Sự độc đáo của cái Tết này là được tổ chức vào .. ngày rằm Trung thu và trong ngày tết này, tất cả các món ăn đều được nấu và gói xong trước bình minh.
Tiếng người gọi nhau í ới trong đêm. Tiếng hộc lên của những con trâu bị chọc tiết. Gà kêu quang quác và tiếng chó sủa đinh tai nhức óc… Tất cả hòa lẫn thành một thứ âm thanh hỗn tạp đầy phấn khích. Trong bếp, những bếp lửa được nhóm lên. Tiếng nói, tiếng cười của đàn bà con gái ấm nồng như lửa đỏ. Lần lượt từng món, từng món qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ được nấu chín. Xôi được đồ xong và cho vào ép khảu (một dụng cụ được đan bằng cật nứa hoặc giang để đựng cơm). Tổ cáy (Gà), tồ pết (vịt) được nấu chin. Pa giảng (cá khô), nhứa giảng (thịt khô), khiết giảng (nhái khô), tồ meng nai (dế mèn), châu chấu, lươn khô… tất cả con gì ăn được đều phải được nín chín trước bình minh. Tổ tông của người Lào dặn rằng, phải thức dậy trước con ruồi, con muỗi và gói thức ăn lại trước khi chúng nó dậy. Không để nó ăn. Vì như vậy sẽ không gặp may.
Khoảng 5 giờ sáng, tất cả công đoạn nấu nướng đã hoàn tất. Mọi người chuyển sang công đoạn hai là gói. Những món vừa chế biến được gói chung tất cả vào một gói bằng lá dong rừng và bày lên mâm. Mỗi một mâm sẽ có rất nhiều gói như vậy, chừng 20 đến 30 gói, tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Trong mâm còn có hai chén rượu được chưng cất từ gạo trồng trên nương, các loại quả trong vườn, trên rừng - sản vật của mùa thu. Chừng 7 hoặc 8 giờ sáng, việc bày mâm hoàn tất.
Người Lào thường cúng theo dòng họ. Mỗi gia đình ít nhất làm 5 mâm. Dòng họ lớn hơn thì 10 mâm. Các mâm đó được bày ở bốn góc nhà, bàn thờ, các cửa lớn, mỗi gian một mâm. Nhà bếp hai mâm. Gầm sàn một mâm (là mâm dành cho linh hồn súc vật). Thông thường, mâm ở bàn thờ to nhất cũng ông cụ, ông kỵ của dòng họ. Theo quan niệm của người Lào, ở mỗi góc nhà đều có ma góc giữ nhà nên phải cúng nó mỗi góc một mâm. Mỗi cửa có một mâm riêng thờ thần cửa. Hay còn gọi là ma chủ cửa, ngăn không cho các ma tà khách vào nhằm bảo vệ gia chủ. Mỗi một gian có một mâm của con út, con rể, con dâu… mời cụ, kỵ đến ăn. Thần linh và tổ tông đến gian nào cũng được con cháu mời ăn uống với ý nghĩa biết ơn và mong muốn được phù hộ cho được khỏe mạnh, may mắn, mùa màng tốt tươi.
Bữa cơm Tết của người Mường. Ảnh minh họa.
Khác với dân tộc Kinh, người Lào không thắp hương khi bày mâm. Vì từ ngày trước (14 âm lịch) họ đã thắp hương ở bàn thờ và ngoài mộ hẹn và mời tổ tiên sáng mai về. Ngày sau cứ đặt mâm không phải nói gì cả. Tất cả những mâm đó phải được bày trong vòng 9 đến 10 tiếng đồng hồ. Khoảng 5 giờ chiều, mọi người mới được lấy ra ăn. Khác với các dân tộc khác, người lào ít kiêng kỵ và rất hiếu khách. Trong ngày tết, khách có thể đến chơi và ăn, uống thoải mái bất kỳ lúc nào.
Trong thời gian chờ đợi cơm cúng, thịt trâu và rượu được bày ra. Khách và chủ nhà vừa ăn thịt trâu, uống rượu, nói chuyện và hát hò. Rượu làm đỏ mặt các chàng trai, hồng má các cô gái. Cả chủ và khách đều uống nhiệt tình. Uống đến lâng lâng. Mùa màng đã thu hoạch xong rồi, ta cứ say thôi.
Những người phụ nữ có lẽ là vui nhất. Ngày tết, họ được cùng mọi người nấu nướng cho những người thân. Vui hơn là có cơ hội diện những bộ váy áo đẹp nhất của phụ nữ Lào.
Về tâm linh, dân tộc Lào rất coi trọng người đàn ông, là trụ cột gia đình. Vì vậy, khi người đàn ông mất đi được thờ trên bàn thờ ở gian góc. Người phụ nữ chỉ được thờ ở dưới sàn của gian giữa. Trong gian góc thờ đó, tất cả mọi người đều được vào trừ con dâu. Khi bày mâm ở gian đó, con dâu không được đưa vào. Ngôi nhà sàn của người Lào thường có 5 gian (3 gian chính và gian phụ). Chủ nhà ngủ gian giữa. Ông, bà ngủ gian có bàn thờ. Con trai, con gái nằm ở gian cuối.Khi ông bà mất, chỉ có cháu mới được phép ngủ ở gian thờ. Con ruột muốn ngủ gian này phải làm thủ tục sửa nhà. Đây là một hình thức tượng trưng. Chỉ cần dỡ viên ngói, hoặc tranh ra rồi lợp lại là được.
Ở gian giữa dành cho chủ nhà, khách không được ngủ. Dù rất hiếu khách và thoải mái nhưng nếu ai không biết mà vào ngủ sẽ bị phạt tiền hoặc phải cúng lợn, gà tùy theo từng chủ nhà phạt vạ. Cho nên, dù vui dù say khách cũng giữ ý để không phạm vào kiêng kỵ này. Vì như vậy là không tôn trọng gia chủ.
Tôi rời Mường Và lúc chạng vạng trong tâm trạng ngất ngây như người say. Như thể hương cơm gói còn phảng phất đâu đây và men rượu vẫn có thể làm bất kỳ ai đến đây đều phải say túy lúy. Tôi đã say men núi rừng Tây Bắc.