Dấu vết thời Xô Viết
Praha nổi tiếng với 18 cây cầu bắc ngang con sông Vltava, hai bên bờ là những nhà thờ mái vòm cổ kính, những ngọn tháp mạ vàng trên đỉnh, tòa lâu đài hàng nghìn năm tuổi mang phong cách La Mã, Gothic và dòng sông mềm mại uốn lượn xuyên qua thành phố.
Được mệnh danh là thành phố vàng, người Praha tự hào gọi đây là một trong những thành phố xinh đẹp và quyến rũ nhất châu Âu, Praha đã thu hút nhiều triệu lượt khách đến thăm mỗi năm, và được tặng cho những mỹ từ như “thành phố vàng”, “vương miện của thế giới”, “thành phố của trăm đỉnh tháp”… Và cũng giống như thành Rome được xây dựng trên 7 ngọn đồi, Praha được xây dựng trên 9 ngọn đồi dọc theo sông Vltava.
Praha được thành lập trên giao lộ của tuyến đường thương mại cổ xưa, nơi giao thoa của các nền văn hóa và tâm linh khác nhau.
Tôi đến nhà trọ (hostel) “Mr. Tobby” ngay gần trung tâm. Nhìn từ cửa sổ phòng nghỉ, Praha vẫn còn mang dấu vết của thời Xô Viết cũ với những poster lớn in hình anh bộ đội, cô công nhân giơ tay quyết chiến quyết thắng, bên cạnh là hình cờ búa liềm.
Thú vị nhất là khi bước xuống vườn ngay sau nhà để thưởng thức tách cà phê sáng, tôi phát hiện tất cả bàn ở đây đều được “cải tiến” từ những chân máy khâu cũ thời XHCN. Không hiểu đây là một kiểu trang trí cổ điển có ý đồ, hay là cách người dân tận dụng những món còn xài được mà không muốn vứt đi? Người bạn Việt ở Praha qua nhà trọ đón tôi và nói: Đã đến Praha thì phải thử một cốc bia thật lớn, thưởng thức cà phê trên “tòa nhà nhảy múa” và phải đi coi bói! Tôi háo hức khôn tả vì lời đề nghị thật hấp dẫn!
Đồng hồ thiên văn học – một biểu tượng của thành phố Praha.
Ngắm thành phố trên “tòa nhà nhảy múa”
Người Séc luôn coi các loại bia sản xuất tại địa phương là những tài sản quý của quốc gia. Hẳn cái tên Bia Tiệp Khắc không còn xa lạ với người Việt, bởi hầu hết các loại bia ở đây đều ngon tuyệt hảo, thật khó để so sánh và tìm ra loại nào ngon nhất. Một số loại bia như Kozel hay Pilsner Urquell đã giành giải thưởng tại các “cuộc thi bia” trên thế giới.
Một người bạn dẫn tôi tới quán bia U FLEKU nổi tiếng địa chỉ tại số 11 phố Krememcova. Đây là quán bia cổ của người Séc có từ năm 1499, với tường ốp gỗ, đèn trang trí bằng cốc bia thuỷ tinh và tất nhiên chỉ bán một loại bia đen duy nhất do quán nấu. Không dám uống nhiều bởi vì tôi biết rằng ở mảnh đất mà bia như không khí để thở hàng ngày thì chúng tôi sẽ còn quá nhiều loại bia cần thưởng thức.
Đến Praha và thưởng thức bia Tiệp – niềm tự hào của người dân địa phương.
Thưởng thức một tách cà phê trên tầng cao nhất của “tòa nhà nhảy múa” (the dancing house) là một trong những trải nghiệm thú vị nhất ở Praha. Ngôi nhà là một niềm ngạc nhiên lớn và gây tranh cãi cho ngành kiến trúc thế giới, bởi thiết kế “kỳ lạ”, “bị bóp méo” nằm giữa tổng thể những thiết kế Gothic cổ điển của Praha.
Bạn cần phải ngắm tòa nhà này từ mọi góc cạnh, nhìn từ xa, đến gần, nhiều người nói rằng, khi nhìn tòa nhà, họ cảm giác như người đang say. Tôi uống một tách cà phê trên ban công tòa nhà, ngắm thành phố và con sông phía xa xa, một cảm giác không dễ gì quên được.
Ngắm thành phố từ trên cung điện Hoàng Gia.
Chắc hẳn những người đi xem bói ở Praha như tôi không phải để coi vận mệnh mình thế nào, mà để tận hưởng không gian huyền bí như trong phim cổ trang thế kỷ 14-15.
Nếu bạn đã xem những bộ phim về người du mục châu Âu, bạn sẽ thấy hình ảnh những cô gái bohemian, quấn đầy các loại quần áo và trang sức trên người, trang điểm rất đậm, cùng một mái tóc xù màu đỏ, ngồi bên quả cầu tiên tri, hoặc xem đường chỉ tay và đoán vận mệnh tương lai. Bohemian vốn là từ để chỉ một vương quốc trước khi Séc ra đời.
Ở Praha, nếu bạn đi vào một trong những con hẻm nhỏ, bạn sẽ tìm thấy khá nhiều các biển chỉ dẫn đến với các “thầy bói” này. Nhiều biển chỉ dẫn còn ghi rõ “chúng tôi nói tiếng Anh, tiếng Pháp” để phục vụ du khách.
Một cửa hiệu bói của người Gypsy.
Một biển quảng cáo xem bói.
Cây cầu Tình
Một địa điểm nổi tiếng khác mà ai đến Praha cũng không thể bỏ qua, đó là cây cầu Charles (mà những người Việt Nam đi học tập, lao động vài thập kỷ trước đặt tên cho nó là Cầu Tình). Đây là cây cầu cổ nhất tại Praha, được xây dựng từ năm 1342, với 16 nhịp, được trang trí bằng 30 bức tượng tôn giáo, trước kia được đặt tên là Cầu đá, hay cầu Praha, từ năm 1870 được đổi tên thành cầu Charles.
Người ta kể lại rằng, khi xây cầu, họ đã cho thêm lòng đỏ trứng vào vữa để thêm phần chắc chắn. Có lẽ thế mà cây cầu vẫn đứng vững sau hơn 650 năm, trải qua bao mùa mưa lũ và là cây cầu đá lâu đời nhất châu Âu vẫn còn được sử dụng. Hai bên đầu cầu là hai pháo đài, nối liền hai phần của thành phố – một nửa thành phố Praha cổ và một nửa thành phố mới.
Buổi chiều tà là thời điểm đẹp nhất và thơ mộng nhất của Praha, ánh nắng vàng cuối ngày chiếu lên những viên gạch khiến cây cầu và các con đường rực sáng như dát vàng, vì thế người ta hay gọi Praha là “thành phố vàng”.
Dọc hai bên cây cầu, những nghệ sĩ đường phố đang chơi đàn dây, bên cạnh là bác họa sỹ già nắn nót từng nét vẽ trên bức chân dung cô gái tóc đỏ, mấy cậu thanh niên mặc áo thủy thủ đang chào bán các tour du lịch trên sông, và đẹp nhất là cảnh những cặp tình nhân ghé sát vào nhau ngắm hoàng hôn bên dòng sông lấp lánh ánh chiều tà.
Cặp tình nhân trên cầu Charles.
Chợ Việt ở Praha
Với người Việt khi đến Praha, không thể không ghé chợ Sapa. Tại CH Séc, có hơn 83.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc, chủ yếu tại Praha. Chính những người Việt này đã thành lập nên Trung tâm thương mại Sapa (được gọi thân thuộc là chợ Sapa) là nơi trao đổi, buôn bán những món hàng rất Việt Nam. Khu vực này không chỉ có chợ, mà còn có nhà hàng, cửa hàng thẩm mỹ, dịch vụ, trường học, mẫu giáo, đền chùa theo phong cách Việt Nam.
Ở chợ Sapa, bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì từ quần áo, đồ trang trí nhà cửa, đồ chơi…đến rau củ quả, nước mắm, tôm đông lạnh, tôm cá khô, trà, gạo, đậu phụ, giá đỗ, thậm chí cả… bún chả, thịt chó. Đây là một nơi lý tưởng cho ai đó muốn thưởng thức hương vị Việt Nam khi xa nhà. Tuy nhiên, những người dân ở đây chủ yếu là người Việt, tuy sống lâu năm tại đây nhưng khá hạn chế về tiếng Séc và tiếng Anh, dẫn đến khả năng hội nhập thật sự vào cuộc sống, hoặc phát triển những ngành nghề khác ngoài buôn bán là điều hiếm thấy.
Chuyến chu du ở Prada đã để lại trong tôi nhiều nhớ thương. Tôi thật sự đã phải lòng Praha, một tổng hòa, giao thoa của văn hóa Phương Đông và Phương Tây, một thành phố xinh đẹp và dịu dàng đến nao lòng.