Người dân sống ở cuối tuyến kênh 18, xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) phải mua điện của hộ khác với giá cao - Ảnh: Tấn Thái
Khi hỏi về chuyện dùng điện sinh hoạt hằng ngày, bà Nguyễn Thị Vân Anh ở ấp Tàu Hơi A, xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp đưa tờ giấy báo tiền điện hằng tháng cho chúng tôi xem và than thở: “Nhà tôi chỉ có ba bóng đèn, một tivi và vài thiết bị điện khác nhưng mỗi tháng tôi và hai hộ dân nữa dùng chung một đồng hồ phải đóng trên 640.000 đồng. Trong khi đó các hộ dân ở phía trên con kênh chỉ đóng tiền điện bằng 1/3 so với gia đình tôi dù xài điện cũng tương tự nhau”. Theo bà Vân Anh, bà con ở đây đã kiến nghị với chính quyền địa phương kéo điện cho dân xài nhưng cả chục năm qua vẫn chưa được giải quyết.
Quốc lộ 80 (xã Mong Thọ, huyện Châu Thành) - nơi bắt đầu tuyến kênh 18 kéo dài đến hết ranh giới hành chính xã Mong Thọ đã được bêtông hóa, nhưng đoạn đường cặp theo cuối con kênh 18 đến kênh Đòn Dông (dài khoảng 1,5km) vẫn còn là đường đất do hai đoạn đường này khác địa bàn xã. Chỉ tay ngay đoạn giao nhau giữa con lộ bêtông và con lộ đất, bà Nguyễn Thị Trinh nói: “Vì khác xã nên họ chỉ làm đến đây thôi, còn phần cuối con kênh họ không làm khiến người dân đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa”.
Ông Trịnh Khắc Nam - phó chủ tịch UBND xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp - cho biết trên địa bàn xã còn một số vùng lưới điện quốc gia chưa kéo đến. Tại những vùng này có nơi chỉ vài chục hộ dân nhưng cũng có nơi đến cả trăm hộ dân sinh sống. Trong những lần tiếp xúc cử tri, bà con ở đây đều yêu cầu kéo điện để họ không phải dùng điện ké với giá cao. “Ngoài ra, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm là tới đây khi đầu tư hệ thống giao thông nông thôn giữa các vùng giáp ranh các xã phải có sự liên kết chặt chẽ, tránh tình trạng một bên làm một bên... chừa lại”- ông Nam nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Bảo - phó giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Tân Hiệp - cho biết hiện nay ngành điện đang trong quá trình xóa những “vùng lõm” về điện.