Toạ lạc tại một nơi vắng vẻ, ít dịch vụ, biển Cổ Thạch rất vắng du khách. Điều đó cũng lý giải tại sao được đưa vào khai thác từ lâu, nơi này vẫn giữ nguyên nét hoang sơ. Như các bãi biển khác của "vùng đất Lửa" Bình Thuận, biển Cổ Thạch trong veo, xanh biếc, với lượng sóng vừa phải nhưng nhanh và mạnh.Biển Cổ thạch thoai thoải, không sâu, sóng trung bình nhưng cát khá nhuyễn.
Không nổi tiếng và lâu đời như gành Đá Đĩa ở Phú Yên nhưng bãi đá ở biển Cổ Thạch cũng được hình thành từ hàng trăm năm qua. Những biến động của thủy triều lên xuống đã đùn đẩy những tản đá lên bờ xếp thành một bãi đá khổng lồ với kích thước lớn nhỏ xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên không theo bất cứ quy luật nào. Dưới ánh nắng cùng những đợt sóng xô bờ, cả bãi đá như bừng lên những ánh màu lung linh tuyệt đẹp. Tôi đã không tin vào mắt mình khi khung cảnh trước mắt hiện ra, cảm giác như đang lạc vào một chốn bồng lai nào đó không có thật ở hạ giới.
Bao quanh bãi đá này là bãi cát vàng mịn màng có tên gọi là Bãi Tiên. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết từng là bãi tắm của các nàng tiên từ thiên giới vào mỗi buổi chiều. Bãi đá này còn hút hồn du khách với những hang động tự nhiên lâu đời luồn sâu vào trong lòng núi. Dạo bước trên những viên sỏi bảy màu như “cầu vồng trên cát” sau mỗi đợt sóng. Chọn từng viên sỏi đẹp nhất, chúng tôi, mỗi đứa tự xếp cho mình một ước mơ thầm kín trên những tảng đá mẹ phẳng nằm sát mép nước và mơ ước trước biển cả mênh mông về một chút gì ước nguyện trong một tương lai gần. Ngả mình trên chiếc lều tạm, nghe tiếng gió biển thì thầm bên rặng phi lao.
Không chỉ có bãi đá bảy màu, biển Cổ Thạch trở nên kì bí hơn với những khối đá to với muôn hình vạn trạng, gắn liền huyền thoại ly kỳ. Những khối đá nhấp nhô giống như đàn thủy quái khổng lồ đang ngoi lên từ lòng biển, nhiều khối đá vươn cao ra phía biển khơi xa như đón những con sóng xô bờ. Theo kinh nghiệm của người dân, chúng tôi đang ở đây vào thời điểm đẹp nhất, toàn bộ bãi đá được bao phủ bởi một lớp rêu xanh có một không hai .
Từng tảng đá to với nhiều hình dạng nằm co cụm thành nhóm gần bờ. Có tảng đá nhìn như con voi đang cong vòi phun nước, có tảng giống con đà điểu đang trầm mình thư giãn bên hồ nước sau một chuyến du hành, có tảng lại giống như bàn tay đang nắm lại, và chỉ về một nơi xa xăm trên biển. Quanh đây lưa thưa du khách. Người thích cảm giác mạnh thích khám phá các ngóc ngách bí ẩn giữa các tảng đá. Người thích tạo dáng, "lả lơi" bên những tảng đá, ghi lại những shoot hình ấn tượng. Trẻ em lại thích mò mẫm bắt những chú ốc đá xinh xắn, những chú cá nhiều màu bỏ vào chai làm kỷ niệm.
Cách tắm vui nhất không phải là nhảy lên cùng những đợt sóng, mà nhắm mắt, thả người thư giãn trên phao, nghe sóng dập dìu, gió mát rượi. Chẳng cần sợ việc thư giãn trên phao sẽ bị đánh trôi xa khỏi bờ, bởi những đợt sóng ở đây rất bất chợt. Nhưng cũng có lúc, tôi tưởng như đang được nâng niu, thoải mái hoàn toàn, thì sẽ có một đợt sóng mạnh đến mức, dù cố giữ thăng bằng đến mấy, chiếc phao cũng lật úp. Đặc sản biển độc đáo nhất là sò Điệp bán ngay đường xuống biển hay khu chợ phía trên. Sau khi người bán làm sạch thì nướng chín bằng lửa than, quết mỡ hành, chấm muối tiêu chanh.
Ăn no tắm say và bước từng bước thủng thẳng trên những viên cuội rong rêu thăng trầm, hóa ra bao nhiêu nay biển Cổ Thạch đã đón người ta đến để ôm vào lòng và thủ thỉ câu chuyện trăm năm ngàn năm như thế.