Đúc tượng Phật hoàng và những câu chuyện kỳ lạ
Chủ nhật, 19/01/2014 10:49

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được nhận định là đúc đúng nguyên mẫu, tượng đẹp và chắc chắn. Ít người biết, trong quá trình đúc bảo tượng có nhiều điều lạ.

Đội thi công Cty Xây dựng Mỹ thuật Hà Nội

Đội thi công Cty Xây dựng Mỹ thuật Hà Nội

Bảo tượng được khánh thành vào ngày 3/12/2013 tức (1/11 năm Quý Ty) đúng dịp kỷ niệm 705 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Bảo tượng được dư luận quần chúng đặc biệt quan tâm với 300.000 lượt người về dự lễ khánh thành.

Bảo tượng đạt kỷ lục về đúc khối lượng lớn với công nghệ và địa bàn thi công phức tạp. Trước khi thực hiện giải pháp đúc bảo tượng, Thượng Tọa Thích Thanh Quyết đã đi tìm chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc và nghệ nhân các làng nghề truyền thống của Việt Nam đều khẳng định đúc không thành công.

Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội, là đơn vị đưa ra giải pháp và công nghệ đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đúc liền khối và đúc trực tiếp trên giàn giáo.

Bà Phạm Thị Mai Hoa, Giám đốc Cty và là người trực tiếp chỉ đạo thi công cho biết, ngày 13/10/2009, đơn vị đã đúc thử thành công cánh sen nhỏ khối lượng 3 tấn đồng trong điều kiện thời tiết mưa gió.

Đúc thử lần thứ hai trực tiếp trên giàn giáo với khối lượng là 7 tấn đồng trong 1 lò nấu và vận hành trên giàn giáo khẳng định việc nấu chảy đồng và khẳng định đúc bảo tượng Phật hoàng hoàn toàn thực hiện được trên non cao Yên Tử.

Mẫu tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được Hội đồng Nghệ thuật tuyển chọn từ hơn 50 phác thảo dự thi và được làm theo nguyên mẫu hình tượng của Ngài đang tọa thiền trong Huệ Quang Kim Tháp (chùa Hoa Yên- Yên Tử). Hình mẫu được cho là cổ xưa nhất và giống nhất với diện mạo của Ngài.

Để thực hiện công nghệ khó: đúc liền khối và đúc trực tiếp trên giàn giáo, các lò nấu đồng phải được bố trí hợp lý sao cho đường dẫn chảy của đồng trực tiếp từ lò nấu vào khuôn ngoài và thao trong của tượng. Giàn giáo chia làm 6 tầng cao 18,5m, nặng 420 tấn, tổng diện tích thi công là 400m2. Quá trình đúc chia làm 3 giai đoạn với 22 lò nấu đồng. 

Cùng với 22 lò nấu đồng, phải bố trí hệ thống ống thoát nhiệt 22 ống; có những ống thoát nhiệt cao tới 20m.

Công trình trải qua hơn 4 năm chuẩn bị đầu tư và 4 năm thi công, huy động gần 5.000 lượt người tham gia, vận chuyển 6.000 tấn nguyên, vật liệu các loại; san tẩy hơn 3.000 khối đá hoàn toàn bằng sức người, thủ công. Đồ thờ lễ được làm trong thời gian hơn 1 tháng cuối cùng trước ngày khánh thành. Đội thi công gồm 10 người hoàn thành việc đúc trong 1.200 ngày công. Tổng khối lượng đồ thờ cúng như chuông, khánh, bàn thờ, đỉnh hương, lư hương… là hơn 7 tấn.

Tổng kinh phí xây dựng bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hơn 75 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa. Dự kiến du khách hành hương về Yên Tử trong năm 2014 sẽ tăng lên 3 triệu lượt khách so với 2,5 triệu lượt trong năm 2013.

Tienphong.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Đúc tượng , Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông , Chuyện lạ Việt Nam , Bí ẩn , Khoa học , Tín ngưỡng , Mê tín dị đoan