Con đường đầu tư gần 80 tỷ đồng mới được đưa vào sử dụng chưa kịp góp phần thay da đổi thịt vùng quê nghèo, đã sụt lún thảm hại.
|
Chỉ mới hơn 1 năm sử dụng, con đường hàng chục tỷ đồng này đã xuống cấp nghiêm trọng, trở thành mối hiểm họa đối với người dân.
Sạt lở nghiêm trọng tại con đường từ xã Xuân Qùy tới xã Thanh Quân. Ảnh: Ngọc Hưng
Chưa quyết toán, đã hỏng
Về việc vận chuyển khoáng sản của Công ty CP khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa, ông Dương Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: “Công ty đã ký hợp đồng bảo lãnh chạy với quãng đường là 5 km, với số tiền là 12,75 tỷ đồng, kết thúc quá trình khai thác vận chuyển, công ty sẽ hoàn trả lại mặt đường như ban đầu”.
Một ngày đầu tháng 3, PV đã có mặt tại tuyến đường dài 24 km, từ xã Xuân Quỳ đến xã Thanh Quân của huyện miền núi Như Xuân. Gần 80 tỷ đồng đầu tư xây dựng con đường nhưng có lẽ bởi quá trình thi công ẩu, hay do cách quản lý, vận hành của địa phương mà nhiều đoạn đã sạt lở, ổ voi, ổ gà mọc lên nhan nhản. Đáng buồn thay, con đường này đã hư khi mà việc quyết toán công trình vẫn còn… chưa kịp thực hiện.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2005 sau đợt lũ lụt lớn, tuyến đường cũ đã hư hỏng nghiêm trọng. Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã được chỉ định là chủ đầu tư, nhằm khắc phục hậu quả thiên tai bằng nguồn vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Sau khi đưa vào khai thác tuyến đường được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con vùng cao, bởi đây là tuyến đường trọng điểm của huyện Như Xuân. Thiết kế của tuyến đường thì thấp (đường giao thông nông thôn loại A) với tải trọng tối đa là 13 tấn. Thế nhưng, nó oằn mình cõng cả hàng trăm đoàn xe chở nguyên vật liệu đá xẻ xuất khẩu, sản phẩm nông sản như mía, sắn với tải trọng gấp 2 - 3 lần cho phép nên sớm trở nên xập xệ cũng phải!
Cái nguy hại đó, trước hết cũng khó đổ cho địa phương. Bởi mục đích làm đường là để thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa, không thể ngăn sông, cấm chợ. Và nữa, các chuyên gia khảo sát, thiết kế tuyến đường chắc chắn biết rõ tại 6 xã này có khoáng sản, vật liệu xây dựng… nhưng vẫn thiết kế, xây dựng tuyến đường với tải trọng thấp. Thế nên, vừa mới sử dụng đã nảy sinh nhiều bất cập, gây nên nghịch cảnh: Xe thì không thể cấm lưu thông, còn hậu quả là người dân hứng chịu. Một người dân xã Thanh Lâm thất vọng: “Ngày trước đường đất đã khổ nhưng còn dễ chịu hơn, bây giờ đường nhựa nhưng lại khổ hơn, ngày nắng bụi mù mịt, ngày mưa thì nhiều đoạn bùn đất nhầy nhụa không thể đi nổi”.
Đường thì yếu, xe thì to!
Khá nhiều người dân ở đây cho rằng, xe tải trọng lớn là một trong những nguyên nhân khiến đường xuống cấp. Đặc biệt là việc vận chuyển khoáng sản của Công ty cổ phần khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa. Doanh nghiệp này có công trường khai thác tại xã Thanh Lâm, 1 trong 6 xã có tuyến đường đi qua. Hàng ngày có khoảng gần chục xe với tải trọng 30 - 40 tấn liên tục cày xới. Đoạn đường chạy qua xã Thanh Hà, đoạn ngã ba Ngọc Thạch mặt đường bị bong tróc khắp nơi, nhiều chỗ đường bị cày xới tả tơi. Nguy hiểm hơn, có một số đoạn tại xã Thanh Lâm, Thanh Quân đường bị sạt lở quá nửa, nguy hiểm luôn rình rập người dân tham gia giao thông, nhất là những ngày trời mưa.
Ngày 9/2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền đã có công văn số 659, giao huyện Như Xuân bố trí kinh phí, khẩn trương tổ chức sữa chữa những hư hỏng trên tuyến đường Xuân Quỳ - Thanh Quân, xong trước ngày 30/3. Ngày 28/2, UBND huyện Như Xuân gửi tờ trình số 12, xin kinh phí hỗ trợ khắc phục, sữa chữa tuyến đường tới UBND tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, UBND huyện này đã lập khái toán với số tiền gần 4 tỷ đồng. Do khối lượng công việc lớn, với nguồn kinh phí của địa phương nhiều khó khăn, không đủ khả năng thực hiện hết các công việc trên toàn tuyến, mà chỉ huy động được khoảng 400 triệu đồng. Vì vậy, UBND huyện Như Xuân báo cáo tỉnh xem xét hỗ trợ số kinh phí còn thiếu, cụ thể là 3.300 triệu đồng.
Trao đổi với PV, ông Dương Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết, năm 2010 hết bảo hành chủ đầu tư giao cho huyện quản lý, khai thác. Đây là tuyến đường chạy qua 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện, trong khi đó tuyến đường đi Yên Cát chưa được đầu tư, đi lại khó khăn nên việc vận chuyển hàng hóa, chủ yếu đi tuyến này. Lưu lượng xe rất nhiều nhưng cấp đường rất thấp, cùng với mưa lũ tác động nên một số điểm xuống cấp.
Còn về trách nhiệm quản lý Nhà nước khi để xảy ra tình trạng trên, ông Mạnh phân trần: “Trên thực tế rất khó, nếu làm đúng như quy định thì sẽ cản trở sản xuất vô cùng. Chúng tôi không thể có người túc trực thường xuyên, cái khó nhất là hàng hóa, nông sản bà con sản xuất ra không thể cấm vận chuyển mang đi bán”. Qua kiểm tra, UBND tỉnh giao cho huyện phải sữa chữa, bảo dưỡng nhưng khả năng vốn của huyện rất ít, nếu tỉnh không hỗ trợ thì rất khó cho địa phương.
Vậy là những ngày này người dân huyện Như Xuân lại chờ hồi âm từ tỉnh Thanh Hóa!
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%