Dòng Nho Quế giữa muôn trùng núi non
Đó là một buổi chiều cuối đông ở Xẻo Lũng - bản người dân tộc Mông nằm cheo leo bên đường tuần tra biên giới, gần kề cột mốc 427, 428 thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tức nơi cực Bắc xa xôi của Tổ quốc. Và nơi phần đất phía Bắc Việt Nam có hình tựa chiếc nón lá thì đây chính là đỉnh của chóp nón.
Vùng đất này còn sở hữu cột cờ Lũng Cú trải qua bao thời kỳ lịch sử vẫn kiêu hãnh, hiên ngang trên núi Rồng. Màu cờ Tổ quốc phất phới tung bay trên những dãy núi biên cương hùng vĩ, qua những cánh rừng xanh mát ngút tầm mắt, những bản làng dân tộc Lô Lô Chảy, Mông Trắng bao đời bám trụ, giữ đất sinh sống. Đó cũng là nơi mà dòng sông Nho Quế phát nguyên từ vùng núi Nghiễm Sơn, Vân Nam, Trung Quốc chảy vào lãnh thổ Việt Nam.
Chông gai đường khám phá
Để khám phá trọn vẹn dòng sông Nho Quế, chúng tôi dùng xe gắn máy nương theo lối mòn của dân bản địa trên sườn núi chạy cặp con sông về hướng hạ lưu và nhiều đoạn phải đi đường vòng vì vực sâu, núi cao chia cắt.
Thật ra sông Nho Quế không quá dài, khoảng 46 km, trong đó đoạn phía thượng nguồn chiếm hơn 5km là đường biên giới hai nước Việt - Trung, phần còn lại chảy trên hai địa phận tỉnh Hà Giang và Cao Bằng. Thế nhưng nhờ ưu thế vùng thượng lưu nằm ở độ cao trung bình 1.200m so với mặt biển, độ dốc khá lớn, dòng chảy mạnh qua nhiều tầng lớp đá tai mèo sắc nhọn, hình thành vô số ghềnh thác trắng xóa giữa những thung lũng, hẻm vực khi ẩn khi hiện trong đám mây trôi bồng bềnh khắp nẻo, khiến cảnh sắc luôn hùng vĩ mà mơ màng.
Dòng Nho Quế chảy qua khe núi Tu Sản và đèo Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc cách Lũng Cú khoảng 15km được xem là ngoạn mục nhất.
Cột cờ Lũng Cú vẫn sừng sững, hiên ngang trên núi Rồng dù trải qua bao thời kỳ lịch sử
Lối mòn từ Đồng Văn đến cửa phía tây khe núi Tu Sản hoang vắng, quanh co không dành cho người yếu tim. Đường hẹp, chênh vênh, nham nhở đá tai mèo mà mỗi lần thả dốc, ôm cua là một lần phải nín thở khi thấy bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Nhưng nhờ vào sắc màu hoa gạo đỏ rực trên khắp những ruộng bậc thang trải dài bên rẻo núi, lưng đèo, dưới đáy vực hình ảnh con sông Nho Quế đang êm ả trôi xuôi khiến chúng tôi tạm quên đi nỗi lo lắng.
Chẳng nhớ còn lên xuống bao nhiêu con dốc nữa, chúng tôi mới tới Thín Ngài, một xóm nhỏ với hơn mười nếp nhà trình tường, mái ngói âm dương cổ kính của người Mông, Giáy, Tày. Một hình ảnh bản làng cổ xưa, bình dị, đầy sắc màu sơn cước mạn Đông Bắc.
Ở đây còn có một lối nhỏ cắt ngang thửa ruộng bậc thang và vài con dốc đất trơn như bôi mỡ dẫn xuống bờ sông. Nhưng cái khó nhất vẫn chờ phía trước bởi muốn vào sâu hẻm vực dài khoảng 1km từ hướng tây sang hướng đông và bề rộng chừng 40km, chúng tôi bắt buộc phải leo trèo qua hàng loạt ghềnh đá tai mèo lởm chởm, sắc nhọn như bãi chông và nếu trườn mình không khéo thì tay chân bị đá cứa, cắt đến tóe máu...
Nín thở với Mã Pì Lèng
Mỗi bước chân vào hẻm vực Tu Sản, chúng tôi cảm nhận được sự biến chuyển của cảnh sắc thiên nhiên. Hơi mát lạnh từ đá, tiếng nước chảy róc rách, những âm thanh thì thầm của gió, vạn vật dường như càng lúc càng bị chìm đắm vào giữa hai vách đá cao chót vót, ước chừng hơn 200m.
Sông Nho Quế với sắc màu ngọc lục bảo khi nhìn từ đèo Mã Pì Lèng
Chúng tôi đi ngược về thị trấn Đồng Văn rồi rẽ sang đèo Mã Pì Lèng, với chiều dài khoảng 20km gồm chín khoang uốn lượn theo sườn núi cheo leo và đỉnh núi cao độ hơn 2.000m so với mặt nước biển. Hơn thế nữa, con đèo là một phần của cung đường mang tên Hạnh Phúc (dài 200km tính từ thành phố Hà Giang tới huyện Mèo Vạc) đã được những thanh niên trong đội cảm tử vào đầu thập niên 1960 treo mình trên vách đá ròng rã 11 tháng đục đẽo tạo thành đường công vụ.
Đi trên đỉnh đèo bốn mùa bồng bềnh trong mây, nhìn xuống vực dưới nghìn mét sâu, con sông Nho Quế sau khi vượt qua hẻm vực Tu Sản, xẻ đôi một bên là dãy núi Mã Pì Lèng - tức sống mũi con ngựa và bên kia là núi Săm Pun - nghĩa là sấm sét và gió. Đó cũng là phong cảnh được đánh giá là đẹp nhất trong suốt lộ trình của con sông kể từ thượng nguồn giữa một di sản kiến tạo địa mạo thuộc loại độc đáo vô song ở Việt Nam.
Điều đó cũng lý giải tại sao hẻm Tu Sản đã được xếp hạng quốc tế và được chọn làm điểm trung tâm trong logo của công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.
Du khách trên đèo Mã Pì Lèng
Người dân tộc Tày sống ở đây khá thưa thớt bên thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp hướng ra bờ sông. Nhà nào cũng có một vài bè mảng làm bằng cây nứa khô ghép lại dùng để đi lại hoặc giăng lưới kiếm mớ cá hằng ngày. Thi thoảng trên sông vọng lên tiếng í ới, cười đùa của đám phụ nữ đang tắm mát như phá tan sự thanh vắng, tĩnh mịch buổi hoàng hôn.
Chúng tôi đứng trên cầu treo Na Động xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, nơi sông Nho Quế cam phần phụ lưu cho sông Gâm chấm dứt hành trình vừa thơ mộng vừa kỳ vĩ, vừa tĩnh lặng nguyên sơ nhưng cũng vừa mãnh liệt, gào thét được thêu dệt bằng suối nguồn thác nước, trời xanh mây trắng, núi rừng trùng điệp.
Rời khỏi Lý Bôn, chúng tôi xuôi về Bảo Lâm, nhưng cái cảm giác bâng khuâng về sông Nho Quế vẫn còn vương vấn đâu đây.