Dù nắm chắc kiến thức nhưng thí sinh (TS) các môn khoa học tự nhiên vẫn cần một vài “mẹo” để bài thi đạt kết quả như mong muốn.
Thí sinh trao đổi bài thi sau khi thi môn hóa tại Trường ĐH Bách khoa TP. HCM năm 2011 - (Ảnh: Đào Ngọc Thạch) |
TS cần phải nắm chắc kiến thức căn bản chương trình 12 vì đề thi mấy năm nay không quá khó như trước nữa. Cấu trúc đề thi vẫn sẽ như các năm. Ở phần chung, câu I là khảo sát hàm số, vẽ đồ thị và những vấn đề liên quan khảo sát hàm số. Câu II sẽ có một câu liên quan lượng giác, phương trình, bất phương trình, mũ logarit, vô tỉ. Đây là dạng bài tương đối cơ bản. TS cần ôn kỹ làm các dạng phương trình lượng giác, trọng tâm ở kiến thức lớp 11.
Ở câu III, thông thường là một câu tích phân 1 điểm. Đây là dạng câu hỏi rộng, phải nắm chắc từng dạng cơ bản để đem ra vận dụng. Đề thi sau này ít bẫy TS. Câu IV là hình học không gian cổ điển, tính thể tích, khoảng cách, góc... Đây là câu hỏi chỉ cần học kỹ kiến thức là làm được nhưng đa số các em HS bị lẫn lộn giữa khái niệm “góc cạnh bên và cạnh đáy”, “góc cạnh bên và mặt đáy”, “góc mặt bên và mặt đáy”... nên cần để ý.
Khó nhất là câu V, thường đề thi cho một bài toán tổng hợp, tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, bất đẳng thức, hệ phương trình, phối hợp nhiều đề chung lại. Câu bẫy thường cho liên quan số phức, có thể cho phần khảo sát hàm số và hữu tỉ, trên đa thức bậc 2, dưới là nhị thức bậc nhất.
Khi làm bài thi, quan trọng là phải học kỹ và biết phân tích đề thi mới mong đạt được điểm cao.
Phạm Hồng Hải (nguyên Giáo viên môn toán Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP. HCM)
Chú ý phần thực hành trong môn địa lý
Đọc kỹ câu biểu đồ, tìm đơn vị của đề bài, đọc câu hỏi xem biểu đồ thể hiện gì, đúng đơn vị của đề bài chưa, có đổi đơn vị không? (Biểu đồ thể hiện cơ cấu, tỷ trọng, tốc độ thì đơn vị phải là %, nếu đề bài cho đơn vị thường thì phải đổi ra %). Xác định dạng biểu đồ cần vẽ, vẽ cẩn thận chính xác, chú ý tên biểu đồ, ghi chú ký hiệu, nhận xét biểu đồ, dẫn chứng cụ thể...
Nếu bài có yêu cầu vẽ lược đồ, chú ý vẽ theo lưới ô vuông, phải xác định và vẽ được cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào lược đồ.
TS không được mang Atlat địa lý Việt Nam vào phòng thi nên phải vẽ được các dạng biểu đồ cơ bản (cột, đường, kết hợp, tròn, miền). TS phải nắm được một số công thức tính toán (mật độ dân số, bình quân lương thực, năng suất cây trồng, cán cân xuất nhập khẩu, tỷ suất tăng dân số tự nhiên, tốc độ tăng trưởng, cơ cấu, độ che phủ rừng...).
Võ Thị Ngọc Quí (Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, TP. HCM)
Môn sinh: Kết hợp kiến thức xã hội khi làm bài
Phần di truyền chiếm khoảng 60% số điểm, TS cần tập trung học chương 1 và chương 2, có thể cả chương 3 trong SGK. Phần tiến hóa và sinh thái chiếm 40% điểm, khi học có nhiều câu giống nhau, rất dễ nhầm lẫn. Vì vậy, ngoài việc học để hiểu bài, cần phải đọc rất kỹ câu hỏi để không mắc sai sót.
Thường có rất nhiều TS điểm dưới trung bình môn sinh vì không biết cách ôn thi. Tuy là môn tự nhiên nhưng sinh học lại đòi hỏi TS phải có kiến thức xã hội. Nhiều câu phải hiểu bản chất sự việc mới làm tốt được. Đề thi các môn toán, lý, hóa có khuôn mẫu sẵn nhưng đề sinh thì đòi hỏi kiến thức rộng hơn mới có thể làm bài đạt điểm cao được.
Vào phòng thi, TS cần làm câu dễ trước bởi với môn sinh, câu hỏi khó sẽ làm TS “choáng”. Vì vậy, để bình tĩnh làm bài thi, TS cứ lần lượt giải quyết đề thi từ dễ đến khó.
Trần Ngọc Danh (Tổ trưởng môn sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. HCM)
Môn lý: Làm được ít nhất 30 câu ở 60 phút đầu
Học sinh phải học toàn bộ kiến thức theo chương trình chuẩn (trừ các phần giảm tải) vì trong đề thi có 2 phần: chung và tự chọn. Hầu hết TS chọn phần chương trình chuẩn vì sẽ thuận lợi hơn (số bài học ít hơn rất nhiều so với chương trình nâng cao).
Số câu lý thuyết trong đề thi ĐH môn vật lý rất ít (15 câu), đa số là bài tập, công thức quá nhiều nên các em phải thuộc để có thể giải nhanh các bài tập (cả công thức cơ bản, mở rộng và kết quả của nhiều bài toán đặc biệt). Hai năm trở lại đây đề vật lý có quá nhiều bài toán khó (10 bài), TS phải giải rất nhiều bước mới được kết quả (giống bài toán tự luận).
Để làm tốt bài thi vật lý đòi hỏi các em phải có kiến thức, tập tính toán nhanh, chính xác, đổi đúng đơn vị, số mũ. Khi làm bài thi, các em làm qua một lần để giải và tô đáp án vào bản trả lời cho những câu lý thuyết dễ và những bài toán chỉ thực hiện một phép tính (xong gạch bỏ các câu này trong tờ đề). Phải làm được ít nhất 30 câu trong 60 phút đầu, thời gian tiếp theo, trở lại giải những câu khó (không dừng quá lâu ở một câu), giải được càng nhiều câu càng tốt. Còn 10 phút cuối, các em đành phải chọn kết quả cho những câu còn lại theo cảm tính, hy vọng gặp may...
Nguyễn Văn Phùng (Tổ trưởng môn vật lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP. HCM)
Môn hóa: Làm ngay những câu lý thuyết
Phải học SGK thật kỹ và sâu. Các em nên học theo các chuyên đề: bài tập kim loại, hữu cơ, phương pháp tăng giảm khối lượng - đường chéo, bảo toàn điện tích, bảo toàn electron... Phần hữu cơ nên học kỹ nền (ankan - anken - ankin), hợp chất có oxy, amino axit, andehyt, ête... Phần vô cơ đi sâu về kim loại (ôn lớp 12 là chủ yếu), cấu tạo nguyên tử (phần lớp 10), cân bằng tốc độ phản ứng và cân bằng hóa học.
Khi làm bài thi, cần làm ngay những câu lý thuyết, nên chọn càng nhanh càng tốt câu bài toán bởi có 50 câu mà chỉ có 90 phút, nếu chần chừ sẽ không có cơ hội quay lại để làm nữa.
Nguyễn Anh Thư (Tổ phó Tổ hóa học, Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM)
Các bước làm bài thi môn lịch sử - Đọc kỹ đề, gạch dưới các ý chính, xác định yêu cầu đề, khung thời gian và sự kiện trọng tâm. - Lập dàn ý cơ bản hoặc sơ đồ tư duy đơn giản, nêu các ý chính cần trình bày theo yêu cầu của đề thi. Thao tác này giúp TS không bị thiếu sót ý trong quá trình làm bài, mạch bài sẽ lô gíc, rõ ràng. Không nên trình bày mơ hồ các sự kiện quan trọng mà phải rõ ràng, chính xác về không gian, thời gian, sự kiện... - Cần phân phối thời gian làm bài cho hợp lý: Lấy thời gian làm bài chia cho thang điểm là 10. Ví dụ thời gian làm bài là 180 phút, lấy 150 phút (dành 20 phút để đọc đề và viết đề cương sơ lược và 10 phút đọc lại bài sau khi làm xong) chia cho 10, như vậy mỗi điểm tương ứng với 15 phút. - Đối với loại câu hỏi đơn giản như yêu cầu trình bày sự kiện, vấn đề... lịch sử, phải trình bày theo thứ tự: hoàn cảnh, chủ trương, diễn biễn, kết quả, ý nghĩa sự kiện. Đối với câu hỏi nâng cao (phân tích, chứng minh, so sánh...), phải trình bày tóm tắt sự kiện trước khi giải thích, phân tích, chứng minh... Thạc sĩ Nguyễn Kim Tường Vy (Trường THPT Nguyễn Hiền, TP. HCM) |
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?