Đầu năm xông đất làng Vũ Đại
Thứ hai, 16/01/2012 10:49

Làng Vũ Đại đã trở nên nổi tiếng sau tác phẩm "Chí Phèo" và bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy". Nhưng anh Chí, cụ Bá có thật không hay chỉ là sự hư cấu vẫn là câu hỏi khiến chúng tôi tò mò muốn về tận nơi một chuyến.

Làng quê Nam Cao vốn tên là làng Đại Hoàng thuộc tổng Cao Đà, phủ Lý Nhân, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam. Làng Đại Hoàng xưa, nay đã đổi tên thành xã Hòa Hậu ( huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) với cả chục xóm nằm dọc theo bờ đê sông Châu Giang. Nhà bá Kiến ở xóm 11, còn nhà Nam Cao ở xóm 8.

Lai lịch của anh Chí

Tôi còn nhớ khi học môn văn cấp 3, đến tác phẩm Chí Phèo, cô giáo dạy văn giảng rằng: cái tên tác phẩm là Chí Phèo là một thủ pháp nghệ thuật. Chữ Chí mang thanh sắc còn chữ Phèo mang thanh bằng. Âm đầu thì lên giọng còn âm sau thì trượt dài như chiếc xe không phanh. Chỗ đó giống với cuộc đời của nhân vật Chí Phèo trong truyện. Từ chỗ là một anh thanh niên hiền lành với những ước mơ nho nhỏ về một gia đình “…chồng  làm thuê, vợ dệt vải, khá giả thì nuôi một con lợn…” bị dồn vào chân tường để rồi trở thành một tên quỷ dữ của làng Vũ Đại. Cuộc đời Chí đã trượt dài xuống bùn đen không ngóc được lên sau chuyến bóp chân cho vợ Ba của Bá Kiến, bị Bá Kiến ghen nên tống anh đi tù. Nhưng thủ pháp gì thì thủ pháp, hẳn là nhà văn cũng phải dựa vào một nguyên mẫu một người nào đó. 

Sông Châu Giang hiền hòa chảy qua làng quê Nam Cao

Tin tưởng vào phán đoán của mình như thế, tôi tìm đến gặp ông Trần Hữu Vịnh. Ông Vịnh là người trông coi phần mộ cùng nhà tưởng niệm cố nhà văn liệt sĩ Nam Cao (xóm 8, Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam). Ông Vịnh kể rằng: "Xưa kia có một người không rõ lai lịch đến sống ở Đại Hoàng, ông này bê tha nát rượu. Hàng ngày thường lê la ở chợ. Món khoái khẩu của Y là nhắm rượu với phèo lợn. Đó là ruột non của lợn, đoạn có nhiều chất bột. Nếu làm lòng lợn thông thường thì người ta thông ruột cho ra bớt những chất bột ấy đi. Nhưng làm phèo thì họ cứ để cả thế đem luộc. Tay Chí thường nhắm rượu với món đó và sau khi say rượu hắn lại về cái lò gạch bỏ hoang nằm ngủ. Có lẽ vì thế nên cả làng gọi hắn ta là Chí Phèo".

Ông Trần Hữu Vịnh bên phần mộ cố nhà văn Nam Cao

Mặc dù biết khá nhiều chuyện nhưng ông cũng nói luôn rằng mình là hậu sinh nên những điều đó cũng chỉ là nghe kể lại. Ông mách tôi hãy đến hỏi chính em trai nhà văn Nam Cao để biết chính xác hơn.

Theo lời giới thiệu của ông Vịnh, chúng tôi tìm đường sang nhà cụ Trần Hữu Đạt ở xóm 9, xã Hòa Hậu. Cụ Đạt đã ngoài 80 nhưng hãy còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Cụ khẽ nhấp ngụm trà nóng và bắt đầu kể: “hầu hết nhân vật trong truyện của Nam Cao là có thật”. Câu chuyện đã mở đầu bằng một lời khẳng định như thế. “Chí Phèo đến sống ở làng Đại Hoàng từ trước cách mạng tháng Tám. Người làng không ai biết về thân thế ông ta nhưng cả làng đều gọi ông ta là chí phèo. Ngày ngày Chí Phèo lê la ở chợ, sống bê tha, tối về ngủ ở cái lò gạch đổ nát”.

Cụ Trần Hữu Đạt, em trai nhà văn Nam Cao

Như vậy nhân vật Chí Phèo có nguyên mẫu từ một người có thật ở làng Đại Hoàng từ trước cách mạng. Từ đây Nam Cao đã tô đắp thêm lên để tạo nên một điển hình nghệ thuật Chí Phèo. Cuộc đời của Chí Phèo trong truyện và Chí Phèo ngoài đời không đồng nhất với nhau. Trong chuyện, Chí Phèo đã đâm chết Bá Kiến để lấy lại sự lương thiện bị đánh cắp, rồi sau đó tự tử. Với cách kết thúc truyện như thế, Nam Cao muốn nói rằng có áp bức thì có đấu tranh và lẽ phải cuối cùng sẽ thắng. Còn Chí Phèo ở làng Đại Hoàng thì đã đi đâu không ai biết sau khi cách mạng thành công. Cụ Đạt nói vậy và cho biết thêm: “ cả chuyện Chí Phèo với Thị Nở tình tự với nhau cũng chỉ là một thủ pháp nghệ thuật dù trong làng có một Thị Nở xấu đúng như đã tả".

Số phận Bá Kiến ngoài đời

Một nhân vật nữa đã làm nên sự bất hủ của tác phẩm Chí Phèo là Bá Kiến. Có thể nói nhà văn Nam Cao đã xây dựng Bá Kiến thành một biểu tượng cho tất cả những gì là giảo hoạt nhất, cáo già nhất của bọn kỳ hào, chức dịch trong làng xã Việt Nam mấy chục năm trước.

Nhà của ông Trần Bá Bính, nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm của Nam Cao

Thực chất Bá Kiến là lấy hình mẫu từ ông Bá Bính ở Đại Hoàng. Ông ta cũng có vợ Ba, cũng đứng đầu một phe cánh trong làng. Và hiện nay ngôi nhà của Bá Bính vẫn còn nguyên xi như thuở cụ Bá: “đập bàn đập ghế để đòi cho được 5 đồng...”. Đó là một ngôi nhà nhỏ, thấp nằm lọt thỏm giữa những nhà mái bằng xung quanh. Nơi đây cũng là chỗ cụ Bá Bính chút hơi thở cuối cùng nhưng không phải là dưới nhát dao của Chí Phèo. Vẫn theo lời cụ Đạt kể thì bá Bính chết vì già yếu sau cách mạng tháng Tám còn bà Ba mãi đến những năm cải cách ruộng đất mới chết. Con cái “cụ Bá” hiện đều không còn sinh sống ở đây. Khi chúng tôi đến nơi, cánh cổng đóng khóa cẩn thận. Những người sống gần di tích cho biết vừa qua chính quyền tỉnh Hà Nam đã mua lại căn nhà này để làm một di tích phục vụ cho thăm quan, tìm hiểu về lịch sử cũng như văn học, còn con cái Bá Kiến thì giờ đều đã sinh sống tại nơi khác.

Chuyện về Nam Cao

Theo như lời của cụ Đạt, thì gần như tên của tất cả những nhân vật trong Chí Phèo đều lấy nguyên mẫu những người trong làng Đại Hoàng. Sau khi nhà văn viết xong thì nhờ em trai là cụ Đạt, hồi đó đang học ở thành phố Nam Định gửi bản thảo lên các tờ báo ở Hà Nội hộ. Khi truyện được đăng lên báo thì đám kỳ hào trong làng cũng bực tức lắm nhưng không làm gì được.

Cụ Trần Hữu Đạt đứng trước ngôi nhà một thời Nam Cao từng sống và viết văn

Cụ Đạt kể: sau khi truyện đăng lên báo, đám kỳ hào trong làng biết thì rất tức tối nhưng không làm gì được bởi vì hai lẽ. Một là vào lúc đó phong trào cách mạng ở vùng quê này đã khá mạnh. Hai là quan huyện Nam Sang (thời đó Đại Hoàng là xã thuộc tổng Cao Đà, phủ Lý Nhân, huyện Nam Sang) lại là bạn học thời Thành Chung với Nam Cao. Ngày ông quan huyện này mới về, đám kỳ hào làng Đại Hoàng lên huyện chào quan. Ông quan huyện biết là người ở Đại Hoàng mới hỏi là: có biết ông Tri không? (Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri) họ nói có biết. Ông quan liền bảo: thế về nhắn ông Tri hôm nào rỗi lên đây chơi, ông ấy với tôi là bạn học cũ. Thế là từ đấy đám kỳ hào cũng nể nên cũng đỡ làm khó cho nhà văn".

Tiến Đức
Tag: Chí Phèo , Làng Vũ Đại , Bá Kiến , Nam Cao , Đại Hoàng