Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang nóng lên với việc giáo viên có thể bị phạt tới 20 triệu đồng nếu dạy thêm mà không được cấp phép.
Rất khó để xác định học thêm là “bắt buộc” hay theo nhu cầu (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, các nhà quản lý giáo dục tại Hà Nội khẳng định biện pháp này không thể giải quyết tận gốc vấn đề.
Nhùng nhằng lệnh cấm - nhu cầu
Phản ánh về tình hình dạy thêm, học thêm (DTHT), ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT về DTHT, các trường tiểu học hiện chỉ tổ chức nhận trông giữ trẻ theo nhu cầu của cha mẹ học sinh. Còn với bậc THCS, THPT thì ông Hùng cho rằng DTHT là nhu cầu của cha mẹ học sinh, nhất là khi đối mặt với kỳ thi vào lớp 10 THPT. “Hiện Ba Đình chỉ có 2 trường THCS được học 2 buổi/ngày thì không được cấp phép DTHT. 9 trường THCS còn lại thì được cấp phép dạy thêm cho 159 giáo viên” – ông Nguyễn Đắc Hùng cho biết.
Tuy nhiên, với thống kê 1.500 học sinh học thêm trong nhà trường và 1.200 học sinh học thêm ngoài nhà trường mà phòng GD-ĐT Ba Đình đưa ra thì ngay chính nhà quản lý cũng phải thừa nhận không phải con số chính xác với lý do học sinh đi học hàng tháng có nhiều biến động. Điều này đặt dấu hỏi về việc quản lý DTHT có bám sát thực tế hay không? Cũng phản ánh về tình trạng kiểm tra DTHT trong trường mình, bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B cho biết, nhà trường đã tiến hành thường xuyên kiểm tra DTHT và chưa phát hiện sai phạm. “Tuy nhiên, trước đó, tháng 10-2012, trước phản ánh về việc có giáo viên DTHT, nhà trường đã kiểm tra rất kỹ và tháng 12 đã phát hiện giáo viên dạy thêm cho con em giáo viên và đã yêu cầu ngừng lớp học này” - bà Phạm Thị Yến cho biết.
Còn tại quận Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Như Thắng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng cho biết hiện phòng đã cấp phép cho 15 trường THCS với 273 nhóm lớp, có 9.584 học sinh tham gia học thêm 3 buổi/tuần. Riêng 2 trường Tây Sơn và Lê Ngọc Hân do không đủ phòng học nên tổ chức DTHT tại các địa điểm trong và ngoài nhà trường. Giải thích về việc không tổ chức học 2 buổi/ngày với 13 trường THCS có đủ phòng học thay vì tổ chức DTHT, ông Nguyễn Như Thắng cho biết, đa số phụ huynh không muốn cho con học cả ngày tại trường do độ tuổi THCS đã khá lớn. “Trước đây, trường THCS Ngô Quyền đã tổ chức học 2 buổi/ngày nhưng sau đó phải dừng lại vì tập thể phụ huynh đã làm đơn không đồng ý” - ông Thắng cho biết thêm.
Phạt tiền chưa đủ
Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang được lấy ý kiến với mức phạt cao nhất trong việc DTHT là 20 triệu đồng với giáo viên. Tuy nhiên, ngay Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận hiện một số địa phương mới chỉ nặng về quản lý hành chính nên chưa thành công, thậm chí có một số việc làm gây phản cảm. “Các cấp quản lí, ban giám hiệu các trường cần phải kiên quyết trong quản lý hành chính, đồng thời phải làm tốt việc giáo dục tư tưởng đối với giáo viên và giải thích chu đáo cho phụ huynh học sinh, chỉ đạo tốt công tác đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập để nâng cao hiệu quả dạy học trên lớp, hạn chế dạy thêm” - Thứ trưởng phân tích.
Bà Đinh Thị Lan Duyên, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng thì cho rằng, Hà Nội cần sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT để thống nhất việc quản lý DTHT trong toàn thành phố. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để việc DTHT, Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh nội dung chương trình SGK theo hướng giảm tải để học sinh tiếp thu tốt kiến thức trên lớp, tránh phát sinh nhu cầu DTHT.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định, đối với trường hợp những giáo viên dạy giỏi hay giáo viên dạy thêm vì nể nang phụ huynh, bất cứ ai vi phạm cũng phải chịu xử lý theo quy định. “Cần phải nói thêm rằng nhu cầu của phụ huynh phần nào cũng là do thầy cô, nhà trường tạo ra. Thầy cô ra đề kiểm tra với yêu cầu quá cao hoặc có những tình tiết lắt léo, đánh đố học sinh thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo cái gọi là “nhu cầu” cho trẻ đi học thêm. Thực tế chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông đã được thiết kế phù hợp với năng lực nhận thức của tuyệt đại đa số học sinh. Chúng ta đã biết phần lớn học sinh ở nông thôn, ở các vùng khó khăn không đi học thêm cũng đạt yêu cầu; nhiều em không đi học thêm vẫn đạt thủ khoa trong các kì thi tuyển sinh đại học” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đưa ra nhiều mức phạt, dao động từ 3 triệu - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm. Theo đó, phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm; từ 5 - 10 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định. Ngoài ra, phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi quản lý thu, chi tiền dạy thêm học thêm không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ; Phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng. Riêng đối với hành vi cấp phép dạy thêm, học thêm không đúng thẩm quyền thì dự thảo đề xuất mức xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng… |
Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?