Những đỉnh núi của dãy Tateyama (thành phố Toyama) trắng xóa tuyết phủ, phát sáng dưới ánh nắng y như tranh vẽ đến nỗi có người trong đoàn chúng tôi ngỡ là... tuyết giả. Phải tận khi đến khu du lịch Yuki-no-Otani mà người Nhật gọi là những bức tường tuyết, con đường tuyết, đặt tay lên vách tường trắng, cảm nhận từng ngón tay lạnh dần đến cóng lại mới tin là tuyết thật.
Ai đó nói vui: “Quên đem chai xirô, tiếc quá, đang có sẵn cả núi đá bào”.
Sự kỳ vĩ của thiên nhiên
Con đường đi bộ giữa hai bên là hai bức tường tuyết trắng xóa cao hàng chục mét, những lối mê cung ngoắt ngoéo phả hơi lạnh thách thức... thu hút hàng hàng du khách phần lớn là người châu Á nối nhau đi.
Tuyết với những khách du lịch đến từ phương Nam đầy nắng vàng như chúng tôi mới lạ lẫm và hấp dẫn làm sao. Tuyết ở đây lại càng đặc biệt hơn nữa: tuyết rơi xuống từ trời, còn những con đường tuyết, bức tường tuyết này lại thấm rõ bàn tay, dấu chân con người. Tuyết cao vời vợi xung quanh nhưng con đường chúng tôi đi bộ lại sạch tinh không một vệt nước.
Tuyết rơi từ tháng 12 nhưng phải đến cuối tháng 3, khi tất cả các hạt nước từ trời đã rơi xuống hết người ta mới bắt đầu vào việc dọn tuyết để thành đường, nén tuyết để hình thành những bức tường vững chắc, tránh sạt lở gây nguy hiểm cho du khách, vẽ những mê lộ hấp dẫn trên đồng tuyết... Và đến tháng 4 thì khu du lịch mới mở cửa đón khách, chỉ vẻn vẹn trong vòng một tháng rưỡi.
Ngày chúng tôi đến, đã giữa tháng 6 và ban quản lý cho biết chỉ một tuần nữa những bức tường tuyết cao vọi, mê cung lóa mắt này sẽ không còn vì nắng đã lên và tuyết đang dần tan, “khi ấy tất cả sẽ biến mất, chỉ còn những ngọn núi”.
Ai đã từng say mê cái đẹp mong manh như ảo như thực, còn đó rồi mất đó trong những trang sách Xứ tuyết của văn hào Kawabata ắt sẽ giật mình, huống chi chúng tôi đến từ Sài Gòn nơi bốn mùa không được bàn tay thiên nhiên phân biệt rõ rệt và chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có tuyết rơi.
Mọi người lại hối nhau chụp ảnh. Màu trắng mênh mông xung quanh, những đỉnh núi được phủ lụa như tranh thủy mặc chợt nhuốm màu của tiếc nuối. Các tay máy nhiếp ảnh nghiệp dư trong đoàn lập tức nảy ra ý định cắm chân máy cố định, chụp một đỉnh núi từ lúc còn trắng xóa tuyết phủ cho đến khi trở lại xanh biếc màu cây cỏ.
Tateyama vốn được coi là núi thiêng của người Nhật, nếu bộ ảnh ấy được hoàn thành hẳn người chụp cũng sẽ đi được một đoạn dài về phía bản ngã của mình.
Và tài hoa đôi bàn tay
Tuyết có tan rồi, thôi trượt tuyết, thôi đắp những người tuyết hình tròn quen thuộc, thì Tateyama lại vẫn còn những dịch vụ hấp dẫn khác: vượt qua khe núi từ độ cao 2.316m bằng cáp treo, kỳ hoa dị thảo xung quanh thi nhau khoe sắc trong mùa hè, chinh phục con đường bậc thang để hạ từ đỉnh 1.828m xuống 1.455m.
Đến được đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hồ Kurobe nước trong xanh tuyệt đẹp, khoanh tròn giữa khe, hai bên hai ngọn núi cao vút. Đi bộ trên thân đập nước Kurobe kỳ vĩ hình vòng cung, không thể dứt khỏi những suy nghĩ về sự kỳ vĩ của bàn tay con người.
Tateyama trập trùng, bàn tay con người hiển hiện rất rõ ràng ở mọi nơi. Những cung đường uốn lượn, những đường hầm xuyên núi, những tia nước bí mật dưới lòng đường để làm tuyết tan tránh nguy hiểm cho xe chạy ngang, đập nước, hồ, tường tuyết... Con người giữ gìn, tô điểm, trang hoàng, cộng thêm những giá trị cho thiên nhiên. Có lẽ chính vì thế, dù chẳng được thiên nhiên ưu đãi nhiều như các nước khác, Nhật Bản vẫn cứ là một chốn du lịch trong mơ.
Rời Tateyama, ai đó lại than tiếc: “Ô, tuyết tan rồi kia, khi nãy chỗ này còn trắng xóa mà giờ thấy đất lộ ra rồi”. Quy luật thiên nhiên là vậy. Rồi sang năm, tuyết sẽ lại rơi, bàn tay con người lại cần mẫn đắp những bức tường, những mê cung và một khu du lịch nổi tiếng sẽ lại hiện ra...
Ở độ cao 2.390m ai cũng muốn lưu lại khoảnh khắc hiếm có này
Xem tuyết mùa hè có lạnh như tuyết mùa đông không?
Muốn chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của thiên nhiên phải vất vả một chút