Euro 2012: Chiến thuật gì lên ngôi?

Ở mỗi giải đấu lớn, người ta đã quá quen với những lời phán đại loại như “Giải năm nay là sự lên ngôi của lối chơi XYZ”, trong đó xyz có thể là tấn công hay phòng ngự, với những phân nhánh khác nhau.

Vậy ở Euro 2012, việc giai đoạn đấu bảng đã đi được nửa chặng đường liệu đã đủ để đưa ra nhận định lối chơi nào đang chiếm ưu thế?

Câu trả lời là chẳng có lối chơi nào đang chiếm ưu thế cả. Bởi bóng đá hiện đại dường như không có sự phân biệt rõ rệt đội này chỉ chơi tấn công, đội này chỉ chơi phòng ngự như trước đây. Chiến thuật phổ biến nhất là lối chơi… hợp lý, nghĩa là tùy thuộc vào thực tế trận đấu. Lấy ví dụ là Ý, cha đẻ của trường phái phòng ngự bêtông trước đây. Ở trận mở màn với Tây Ban Nha, Ý lại tiến hành “khai quật” sơ đồ năm hậu vệ vốn đã bị xếp xó từ lâu với Danielle De Rossi chơi như một libero. Tuy nhiên, không ai nói rằng người Ý đã chơi phòng ngự ở trận đấu đó, mà đôi lúc chính họ mới là đội chơi tấn công và chiếm ưu thế lấn lướt.

Một ví dụ khác, khi đội tuyển Tây Ban Nha và CLB Barcelona thống trị các giải bóng đá trong những năm qua, nhiều người nhận định giữ bóng (hay kiểm soát bóng) chính là lẽ sống còn của bóng đá. Tuy nhiên, câu nói này chỉ đúng với trường hợp của các đội bóng dựa vào những cầu thủ giỏi cầm bóng như Tây Ban Nha. Và khi Tây Ban Nha bế tắc với lối chơi không có tiền đạo đích thực, thì ai cũng thừa nhận rằng Jose Mourinho đã đúng khi nói rằng “La Roja” chẳng khác nào một thanh gươm cùn.

Một dẫn chứng sống động khác là trường hợp của Hà Lan. Ở World Cup 2010, họ đá với một chiến thuật chặt chẽ và đôi khi bạo lực đến mức “đá bẩn”, song đã lọt vào tới chung kết và suýt làm nên chuyện lớn. Còn ở Euro 2012 lần này, khi Hà Lan quay lại với những đường lên bóng ồ ạt, với nhiều “nghệ sĩ trình diễn” thì họ đang đứng trước nguy cơ bật bãi từ vòng bảng sau hai trận thua liên tiếp.

Thế nên, kết luận được rút ra chân lý đang thuộc về những đội bóng khi cần tấn công thì tấn công mạnh mẽ, nhưng khi cần phòng thủ thì cũng chặt chẽ đến mức nghẹt thở. Đức đã đặt một chân vào tứ kết với lối chơi đó, và phần nào là cả đội tuyển Nga. Trong trường hợp này, thật khó để nói rằng Đức và Nga đi theo trường phái nào. Bởi lựa chọn của họ là lối chơi hợp lý, cái gì cũng chơi tuốt!