻo, ưa nhìn, quần áo sạch sẽ, trên tay bồng một đứa bé trên dưới 1 tuổi.
Không cần nói gì nhiều, chỉ lại gần nhẹ nhàng chìa đứa bé ra với vài câu: “Gia đình em khó khăn, con còn nhỏ lại lỡ đường, xin anh chị thương tình giúp đỡ mẹ con em” thì người sắt đá mấy cũng phải rút ví. Cũng cô gái và đứa bé này, vài ngày sau ở một quán khác, cô không vội vàng xin ngay mà chìa ra một gói kẹo mời mua, nếu khách không mua thì mới xin, và lần này lý do được đưa ra là: “Em bị bệnh không lao động nặng được, con em còn nhỏ lại đau ốm liên miên, gia đình khó khăn quá, anh chị mua giúp em”.
Cô gái bồng đứa trẻ đang “kể khổ”. Ảnh: Hà Duy
Mặc kệ những ánh mắt thương hại lẫn nghi ngờ, chị ta cứ lê la hết quán ăn này đến quán cà phê khác cùng với đứa bé, chắc chắn, số tiền chị này kiếm được trong ngày nhiều hơn rất nhiều so với những người lao động chân chính. Thường xuất hiện tại Trung tâm Thương mại Pleiku hay những khu vực chợ búa dạo gần đây cùng với những bài hát đủ thể loại mà chủ yếu là về tình cha tình mẹ là hai cậu bé tuổi thiếu niên với hình ảnh: Một đứa cầm dây kéo theo cái xe đựng loa, âm ly… đi trước, đứa bị mù (?) cầm micro đi sau, vừa đi vừa hát.
Tiếng hát về cha về mẹ cứ nỉ non khiến khó ai cầm nổi lòng dù biết có thể đây chỉ là “chiêu” của những “cái bang” thứ thiệt.
Theo phản ánh của nhiều chủ quán, sự xuất hiện “rầm rộ” của cánh ăn xin những ngày gần đây gây phiền nhiễu cho khách hàng của họ rất nhiều. “Ngồi quán chưa đầy một giờ mà đã có đến 5-6 người đến xin tiền, chưa kể cũng chừng ấy lần lắc đầu từ chối những người đến mời mua vé số thì không phiền sao được?”- anh Tân, khách của quán Em và Tôi (đường Trần Hưng Đạo) ngán ngẩm. Nhưng ngán hơn là trong số ăn xin này, những người ăn- xin- chân- chính chỉ là con số nhỏ, bởi không ít người trong số họ còn kiêm thêm nghề móc túi. Chị Nguyệt (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) tới giờ vẫn còn tức tối khi kể lại chuyện của mình.
Cách đây vài ngày, chị vừa bước vào Trung tâm Thương mại Pleiku thì có một người đàn ông trên dưới 50 tuổi, bộ dạng lôi thôi lếch thếch đi cà nhắc tới chìa tay xin tiền. Thấy người đàn ông vẫn còn khỏe mạnh nên chị lắc đầu từ chối, đột nhiên gã chửi: “Đồ vừa… mập vừa không biết thương người” rồi đẩy chị chen lên trước. Chưa hết ngỡ ngàng vì bị xúc phạm chị lại tá hỏa khi hơn 2 triệu đồng để trong túi áo khoác không cánh mà bay.
Chị Lan, chủ một nhà trọ (đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku), hàng năm vẫn thường đón nhiều khách trọ là những người ăn- xin- thời- vụ, tiết lộ: “Có những người giả què tay què chân nhưng khi về đến phòng trọ, họ trở lại lành lặn bình thường. Họ ở nhà trọ để tránh tai mắt chứ thu nhập của họ một ngày có thể ăn ngủ ở khách sạn, bữa ăn của những người này có lẽ công chức còn… ước mơ. Có lần, một ông khách dắt theo 4-5 đứa trẻ, mới đầu tưởng cha con họ làm nghề ăn xin, nhưng sau mới biết không phải, ông ta là người chăn dắt.
Cuối ngày, cả “cha” lẫn “con” kiểm lại số tiền kiếm được. Mới đầu cũng để ý coi có chuyện đứa nào xin được ít tiền thì bị đánh như nhiều trường hợp đã đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng không, nhưng trường hợp này thì không thấy, chỉ có đứa xin được ít phải… "báo cáo lại tình hình, có gì bất ổn là bàn cách giải quyết”. Cũng theo chị Lan, trường hợp mất cắp thỉnh thoảng cũng diễn ra nhưng rất ít, vì đa số họ là dân ăn xin chuyên nghiệp từ các địa phương khác đến kiếm ăn trong mùa Tết, như một “cái bang” hãnh diện: “Ăn xin có… cái giá của ăn xin chứ!”.
Không biết “cái giá” của ăn xin là bao nhiêu, nhưng việc ăn xin “nổi dậy” trong dịp này gây không ít phiền toái cho người dân, an ninh khó đảm bảo khi cơ quan chức năng không thể quản lý, kiểm soát được.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%