Thời điểm này, khắp nơi ở Yên Bái trải dài màu xanh mơn mởn của những thửa ruộng mới cấy, những búp chè non mới nhú và lồng lộng gió xuân dịu mát ở hồ.
Mù Cang Chải
Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía tây của tỉnh Yên Bái với trên 90% dân số là đồng bào Mông. Đến với Mù Cang Chải du khách không khỏi trầm trồ bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên và cảm thán trước những triền ruộng bậc thang xanh ngút ngàn tầm mắt.
Người dân Yên Bái vẫn gọi xứ Mù bằng cái tên thân thương là “biển mây Khau Phạ” bởi muốn lên được đến Mù Cang Chải, du khách phải đi qua đèo Khau Phạ cao 2100m – một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng bậc nhất Việt Nam.
Mù Cang Chải nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp trải suốt từ Tú Lệ qua Khau Phạ, đến La Pán Tẩn, Chế Cu Nha...
Đến với Mù Cang Chải mùa này, từ trên cao nhìn xuống du khách sẽ thấy nơi đây khoác lên mình màu áo xanh của lúa mới, của những chồi non xanh biếc giữa chân mây điểm xuyết những bông hoa đào, hoa xuân rực rỡ.
Cánh đồng Mường Lò
Cách thành phố Yên Bái 80 km về phía tây, Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã nghĩa Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn và được ví là cánh đồng lớn thứ hai của vùng núi Tây bắc hùng vĩ, mộng mơ.
Nổi tiếng với hoa ban, gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc, thổ cẩm, ngòi Thia và đặc biệt là điệu xòe Thái uyển chuyển, mùa xuân về, khắp nơi trên cánh đồng Mường Lò bạn sẽ thấy hình ảnh làng quê thật thanh bình: Các bà các mẹ người Mông, người Thái, người Mường đi cấy lúa, trẻ con theo mẹ ra đồng, màu xanh của mạ non, sức xuân của đất trời cùng những khuôn mặt chân quê hồn hậu.
Cấy xuân. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn
Suối Giàng
Suối Giàng là xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm ở độ cao 1.371m so với mực nước biển, với diện tích 5.922 ha, được biết đến với các loại đá cảnh quý vân hoa tím, xanh với nhiều hình thù kỳ thú phân bố chủ yếu ở dãy núi Khỉ, thôn Kang Kỷ, thôn Suối Lóp…
Ngoài những sản vật của miền sơn cước như: Rau cải Mèo, su su, sa mộc, pơ mu, các loại củ, quả, ngũ cốc thì nét hấp dẫn du khách tìm đến với Suối Giàng là văn hóa Trà của người Mông. Niềm vui lớn nhất của nhiều du khách khi đến đây là được thưởng thức đặc sản chè Shan tuyết nức tiếng xa gần ngay tại cái nôi sản sinh cây Chè Tổ của thế giới.
Ven các luống chè, hoa đào nở rộ tô điểm thêm hương sắc cho mùa xuân nơi vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn.
Vùng chè cổ thụ Suối Giàng nằm ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp... Ngoài ra, du khách có thể tham quan các đồi chè ở tầng thấp với phong cảnh thiên nhiên hữu tình và tham gia vào cuộc sống sinh hoạt giản dị, mộc mạc của người Mông dưới chân núi.
Hồ Thác Bà
Từ Hà Nội, đi khoảng 140 km đường quốc lộ 2 hoặc quốc lộ 32 về phía tây bắc bạn sẽ đến được với Hồ Thác Bà thuộc địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên. Là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hồ Thác Bà có trữ lượng phù sa lớn và hệ sinh vật đa dạng với nhiều hang động đẹp và phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Hồ còn là nơi hội tụ của các dòng sông lớn như ngòi Hành, ngòi Cát…
Du thuyền trên Hồ Thác Bà. Ảnh: yenbai.gov.vn
Đến với hồ Thác Bà, du khách không chỉ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt sắc với 1.331 hòn đảo lớn nhỏ mà còn được thưởng ngoạn những kiệt tác thiên nhiên của tạo hóa với núi điệp trùng và những hang động huyền kỳ. Bên cạnh đó, bạn sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon đặc biệt trong bữa cơm thiết khách của đồng bào các dân tộc như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, thịt gà đồi nấu lá chanh, lợn mán quay hay gỏi cá, tôm...