Đau xót con nằm lồng kính, mẹ ngủ hành lang
Thứ ba, 07/01/2014 08:28

Nhiều gia đình có con sinh non đang phải chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện Phụ sản Trung Ương, không có tiền, họ phải ăn trực nằm chờ ngay tại hành lang bệnh viện.

Bậc cầu thang cũng có thể thành giường ngủ.

Bậc cầu thang cũng có thể thành giường ngủ.

Cả nhà chen chúc trong phòng trọ 5m2

Chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh bình thường vốn dĩ đã khó khăn, nhưng đối với những trẻ sinh non, khó khăn còn tăng lên gấp bội. Đối với những gia đình có con sinh non đang phải chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện Phụ sản Trung Ương (43 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội), họ vẫn hay đùa với nhau rằng: “Phải “sang” lắm mới có tiền thuê ở trong các “nhà hộp” 5m2. Nhưng ít ai hiểu rằng, đằng sau những câu nói đùa ấy là cả một sự chua chát trước những phận đời éo le đang phải cố gồng mình giành sự sống cho đứa con bé bỏng vừa chào đời.

nguhanhlangbenhvien

Lối đi trong khu nhà trọ chỉ đủ cho 1 người đi, 2 người tránh nhau còn khó.

Có tận mắt chứng kiến nơi ở của những sản phụ có con sinh non, chúng tôi mới thấu hiểu được sự hy sinh vĩ đại của những người mẹ bao la tới nhường nào.

Thông thường, với những sản phụ có con sinh non, đang chăm sóc trong lồng kính hoặc các phòng hồi sức, họ phải tự tìm thuê nhà trọ ở gần để hàng ngày còn mang sữa vào cho con. Chính vì thế, những chủ nhà ở ngay cổng bệnh viện thường thu giá rất đắt.

Theo chân chị Nguyễn Thị Lệ (Hưng Yên), chúng tôi tìm đến nhà trọ Cường ở địa chỉ 123 phố Phủ Doãn. Đây là một căn nhà 5 tầng cũ kĩ với hầu hết diện tích để dành cho thuê. Tầng 1 được tận dụng làm cửa hàng bán cơm, phở cho người nhà và bệnh nhân trong bệnh viện hoặc phục vụ ngay cho khách trọ của nhà mình.

nguhanhlangbenhvien2

Đường lên khu nhà trọ ở tầng 2 rất chật hẹp, cầu thang dựng đứng rất khó đi lại.

Con đường dẫn lên khu trọ ở tầng 2 luôn ướt nhẹp, nhếch nhác. Đường vào tối om, nhỏ xíu, cầu thang bậc rất cao và dựng đứng như dốc núi. Thế nhưng, cho đến khi nhìn thấy những căn phòng trọ “rộng và thoáng” như lời giới thiệu của chủ nhà, chúng tôi mới thấy thật sự choáng váng. Rộng và thoáng ở đây là một căn phòng chỉ rộng chừng 5m2, kín mít không có cửa sổ hay lỗ thoáng, trong phòng trải những tấm chăn bông cũ kĩ và một ít đồ dùng gia đình mà chủ nhà cho người thuê mượn. Thật không quá nếu so sánh những căn phòng này giống như một chiếc hộp cat-ton. “Mỗi phòng trọ chỉ ở được 2 người là chật, thêm người thứ 3 nữa thì không biết nhét vào đâu. Đấy là chưa kể ở đây ngột ngạt, thiếu không khí, nhiều khi không thở được. Nhưng dù sao vẫn phải cố gắng chờ ngày con được đón con về” – chị Lệ (Hà Nam), một người thuê nhà cho biết.

Chưa kể, cầu thang lên khu nhà trọ này vừa tối, vừa hẹp, lại dốc và cao nên rất khó đi lại. Người bình thường đi đã khổ, đối với những sản phụ vừa sinh xong còn khổ hơn gấp nhiều lần. Thậm chí, có những sản phụ không dám bước xuống cấu thang, không đi thăm con được vì “cứ bước xuống mấy bậc thang là đau quặn bụng không đi nổi”.

nguhanhlangbenhvien3

Căn phòng trọ bức bí, chật chội chỉ vẻn vẹn có 5m2.

Trung bình, chủ nhà trọ sẽ thu mỗi gia đình là 120 nghìn đồng/ngày. Nếu như cắm thêm nồi cơm điện thì trả thêm 20 nghìn đồng/ngày. Muốn cắm quạt sưởi thì nộp thêm 30 nghìn đồng/ngày. Còn tắm nóng lạnh là 20 nghìn đồng/lần. Như vậy, nếu sử dụng tất cả các dịch vụ tại đây, chi phí tối đa để thuê một ngày là 190 nghìn đồng/ngày. Đó là một con số không hề nhỏ đối với những gia đình từ quê ra tỉnh, đang phải gồng mình gánh thêm nhiều nỗi lo ở mảnh đất thủ đô. Thế nhưng giá của những phòng trọ thì không hề thấp như chất lượng vốn có.

Ăn ngủ ở hàng lang, chờ ngày con ra viện

Cuộc sống của những gia đình ở trong khu nhà trọ 5m2 tưởng như đã là tận cùng gian khó, thế nhưng vẫn còn có những người khó khăn hơn, tới mức không có tiền thuê nhà mà phải ngủ tạm ở hành lang, ban công hay thậm chí phải sống cảnh màn trời chiếu đất để chờ ngày con ra viện.

Cứ đến giờ, các sản phụ ngồi ngay tại hành lang vắt sữa để mang vào cho con, sau đó họ trải chiếu, chăn ra nằm ngủ ngay tại hành lang, gầm cầu thang hay bất cứ góc khuất nào có thể ngả lưng. Lý do duy nhất họ phải chịu cảnh sống vật vờ như vậy chỉ vì họ không có đủ tiền để thuê nhà.

nguhanhlangbenhvien4

Đối với những người này, nơi nào trong bệnh viện cũng có thể là "nhà".

Hầu hết họ đều là những người ngoại tỉnh, do quá trình mang thai có vấn đề nên dẫn tới sinh non, con cần phải chăm sóc ở trong lồng kính cho đến khi đủ điều kiện sức khỏe mới được xuất viện. Đứa trẻ ở trong lồng kính lâu bao nhiêu, thì bên ngoài, bố mẹ, gia đình các bé cũng phải chịu vất vả bấy nhiêu.

Có những khi trời mưa rét, gió lùa vào tận các khu hành lang, họ nằm co ro vào một góc, trùm chăn kín đầu để trốn cái rét, nhất là với những sản phụ vừa sinh, sức khỏe còn yếu, đáng ra phải được chăm sóc cẩn thận, kiêng cữ từng tí thì ở đây, họ đang phải vật vờ dọc hành lang bệnh viện để ngóng chờ tin về những đứa con sinh non bé bỏng.

nguhanhlangbenhvien5

Co ro trong giá rét mùa đông.

Có những gia đình như gia đình chị N (Thái Nguyên), con sinh non lại sức khỏe yếu nên cứ mãi phải nằm trong lồng kính, cả tháng trời anh chị cứ lang thang ở bệnh viện để mang sữa vào cho con, để hàng ngày được vào nhìn mặt con, chờ mong cho con sớm được xuất viện về nhà. Vì không có tiền thuê nhà trọ nên dù vợ vừa đẻ, chồng chị N vẫn phải “cắn răng” để vợ ngủ ngoài hành lang bệnh viện, vì còn vô vàn những chi phí cần đến tiền trong những ngày anh chị trang trải ở thủ đô.

Vào mùa nắng nóng, không khí luôn oi nồng, ngột ngạt. Còn vào mùa rét thì gió lùa lồng lộng, giá rét như thấm vào cơ thể, người ta phải co mình lại chống đỡ. Thế nhưng, chẳng màng đến thời tiết, những người có hoàn cảnh khó khăn phải sống cảnh màn trời chiếu đất này luôn chỉ mong ngóng một điều rằng con sẽ ăn được nhiều sữa hơn, sẽ khỏe mạnh hơn, sẽ sớm được ra với bố mẹ hơn. Nhìn những cảnh đời ấy, nhiều người không khỏi chạnh lòng, bởi đằng sau những nụ cười gượng gạo, là cả một nỗi lo đang giấu kín trong lòng…

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Chăm con trong viện , Gia đình chăm con nhỏ , Con nhỏ nằm viện , Viện Phụ sản Trung Ương