2 cô giáo HN may 5 chiếc áo dài tại nhà may Chi (Thừa Thiên Huế) nhưng nhà may lỡ hẹn bốn chiếc. Oái ăm hơn, khi mở áo ra bên trong có 1 chiếc áo có 2 que nhang đã cháy.
Nhà may Chi nơi bị tố “thất hứa” với khách hàng |
Hai que nhang trong áo dài
Hai khách hàng trong vụ việc là chị Đỗ Kim Yến (38 tuổi) và chị Phạm Thị Lan (30 tuổi, đều ngụ thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, công tác tại Khoa Kế toán & Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Chi Yến thuật lại: “Tháng 7/2014 là dịp hè nên tôi đi du lịch vào Huế. Biết Huế nổi tiếng áo dài đẹp, tôi mua hai bộ may sẵn mỗi bộ giá một triệu ở cửa hàng Huế Xưa gần khách sạn tôi ở. Sau đó thấy mặc đẹp nên tôi cùng Lan đi mua vải, mỗi người ba xập, được hướng dẫn viên du lịch giới thiệu may ở nhà Chi ở đường Mai Thúc Loan. Ngày 22/7 chúng tôi cùng nhau đi may, sau khi đo đạc hai bên thống nhất giá cả và ngày giao. Thế nhưng tôi chỉ nhận được hai bộ hoàn thiện ngay tại Huế rồi chúng tôi ra Hà Nội. Nhà may này hẹn ba ngày sau, bốn chiếc áo dài còn lại sẽ được chuyển ra tận nơi chúng tôi công tác”.
Từ ngày may đến ngày 6/10//2014, hai du khách gọi điện gần 50 lần đến nhà may, nhưng lúc thì không ai nghe máy, nếu nghe thì luôn nhận được “điệp khúc”: “Chị thông cảm, cửa hàng của em dạo này đang bận quá, ít hôm nữa em sẽ gửi hàng cho chị tới tận nơi”.
Ngày 7/10, do quá bực tức, chị Yến gửi biên lai, nhờ hai người quen là giảng viên Trường Đại học Nông lâm Huế đến tận nhà may Chi để đòi áo thì cũng chỉ nhận được những câu trả lời loanh quanh, hứa hẹn. Hai người đến đòi áo thậm chí đã phải rút điện thoại ra doạ gọi báo công an can thiệp. Đến đầu giờ chiều ngày hôm đó, nhà may thuê một người xe ôm đưa hàng đến chỗ hai người bạn của chị Yến. Tuy nhiên không đủ bốn mà chỉ có hai bộ, và lại hứa hẹn ngày mai sẽ chuyển tiếp.
Chị Lan chia sẻ: “Chúng tôi nhận hàng, nhưng hai chiếc áo dài này không đúng với mẫu trước đó bọn tôi đã đặt may. Tức giận, tôi điện thoại lại hỏi thì được nhà may Chi trả lời rằng: “Đưa nhầm” rồi cúp máy. Đáng nói hơn nhà may này còn dám cắm hai que nhang đã cháy xếp ngay ngắn vào áo dài. Tôi không biết họ bỏ những thứ này vào là có ý gì nữa. Lúc phát hiện, người thân tôi còn hét lên sợ hãi vì cho rằng áo dài bị “yểm bùa”. Thật đáng trách, họ đã chậm trễ khiến khách hàng buồn lòng. Tôi còn mất uy tín vì đây là áo may cho cô tôi làm quà kỷ niệm. Trước lúc may. Tôi hỏi cô thích màu gì. Rồi đã hứa ngày tặng cô, vậy mà nhà may lại làm ăn như thế. Có chậm trễ thì còn có thể tha thứ, chứ bỏ cây hương vào thì không thể chấp nhận được. Văn hoá, uy tín của nhà may ở đâu?”.
Hai giáo viên phản ánh tiếp, họ trả hai bộ này lại. Phải đến trưa 20/10, họ mới nhận được bốn bộ áo dài từ nhà may. Tuy kích cỡ, màu sắc đều đúng, thế nhưng không phải vải mà họ đã mang đến yêu cầu may từ trước. “Khi đi chợ mua vải, chị em tôi mua vải “xịn” nhất thêu thủ công, thế mà giờ đưa áo may vải “đểu”, thêu bằng máy. Đưa hàng này về chúng tôi cũng không dám mặc, biết đâu họ lại “yểm” bùa hay có thứ gì khác thì sao. Nhà may này quả là làm chúng tôi ác cảm với Huế”, chị Yến nói. Chị Lan tố tiếp: “Không những chúng tôi là nạn nhân của cung cách làm ăn chụp giật, thiếu văn hoá này, mà còn rất nhiều người nữa. Mới đây tôi còn biết một đoàn du khách từ Lào Cai may tới 20 bộ cũng bị chậm trễ nhiều tháng, những khách này cũng rất bức xúc như chị em chúng tôi. Chúng tôi đều là nhà giáo, không thể nào vu oan cho người khác được”.
Chiếc áo dài với 2 cây hương đã thắp sắp ngay ngắn làm chị Yến phát hoảng.
Nhà may cho rằng khách hàng “đặt điều”
Báo chí đã có buổi làm việc với nhà may Chi, tiếp xúc với bà Lê Thị Quỳnh Như (40 tuổi, phụ trách nhà may). Bà Như nói: “Đúng là chúng tôi đã nhiều lần hứa hẹn, chậm trễ. Thời gian này do khách đến Huế rất nhiều nên hàng bị tồn đọng”. Bà Như biện bạch: “Cửa hàng tôi vì uy tín nên nhận hàng và tự may luôn, không hề chuyển giao cho tiệm khác, nếu chuyển thì khỏi lo chậm trễ rồi. Mặc khác, cửa hàng tôi có tới 10 thợ nhưng giai đoạn này chỉ còn 5 vì người nghỉ thai sản, người đau ốm, tuyển thợ mới thì làm chưa được và không hợp “gu”. Chuyện giao nhận hai bộ áo dài vào ngày 7/10, tôi thừa nhận có vì chúng tôi sơ ý lấy nhầm chiếc áo dài có cùng tên với chị Yến nhưng lại không đúng mã số”.
Trước câu hỏi có hay không việc nhà may để hai que nhang vào áo dài, còn sắp ngay ngắn với nhau? Phải chăng quá trình trao đổi qua điện thoại giữa nhà may với chị Yến và chị Lan, xảy ra mâu thuẫn nên nhà may “trù ếm”? Bà Như trả lời : “Đúng là hai chị ở Hà Nội đó có điện cho cửa hàng nhiều lần nhưng tôi chỉ nghe hai lần. Những lần khác nhân viên tôi nghe máy, chắc là chưa khôn khoé nên hai bên không tránh khỏi sự to tiếng. Còn chuyện cửa hàng tôi bỏ que hương vào áo thì tôi khẳng định 100% là không có. Có thể người khác “chơi” cửa hàng tôi, vì hôm đó vận chuyển từ nhà may đến tay của khách qua rất nhiều công đoạn”.
Bà Như kể lại: “Đầu tiên tôi phải nhờ xe thồ chuyển qua bạn của họ, sau đó những người bạn này lại gửi bằng xe khách ra Hà Nội chuyển tới cho hai chị này, chứ không phải gửi trực tiếp bằng đường bưu điện”. Bà Như phản bác: “Cũng có thể do những vị khách này tức giận quá nên đặt điều như vậy thôi. Còn một tình tiết hết sức quan trọng, đó là sau khi chị Yến nhận được hai cái áo này thì chị có điện thoại lại cho tôi báo là đã nhận hàng nhưng không đúng với áo, chứ không hề nhắc đến chuyện hai que hương gì hết”.
Còn đâu uy tín cả đời gây dựng?
Đi đến tận cùng sự việc, PV tìm gặp người xe thồ trực tiếp chuyển hai chiếc áo dài được cho là có chứa hai que hương. Anh này cho biết: “Tôi còn nhớ như in chiều hôm đó trời mưa giông, tôi tới nhà may Chi nhận hàng để đi giao cho một thầy giáo. Sau đó thầy này chuyển hàng lên xe đưa đi Hà Nội. Hôm đến nhà may tôi trực tiếp thấy nhân viên gói áo lại, không hề thấy có que hương nào nằm trong áo hết. Có thể do ai đó muốn làm giảm uy tín của nhà may này mới bịa ra chuyện này mà thôi”.
Về việc ngày 20/10 nhà may Chi gửi bốn cái áo (một vải voan kem hoa nâu màu giạch quần đen, một màu giạch thép voan vàng quần màu trứng, một màu hoa đỏ quần lam, một áo kem thêu máy hoa chân quần đen) mà khách hàng sau khi nhận, cho rằng là vải đểu chứ không phải vải của mình? Nhà may này biện bạch: “Đây đúng là vải của khách, không thể có sự nhầm lẫn được. Đây chỉ là vải thêu bằng máy mà thôi chứ không phải là vải được thêu bằng thủ công”.
Nhà may Chi được thành lập từ năm 1971, từng được nhiều người biết đến. Nhà may còn có chi nhánh tại TP.HCM và một tại Hà Nội. Ông Lê Đức Minh (68 tuổi, người khai sinh ra nhà may Chi, cha của chị Quỳnh Như) từng nằm trong Ban Giám khảo cho các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1999 – 2003. Ông bà sinh được 6 người con (bốn trai, hai gái) đa phần đều theo nghiệp của cha.
Trước đây, gia đình này nổi tiếng giàu có. Họ có nhà mặt phố ở Huế, TP.HCM và Hà Nội, sau này vì người con trai thứ hai của ông Minh ở Hà Nội ham chơi, cá độ bóng đá, phải chăng vì thế mà kinh tế gia đình đi xuống một cách thê thảm? Người ta thấy ông Minh bán căn nhà ở Huế, cách đây gần một năm thuê mặt bằng ở số 37 Mai Thúc Loan để mở tiệm may. Ông Minh giao cho cô con gái Lê Thị QUỳnh từng học một trường thiết kế thời trang quản lý.
Ông Minh khuôn mặt phúc hậu, buồn rầu than thở: “Mọi chuyện xảy ra trong thời gian đối với nhà may tôi thật là xui xẻo. Bây giờ tuy tôi đã già, lại bị tai biến nhẹ nhưng tôi phải ra lại cửa hàng để phụ giúp con gái để lấy lại uy tín mà cả đời người tôi bỏ ra gây dựng. Cũng mong rằng cơ quan chức năng vào cuộc để xác định chuyện có hay không nhà may bỏ hai cây hương vào áo dài của khách".
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?