ĐT Anh và "tiền sử" mất quân trước các giải đấu lớn: Tất cả vì tiền!

Những ca chấn thương liên tiếp của các cầu thủ Anh khiến người hâm mộ buộc lòng phải đặt ra câu hỏi tại sao.

Những tin dữ liên tục tới với “Tam Sư” trong những ngày cuối cùng chuẩn bị cho Euro 2012. Đầu tiên là trường hợp của Gareth Barry khi cầu thủ của Man City bị chấn thương háng trong trận giao hữu với Na Uy. Kế tiếp là Lampard chấn thương đùi trong lúc tập luyện cùng các đồng đội cho trận giao hữu với ĐT Bỉ. Và chính trong trận đấu với đội bóng của Hazard, trung vệ Cahill đã dính một chấn thương ở xương hàm và đành rời đại bản doanh của “Tam Sư” để tới bệnh viện điều trị.

Những cầu thủ như Lampard đã có một mùa giải không nghỉ...

Cả ba trường hợp trên đều là những trụ cột của ĐT Anh và vắng họ cũng có nghĩa là HLV Roy Hodgson sẽ đau đầu tìm phương án thay thế. Đó là chưa kể tới trước thềm Euro 2012, tài năng trẻ sáng giá nhất của bóng đá xứ sở sương mù là Jack Wilshere cũng đã không thể góp mặt bởi một chấn thương rất nặng. Bên cạnh đó, Smalling cũng chẳng thể cùng đồng đội tận hưởng cảm giác được tung hoành tại Euro 2012.

Tuy rất lo lắng cho tình hình của đội nhà nhưng các CĐV của “Tam Sư” có lẽ cũng chẳng quá ngạc nhiên bởi ĐT Anh vốn có “truyền thống” mất các trụ cột do chấn thương trước các giải đấu lớn. Suốt từ năm 2002, gần như ở một kỳ Euro hay World Cup nào mà tuyển Anh lại có được đầy đủ những cái tên xuất sắc nhất.

Tại World 2002, bộ đôi Gary Neville và Beckham của M.U không thể tham dự. 2 năm sau, tại Euro 2004 đến lượt Woodgate, Southgate và West Brom phải chầu rìa. Đến World Cup 2006, tới lượt Owen, Rooney và Ledley King vắng mặt. Tới World 2010, Owen tiếp tục không có duyên tham dự và 3 cái tên khác cũng chịu chung số phận là Beckham, Rio Ferdinand và Barry. Còn ở Euro 2012, số ngôi sao phải ngồi nhà xem đồng đội thi đấu qua tivi tính thời điểm này là 6 người bao gồm: Wilshere, Barry, Lampard, Cahill, Smalling và Dawson.

Nếu để ý, có thể nhận ra một quy luật là số ca chấn thương của ĐT Anh trước các giải đấu lớn là tỉ lệ thuận với thời gian. Có lẽ, hiếm có ông lớn nào ở châu Âu cũng như trên thế giới lại bị nạn chấn thương làm cho mếu máo như “Tam Sư”. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các ngôi sao ở xứ sở sương mù cứ chọn đúng thời điểm quan trọng để dính chấn thương?

Câu trả lời có thể khiến nhiều người giật mình bởi Premier League chính là thủ phạm. Thật vậy, FA luôn tự hào Premier League là giải đấu hàng đầu thế giới nhưng chính sự hào nhoáng đó đã khiến bóng đá Anh điêu đứng. Như đã biết, các CLB ở Anh luôn phải thi đấu với một mật độ dầy đặc trong suốt cả mùa giải. Đáng phê phán nhất là thời gian các giải đấu khác nghỉ giáng sinh, năm mới những CLB ở Anh vẫn phải ra sân cầy ải và lịch thi đấu còn khốc liệt hơn bình thường bởi những người đứng đầu bóng đá Anh cho rằng đó là thời điểm để hút khách và kiếm bộn tiền từ bản quyền truyền hình.

...Nên việc chấn thương khi lên tuyển là điều dễ hiểu

Vì cái lợi trước mắt mà nói thẳng ra là vì tiền, những người có trách nhiệm sẵn sàng vắt kiệt sức các cầu thủ của mình để rồi khi mùa giải kết thúc, thể lực của họ gần như cạn sạch. Với những cầu thủ như vậy, ngay lập tức lao vào tập luyện để chuẩn bị làm nghĩa vụ quốc gia đúng là một cực hình. Cầu thủ không phải là cái máy và có giới hạn chịu đựng nhất định và khi sức chịu đựng đi quá giới hạn việc chấn thương là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Tin rằng những người làm bóng đá Anh chắc chắn đủ thông minh để hiểu được hậu quả của những việc mình đang làm nhưng vì cái gọi là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, vì tiền bạc họ vẫn sẵn sàng đánh đổi tất cả. Và nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, ĐT Anh đừng bao giờ mong có được một đội hình lành lặn để tranh tài cùng các anh hào khác.