Buổi trưa oan nghiệt
Tại Trại giam Quyết Tiến, gặp gỡ với phóng viên, phạm nhân Thuần (ở xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) kể về hoàn cảnh đầy éo le của mình. Bố Thuần lấy vợ hai rồi mất sớm, bà Hà Thị Thụ - mẹ Thuần - vì vậy mà mất phương hướng, sinh bệnh lý thần kinh nên cũng không có khả năng lao động và chăm sóc cho Thuần. Thuần lớn lên nhờ sự cưu mang chăm sóc của họ hàng nội, ngoại mà thiếu thốn tình thương của cha và mẹ. Rồi ở ngưỡng đang tuổi ăn tuổi học, Thuần lại sớm khăn gói vào miền Nam phụ giúp một người họ hàng kinh doanh khách sạn khi vừa học hết lớp 9.
Phạm nhân Thuần tại Trại giam Quyết Tiến
Chuỗi ngày bươn trải lao động ở nơi xứ người, được va chạm tiếp xúc với nhiều cảnh đời rồi soi chiếu vào hoàn cảnh bản thân, Thuần cảm thấy tủi hổ cho số phận. Thế nên dù nhận được sự quan tâm từ phía những người họ hàng nhiều đến đâu cũng không làm Thuần cảm thấy ấm lòng nên thầm trách bà Thụ đã sinh mà không nuôi nấng Thuần ngày nào. Tới năm 22 tuổi, Thuần kết duyên với một thanh niên cùng làng rồi vợ chồng đưa nhau về quê sinh sống.
Ngã rẽ cuộc đời Thuần bắt đầu từ đây. Thuần thường xuyên trông nom nhà cửa cho bà Thụ nhằm đỡ đần phần nào công việc cho mẹ. Ngoài việc đồng áng, Thuần mua cho mẹ một con lợn để tăng gia, cũng là cho bà bớt thời gian rảnh rỗi. Nhưng éo le thay, theo như lời Thuần kể, cứ hễ nuôi được dăm ba hôm bà Thụ lại vô duyên vô cớ cầm gậy đánh què lợn, có khi đập chết luôn phải giết thịt.
Sau mỗi lần như vậy, Thuần lại mua con lợn giống mới. Từ những chuyện vặt vãnh chẳng vào đâu rồi trông vào thái độ cư xử bằng những lời lẽ cay độc của mẹ để đáp lại sự quan tâm của mình nên Thuần càng trở nên u uất.
Rồi khi những u uất tích tụ đủ lớn và không thể kiềm chế khiến quan hệ giữa hai mẹ con ngày càng căng thẳng. Vào buổi trưa ngày 28/2/2001, Thuần từ nhà chồng chở xuống nhà bà Thụ một tải rau lang cho lợn. Chẳng đon đả đón con gái, bà Thụ lại gắt gỏng ra mặt. Thuần cũng không lấy đó làm bực dọc mà đi ra đồng. Một lúc sau về nhà thấy bà Thụ băm cả đống rau rồi cứ thế trút vào nồi cám đang vón hòn, vón cục. Sợ lợn ăn ốm bệnh nên Thuần góp ý với mẹ. Bà Thụ chỉ đáp cộc lốc: “Chết thì thịt”.
Tức quá, Thuần mới buột miệng làm mình làm mẩy: “Thôi kệ mẹ, con chán lắm rồi, từ mai con chẳng xuống với mẹ nữa đâu”. “Thế là bà ấy nổi cáu rồi cầm ngay con dao hô “tao chém chết mày”, thế là hai mẹ con giằng nhau. Trong lúc xô xát, em tước được con dao và gây ra cái chết cho mẹ” - Thuần nhớ lại. Trả giá cho hành động của mình, Thuần bị TAND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên phạt 16 năm tù giam về tội “Giết người”.
Những suy nghĩ khác thường và vô cảm!
Giải thích cho hành động nghịch đạo của mình, Thuần kể rằng: “Mâu thuẫn đã âm ỉ từ lâu rồi. Mẹ đẻ em ra có nuôi được em đâu, em toàn ở với bác thôi, cảm thấy buồn lắm. Đã vậy, bà ấy chửi em ghê lắm, cứ như không phải con của bà ấy. Biết vậy, từ lúc em lớn lên biết kiếm tiền là bù đắp cho bà nhiều nhưng bà ấy lại không biết bù đắp lại cho con, cuộc sống khổ quá nên tự thấy lòng em cũng không tha thứ được”.
Chưa hết, để kể về sự “quái thai” của mẹ ruột, Thuần còn cho biết: “Nhà nông nuôi được con lơn là khó lắm, cũng là để tăng gia cho bà ấy, thế mà nuôi con nào bà ấy đập con ấy. Rồi thì ruộng nương một mình em làm quần quật, làm không hết việc bà ấy lại đi cấy cho người khác. Với hàng xóm thì bà ấy cũng chẳng coi ai ra gì, hễ tý là gây cãi cọ xích mích. Đúng là trên đời này em đi từ Nam ra Bắc chẳng có ai như mẹ em, bà ấy chửi em những từ mà không mẹ nào dùng chửi con. Cứ không vừa lòng là bà ấy chửi thôi”.
Sau hơn mười năm chấp hành án, Thuần tâm sự với suy nghĩ rất khác người: “Có hối tiếc về quá khứ của mình thì em không tiếc đâu, em nói thật ấy. Em chỉ tiếc cho cuộc sống tuổi trẻ của mình, bằng ấy năm, nếu không ở tù thì em đã có thể làm ra khối của cải rồi”.
Hiện tại, Thuần đang rất khao khát được làm lại cuộc đời. Nữ phạm nhân này tâm sự sau khi được ra trại sẽ vào miền Nam lập nghiệp và dự định sẽ lập gia đình với người ngoại quốc. Nữ phạm nhân này tỏ vẻ chán trường: “Em sợ lấy chồng quê lắm rồi”.
Nhưng tương lai trước mắt với Thuần còn tới 4 năm thụ án nữa. Niềm hy vọng lớn nhất của nữ phạm nhân này là cậu con trai mười tuổi. Sợ con trai bị “tiêm nhiễm” những lời lẽ không hay về quá khứ của mình, Thuần nhất quyết không để gia đình nhà nội đón về mà cam chịu để con sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, ở đời vẫn có câu “gieo nhân nào gặt quả ấy”, mầm sống mà Thuần đang tràn trề hy vọng sẽ là chỗ dựa và động lực để cải tạo tốt ấy biết đâu sau này sẽ là một quả đắng nếu như nó biết được những suy nghĩ vô cảm của mẹ nó trước mạng sống của bà ngoại. Đến một thời điểm nào đó, mầm sống ấy cũng sẽ đủ khôn lớn để nhận thức xã hội, ngẫm lại hoàn cảnh chẳng khác như Thuần trước kia, nó sẽ cũng hành động như Thuần? Đây có phải là điều Thuần mong muốn?